Đồng Giao, biểu tượng của tình đoàn kết Bắc- Nam 40 cán bộ, chiến sỹ Điện Biên mới hoàn thành nhiệm vụ kháng chiến chống Pháp và công nhân của doanh điền Hữu Viện là những người đầu tiên của Nông trường Đồng Giao khi nơi đây mới chỉ là vùng đất đồi núi hoang sơ, từng là khu đồn điền mà thực dân Pháp để lại. 40 con người ấy đã đùm bọc yêu thương nhau như một gia đình, ban ngày cùng nhau lên rẫy, tối về chong đèn học chữ.
Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, các đồng chí bộ đội chuyển ngành, cán bộ miền Nam tập kết được điều về nông trường cùng với nhân dân địa phương và các vùng lân cận khai khẩn đất đai, mở rộng trồng trọt, chăn nuôi.
Được sự giúp đỡ của nước bạn Liên Xô, ngày 26-12-1955, lễ khai canh đã chính thức đánh dấu sự ra đời của "mái nhà" nông trường Đồng Giao với 1.200 cán bộ, công nhân từ khắp mọi miền đất nước và trở thành biểu tượng của tình đoàn kết Bắc - Nam, là quê hương thứ 2 của những cán bộ miền Nam tập kết, là sự gắn bó quân dân ruột thịt nơi các chiến sỹ quân đội có thể tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, chung sức với nhân dân xây dựng và bảo vệ đất nước hòa bình và phát triển.
Một năm sau ngày thành lập, tổ chức Đảng với 7 đảng viên đầu tiên của Nông trường đã được thành lập để lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động của nông trường. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng ngay từ đầu Đồng Giao đã sớm hình thành một mô hình khép kín tương đối hoàn chỉnh từ sản xuất đến chế biến.
Những thành công bước đầu ở một nông trường quốc doanh đã mở ra hướng phát triển mới của mô hình kinh tế XHCN ở miền Bắc, góp phần xây dựng hậu phương vững chắc, cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đồng Giao cũng như các đơn vị kinh tế trong cả nước phấn khởi bước vào thời kỳ phát triển toàn diện.
Năm 1978, nhà máy đông lạnh chính thức được xây dựng. Sự ra đời của nhà máy đã thúc đẩy phong trào thi đua lao động sản xuất trở nên sôi nổi, đời sống cán bộ, công nhân trở nên khấm khá. Ban giám đốc đã quan tâm xây dựng trường học, bệnh viện và ổn định nhà cửa, đời sống cho công nhân.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển ở từng giai đoạn, Đồng Giao cũng gặp không ít khó khăn. Song với sự nhạy bén, kiên trì và khôn khéo của các thế hệ lãnh đạo đã giúp đơn vị vượt qua những thời kỳ cam go nhất.
Năm 1993, Nông trường quốc doanh Đồng Giao chính thức đổi tên thành Xí nghiệp công nông Đồng Giao, thay đổi căn bản về phương thức hoạt động để phù hợp với tình hình mới.
Xí nghiệp tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, đưa dây chuyền sản xuất đồ hộp vào hoạt động, giải quyết căn bản những khó khăn về đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Để hòa mình vào dòng chảy sôi động của nền kinh tế thị trường đang mở cửa hội nhập, Xí nghiệp tiếp tục đổi tên thành Công ty Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.
Đến năm 2006, trước đòi hỏi của tình hình mới, Đồng Giao lại một lần nữa thay đổi cơ chế hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và đổi tên thành Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.
