Những năm đầu tiên vào nghề và đi tác nghiệp ở các xã vùng xa này, chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại. Do quá trình thi công công trình đê biển Bình Minh cộng với việc giao lưu, buôn bán thủy, hải sản của các xã ven biển nên mật độ xe đi lại nhiều khiến cho nhiều đoạn đường bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn bị cày xới chỉ còn nền đất yếu. Gặp những ngày trời mưa đường trở nên lầy lội, có khi chúng tôi phải dắt xe cả quãng đường dài. Còn khi trời nắng thì bụi bẩn bao phủ, làm ảnh hưởng đến việc đi lại và đời sống của những hộ dân ven tuyến đường.
Huyện Kim Sơn có vùng kinh tế mới, gồm 3 xã bãi ngang (Kim Trung, Kim Đông, Kim Hải) với diện tích 1.932 ha, 1.983 hộ dân sinh sống và khu vực ngoài đê Bình Minh II có diện tích 4.550 ha, nhân dân đang khai thác, nuôi trồng thủy sản với trên 1.000 hộ. Đây được coi là vùng kinh tế trọng điểm của huyện, tuy nhiên tuyến đường giao thông chính nối dài từ vùng kinh tế mới với trung tâm huyện bị xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn trong việc đi lại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng như việc phát triển ngành nghề ở địa phương... UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến đường tránh bão, cứu hộ, phát triển kinh kế và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng biển (Tuy Lộc - Bình Minh) huyện Kim Sơn (viết tắt là tuyến đường ĐT481), với tổng mức đầu tư trên 400 tỷ đồng.
Tuyến đường được bê tông hóa dài trên 20 km, bắt đầu từ cầu Cà Mâu đến đê biển Bình Minh II, trong đó có 5 cây cầu được xây mới. Để sớm đưa tuyến đường vào hoạt động, phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế trong vùng, đơn vị thi công đã huy động lực lượng, phương tiện, máy móc, vật tư… tập trung giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh thi công các hạng mục công trình của dự án. Huyện Kim Sơn kết hợp với các ban, ngành và các công ty xây dựng đẩy nhanh tiến độ, giải phóng mặt bằng, thi công các cầu, cống trên tuyến đường, đảm bảo quá trình thi công không bị gián đoạn.
Khi dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường ĐT481 được thực hiện, người dân ở các xã bãi ngang rất phấn khởi và nhiệt tình ủng hộ. Nhờ hệ thống đường giao thông thuận lợi nên hàng hóa nông sản được lưu thông, mối giao lưu, quan hệ giữa các vùng được tăng cường, thúc đẩy phát triển kinh tế với các nghề nuôi trồng thủy sản, hàng thủ công, buôn bán, chăn nuôi…, giải quyết tốt vấn đề lao động lúc nông nhàn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành. Trong thời gian, tới để bảo vệ tuyến đường và đưa vào sử dụng đúng mục đích thì cần chú trọng đến công tác quản lý và duy tu bảo dưỡng, nâng cao ý thức cho người dân tự quản lý, bảo vệ chính tuyến đường của mình.
Hương Giang