Khi được hỏi về chuyện tăng ca, anh Nguyễn Văn Thịnh, Công ty MCNex Vina (Khu công nghiệp Phúc Sơn) cho biết: Năm nào cũng vậy cứ vào dịp cận Tết, chúng tôi lại đăng ký làm thêm giờ để có thêm thu nhập. Có thêm tiền tăng ca là rất quý đối với công nhân nên ai cũng muốn tăng ca, nhất là dịp Tết khi cần trang trải nhiều khoản.
Chị Doãn Thu Giang, Chủ tịch Công đoàn Công ty MCNex Vina cho biết: Tại Công ty việc tăng ca được xem xét đảm bảo sức khỏe của từng công nhân và phù hợp với Bộ luật Lao động. Để công nhân có thêm sức khỏe và động lực làm việc, Công đoàn Công ty đã tham mưu với ban lãnh đạo thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, động viên người lao động. Cùng với đó, mọi chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về lương, thưởng, bảo hiểm, các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, giờ giấc làm việc, nghỉ ngơi, nhất là đối với lao động nữ được doanh nghiệp nghiêm chỉnh thực hiện. Từ đó, giúp công nhân yên tâm, tin tưởng và nỗ lực làm việc. Trung bình mỗi giờ tăng ca, công nhân sẽ được nhận thêm 150% lương với ngày thường và 200% lương vào ngày nghỉ, 1 ngày không tăng ca quá 4h đồng hồ.
Không chỉ riêng ở Công ty MCNex Vina, tại các khu công nghiệp những ngày cuối năm, không khí sản xuất đều trở nên khẩn trương, công nhân lao động đang hối hả để kịp hoàn thành những lô hàng trước khi nghỉ Tết. Nhưng trái ngược với sự hối hả, đông đúc đó thì ngày chủ nhật tại những xóm trọ của công nhân lại trở nên vắng vẻ lạ thường. Những ngày này, chị Hà Thị Loan (ở trọ gần Khu công nghiệp Gián Khẩu) cũng như nhiều công nhân khác trong xóm trọ thường ra khỏi phòng từ lúc mờ sáng, đến tối muộn khi xóm trọ đã lên đèn các chị mới trở về phòng. Theo chị Loan: Với mức thu nhập không cao, lại trong thời điểm giá cả thị trường liên tục leo thang như hiện nay, đa số công nhân lao động như chúng tôi phải tính toán "thắt lưng buộc bụng" sao cho đủ chi đủ tiêu, thậm chí chúng tôi cố gắng "cày" thêm với nhiều cách, mà phổ biến nhất là làm tăng ca. Mặt khác, vào dịp cuối năm, Công ty có thêm đơn hàng lớn nên cũng phối hợp chặt chẽ với người lao động để kịp hoàn thành.
Theo thông tin từ Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh, năm nay việc tăng ca dịp gần Tết diễn ra khá phổ biến và chủ yếu là ở các doanh nghiệp may mặc, điện tử. Về cơ bản hoạt động này đảm bảo quy định của Bộ luật Lao động như thời gian tăng ca, mức thù lao tăng ca, dưới sự giám sát chặt chẽ của tổ chức công đoàn. Cùng với mong muốn của người lao động về việc làm thêm để tăng thu nhập, chính các doanh nghiệp cũng có nhu cầu lớn về lao động để kịp hoàn thành các đơn hàng.
Ông Phùng Minh Chung, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Trong khi nhu cầu tuyển dụng hiện nay đã tăng từ 10-15% so với cùng kỳ năm trước thì số lao động ứng tuyển lại không nhiều. Việc khan hiếm lao động vào thời điểm này cũng là một trong những lý do quan trọng khiến việc tăng ca ở các nhà máy, các doanh nghiệp trở nên sôi động hơn. Thực tế này đặt ra những nhiệm vụ cấp thiết cho tổ chức công đoàn về việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động; tham gia giám sát việc chấp hành Bộ luật Lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho công nhân và góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp.
Vì vậy, chúng tôi quán triệt tới các công đoàn cơ sở tăng cường các hoạt động hướng mạnh về cơ sở; tuyên truyền đến chủ sử dụng lao động và người lao động về các quy định của pháp luật liên quan đến việc làm thêm giờ... Đồng thời tham mưu cho chủ doanh nghiệp tổ chức tăng giờ làm thêm nhưng cần đảm bảo các yêu cầu về sức khỏe cho người lao động, đặc biệt là để người lao động có đủ thời gian nghỉ ngơi nhằm tái tạo sức lao động. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã và đang tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như Tết sum vầy; thăm, tặng quà gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ vé xe cho công nhân xa nhà về quê ăn Tết...
Những hoạt động được tổ chức thường niên đó không chỉ giúp sẻ chia những nỗi vất vả, khó khăn trong cuộc sống của công nhân mà còn khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, "lá lành đùm lá rách" của toàn thể cán bộ, công nhân lao động trong các doanh nghiệp.
Đào Duy