Trung tâm sản xuất và chế biến rau, quả lớn và hiện đại nhất cả nước
Dây chuyền lạnh IQF công nghệ Nhật Bản công suất 2 tấn sản phẩm/h hiện đại nhất Việt Nam mới được Công ty đưa vào vận hành sản xuất. Ảnh: XT
Nếu như trước đây sản phẩm chủ lực của Đồng Giao là cây dứa thì đến nay, Công ty đã nghiên cứu thị trường và đưa vào trồng trọt một số cây trồng mới như vải, lạc tiên, ngô ngọt, ngô rau, dưa chuột. Công ty đã tổ chức ký khoán cho các hộ nhận đất theo Nghị định 135 của Chính phủ, mỗi người lao động trở thành người chủ thực sự để sử dụng và đầu tư trên mảnh đất nhận khoán của mình theo định hướng cây trồng của Công ty.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ cho nhà máy chế biến, cán bộ Công ty còn chủ động về các địa phương phát triển vùng nguyên liệu. Hiện nay vùng nguyên liệu của Công ty đã trải dài từ Nghệ An, Hà Giang, Lào Cai, Bắc Cạn, hàng năm cung cấp trung bình hơn 30.000 tấn rau quả các loại như: ngô ngọt, đậu tương rau, rau chân vịt, lạc tiên, gấc, khoai môn Nhật Bản…Để bà con yên tâm sản xuất, Công ty đã hình thành chuỗi sản xuất khép kín hiện đại xứng đáng là trung tâm của mối liên kết 4 nhà.
Mặc dù không ngừng mở rộng vùng nguyên liệu trong cả nước, song để chủ động cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình Công ty vẫn chú trọng chăm sóc vùng nguyên liệu tại địa phương.
Năm 2010, được sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty đã đưa vào vận hành hệ thống tưới tiêu hiện đại công nghệ Ixraen trị giá hơn 50 tỷ đồng, phục vụ cho hơn 200 ha cây trồng và xây dựng hệ thống tiêu úng cho hơn 300ha đất của đội sản xuất Bãi Sải nhằm sử dụng tối đa nguồn tài nguyên đất vào canh tác.
Đây là mô hình có ý nghĩa kinh tế và xã hội lớn, vừa chủ động phòng, chống thiên tai, vừa giải phóng sức lao động cho con người, đồng thời mở ra hướng phát triển đa dạng nguồn nguyên liệu tự chủ phục vụ nhà máy chế biến.
Công ty cũng luôn chú trọng đầu tư khoa học kỹ thuật cho sản xuất công nghiệp. Đầu năm 2016, 2 dây chuyền sản xuất hiện đại bậc nhất Việt Nam đã đi vào vận hành đó là dây chuyền chế biến ngô ngọt tự động với công suất 4 tấn nguyên liệu/h và dây chuyền lạnh IQF công nghệ Nhật Bản công suất 2 tấn sản phẩm/h.
Tại thời điểm này, 2 dây chuyền trên là công nghệ hiện đại nhất cả nước trong ngành chế biến rau, quả, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo cơ sở để DOVECO mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.
Hiện Công ty đang sản xuất các sản phẩm chủ lực như: mơ lạnh, đậu tương rau lạnh, các sản phẩm từ ngô ngọt, các sản phẩm từ vải, lạc tiên…
Trên cơ sở một nền móng vững chắc cả về nông nghiệp và công nghiệp hiện đại bậc nhất Việt Nam, Đồng Giao đã xây dựng hệ thống bán hàng chuyên nghiệp, ổn định và luôn tìm kiếm phát triển thị trường mới. Đến nay sản phẩm của DOVECO đã có mặt tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, kể cả các thị trường "khó tính" như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU.
Hàng năm Đồng Giao tiêu thụ khoảng 200 ngàn tấn rau, quả các loại. Đến năm 2015, Công ty đã ký hợp đồng với hơn 10 nhà máy phân phối Nhật Bản để cung cấp sản phẩm vào thị trường tiềm năng này. Nhờ đó kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng từ 3-4 lần, trung bình đạt trên 15 triệu USD/năm.
Bên cạnh đó, sản phẩm của Đồng Giao đã chiếm lĩnh thị trường nội địa từ Bắc vào Nam và có mặt ở nhiều siêu thị lớn, nhỏ trong toàn quốc. Theo ước tính, riêng sản phẩm ngô ngọt của Công ty chiếm khoảng 80% thị phần trong nước. Doanh số kinh doanh nội tiêu trung bình từ 80-100 tỷ/năm.
Xây dựng con người đáp ứng yêu cầu hội nhập
Trong câu chuyện với chúng tôi, Giám đốc Đinh Cao Khuê liên tục nhắc đến cụm từ "văn hóa Đồng Giao", "con người Đồng Giao". Có lẽ chính niềm tự hào này đã hình thành nên một phong cách lãnh đạo của người "thuyền trưởng" là luôn coi trọng yếu tố con người.
