Tham dự có lãnh đạo Sở KH&CN, Sở Công thương, Liên minh HTX tỉnh; lãnh đạo UBND thành phố Tam Điệp; đại biểu các xã, phường; đại diện một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, gia đình tiêu biểu trên địa bàn.
Tam Điệp là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm trong chiến lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình. Trong định hướng phát triển của thành phố, bên cạnh công nghiệp, dịch vụ, du lịch, thành phố luôn quan tâm gìn giữ và phát triển những ngành nghề truyền thống. Trong đó, "Dứa Đồng Giao", "Đào phai Tam Điệp" và "Chè Trại Quang Sỏi" là 3 sản phẩm đặc trưng tiêu biểu.
Cây dứa được đưa về trồng ở Đồng Giao từ năm 1972 với 2 giống chính là Cayen và Queen. Dứa được trồng ở Đồng Giao ăn rất ngon, vị ngọt đậm, không xơ. Sự thơm ngon nức tiếng của loại quả này được tạo thành từ điều kiện tự nhiên độc đáo ở Tam Điệp (vùng đất bán sơn địa, thành phần đất có hàm lượng sét cao, tầng mặt tơi xốp, biên độ nhiệt độ ngày đêm lớn, lượng bức xạ cao) và những kinh nghiệm, bí quyết canh tác của người dân. Quả dứa Đồng Giao có mặt trong sách Top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng nhất Việt Nam.
Đào phai Tam Điệp hoa màu nhạt, phơn phớt hồng, mỏng manh và thanh nhã. Loại hoa này được trồng ở tất cả các xã, phường của thành phố với hơn 900 hộ trồng và 10 làng nghề truyền thống. Có thể nói đây là một loài hoa gắn với lịch sử, văn hóa và tính cách con người Tam Điệp, mang tính biểu tượng của thành phố.
Chè Trại Quang Sỏi là giống "Chè trung du lá thắm" được trồng phổ biến ở xã Quang Sơn. Lá chè có mầu xanh vàng giòn, từ xưa đã nổi tiếng với chất lượng thơm ngon, hương thơm đặc trưng, đậm đà, vị ngọt, chát nghẹ mà chè ở các nơi khác không có được.
Sau một thời gian nỗ lực xây dựng thương hiệu, 3 sản phẩm này của thành phố đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN bảo hộ. Tại hội nghị, lãnh đạo Sở KH&CN đã trao Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm dứa Đồng Giao, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho 2 sản phẩm Đào phai Tam Điệp và Chè Trại Quang Sỏi cho đại diện lãnh đạo UBND thành phố Tam Điệp. Tiếp đó, lãnh đạo UBND thành phố Tam Điệp đã trao giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho một số tổ chức, cá nhân tiêu biểu trên địa bàn.
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo UBND thành phố Tam Điệp khẳng định: Việc cấp văn bằng bảo hộ cho các sản phẩm dứa, chè, đào phai là một sự ghi nhận của Nhà nước đối với các sản vật của Tam Điệp.
Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc quảng bá sản phẩm, là cơ sở, tiền đề để người dân, doanh nghiệp của thành phố thúc đẩy phát triển sản xuất và thương mại, tránh được sự lạm dụng trên thị trường.
Để bảo vệ và phát triển bền vững các văn bằng bảo hộ này, trong thời gian tới, thành phố Tam Điệp tiếp tục tăng cường chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn cùng với các xã, phường, làng nghề có các giải pháp cụ thể, chú trọng ứng dụng tiến bộ KH&CN để phát triển bền vững hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo chất lượng các sản phẩm, để người tiêu dùng luôn tin yêu và lựa chọn. UBND thành phố cũng sẽ giám sát hoạt động quản lý và sử dụng văn bằng bảo hộ này theo đúng quy định đã ban hành.
Tin, ảnh: Hà Phương