Hiếm có đơn vị sản xuất nào lại có bề dày truyền thống vẻ vang được viết lên từ những tấm gương anh dũng, quả cảm trong chiến đầu và sản xuất như ở Đồng Giao.
Nhiều cá nhân, tập thể của Công ty đã được nhận những phần thưởng cao quý. Tiêu biểu như bác Trương Đình Dần là lão thành cách mạng được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, bác Nguyễn Quốc Tự là cán bộ tiền khởi nghĩa được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, bác Phạm Tường Minh là cán bộ lão thành cách mạng được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba…
Truyền thống ấy đã được các thế hệ cán bộ, công nhân Đồng Giao giữ gìn và phát huy để hôm nay nói đến con người Đồng Giao là nói đến sự can đảm, kiên cường, sự hy sinh anh dũng và ý chí quyết tâm vươn lên trong công cuộc xây dựng và phát triển Công ty. Chính vì sự gắn bó này mà nhiều gia đình có từ 2-3 thế hệ đang lao động, làm việc tại Đồng Giao.
Đến nay Công ty đã thu hút được đội ngũ cán bộ, kỹ sư có năng lực, nhiệt tình, trách nhiệm. Giám đốc Đinh Cao Khuê cho biết: Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân có trình độ cao, tâm huyết, gắn bó với Công ty luôn là mục tiêu đặt ra trong mỗi thời kỳ phát triển, đặc biệt là trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế.
Đảng ủy, Giám đốc Công ty đã xây dựng cơ chế, chính sách tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và đãi ngộ cán bộ, đồng thời đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ. Hiện nay, trong số cán bộ, công nhân biên chế của Công ty, có 5 người có trình độ thạc sĩ, gần 100 người có trình độ đại học, hàng trăm người có trình độ cao đẳng và trung học chuyên nghiệp.
Công ty luôn tạo điều kiện để cán bộ, công nhân theo học các lớp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị. Đặc biệt, Công ty đã mở lớp bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ các phòng, ban, mở lớp đào tạo vận hành thiết bị nồi hơi và máy lạnh cho cán bộ, công nhân tại nhà máy.
Đội ngũ cán bộ kinh doanh của Công ty thường xuyên được cử đi tham dự các hội thảo, hội chợ trong và ngoài nước, vừa để giới thiệu sản phẩm, tìm hiểu thị trường, vừa học hỏi để nâng cao trình độ, năng lực kinh doanh. Nét mới trong công tác cán bộ của Công ty thời gian qua là đã mạnh dạn đề bạt cán bộ trẻ. Họ chính là nguồn kế cận để lãnh đạo Công ty tiếp tục phát triển đi lên trong thời kỳ hội nhập.
Bên cạnh đó, Công ty luôn quan tâm chăm lo đến đời sống của cán bộ, công nhân. Thu nhập của công nhân nông nghiệp ngày một tăng, doanh thu đạt từ 180 đến 250 triệu đồng/ha/năm. Việc làm, điều kiện sản xuất và tiền lương công nhân công nghiệp được cải thiện, cổ tức các cổ đông được đảm bảo và tăng hàng năm.
Với chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển đã khẳng định, Đồng Giao hôm nay đã chuyển mình, cùng với những bước chuyển mình, phát triển đi lên của quê hương, đất nước.
Nếu như trong thời kỳ bao cấp Đồng Giao là một nông trường quốc doanh kiểu mẫu thì đến nay Đồng Giao luôn là "con tàu kinh tế" kiên cường dám đương đầu với khó khăn, thách thức, vượt qua sóng gió để tiến lên, là tấm gương cho các mô hình kinh tế nông nghiệp.
Đây là nền tảng, cơ sở để Đồng Giao luôn là một trong 6 đơn vị dẫn đầu trong ngành sản xuất, chế biến, xuất khẩu rau quả lớn và hiện đại nhất ở Việt Nam.
Công ty đã khẳng định năng lực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đạt doanh thu 600 tỷ mỗi năm và trong tương lai không xa Đồng Giao sẽ có mặt trong "Câu lạc bộ các doanh nghiệp có doanh thu ngàn tỷ đồng".
Bảo Yến