Nằm ngay khu vực trung tâm của xóm, Nhà văn hóa xóm Phong An, xã Khánh Thiện (huyện Yên Khánh) và khuôn viên có diện tích rộng hàng nghìn m2, bên ngoài được bố trí sân chơi cầu lông, bóng chuyền, sân bóng đá mini, nhà văn hóa có diện tích sử dụng trên 60m2, được xây dựng kiên cố, các trang thiết bị từ loa, đài, ti vi, bàn ghế đều được mua sắm phục vụ hội họp cho các đoàn thể, sinh hoạt cộng đồng, để tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời cũng là nơi lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa của những làn điệu chèo của thôn, xóm. Đây được xem là nhà văn hóa hình mẫu của xã Khánh Thiện theo đúng chuẩn nông thôn mới. Ông Phạm Khắc Hảo, Bí thư chi bộ xóm Phong An phấn khởi cho biết: Trước đây, mọi việc sinh hoạt tập thể rất khó khăn, nhà người dân trong xóm trở thành nơi hội họp. Bởi vậy, mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng khi được thông báo làm nhà văn hóa, người dân xóm Phong An đều sẵn sàng đóng góp tiền của, ngày công xây dựng công trình nhà văn hóa. Ngoài đóng góp bằng tiền, xóm còn huy động nhân dân đóng góp ngày công lao động và vật liệu xây dựng, đồng thời tận dụng đội ngũ thợ xây, phụ hồ trong xóm để làm nhà văn hóa. Ngoài khoản đóng góp chung, nhiều cán bộ, nhân dân còn tự nguyện góp thêm tiền hoặc hỗ trợ các trang thiết bị trong nhà văn hóa. Từ khi nhà văn hóa được khánh thành, bà con phấn khởi lắm. Nhà văn hóa không chỉ là nơi hội họp của cán bộ mà còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, nơi gắn kết bà con nhân dân trong xóm với nhau.
Thời gian qua, xã Khánh Thiện đã xây dựng chương trình, kế hoạch; tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong việc xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm. UBND xã đã tiến hành rà soát, bố trí quy hoạch quỹ đất xây dựng nhà văn hóa. Đối với những thôn, xóm có quỹ đất thì tiến hành đổi đất theo đúng thủ tục quy định. Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, đóng góp kinh phí, nguyên, vật liệu, ngày công để xây dựng nhà văn hóa. Đồng thời tích cực huy động nguồn kinh phí hỗ trợ của con em quê hương công tác khắp mọi miền Tổ quốc cùng chung tay xây dựng nhà văn hóa. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", nhiều thôn, xóm đã tự khai thác, huy động nguồn kinh phí. Phong trào xây dựng nhà văn hóa đã trở thành phong trào của cộng đồng dân cư, được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia đóng góp xây dựng. Đến nay, xã Khánh Thiện đã có 8/8 thôn, xóm có nhà văn hóa. Hầu hết các nhà văn hóa được xây dựng khang trang, có diện tích sử dụng đạt chuẩn.
Ông Phạm Ngọc Văn, Trưởng phòng Gia đình và xây dựng nếp sống văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 6 (về cơ sở vật chất văn hóa) và tiêu chí 16 (thôn, bản văn hóa) là khó thực hiện nhất bởi phải huy động một nguồn vốn khá lớn để đầu tư xây dựng, trong khi đời sống nhân dân còn khó khăn. Tuy nhiên với kinh nghiệm của mình, các địa phương đã đẩy mạnh phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" và phát huy tốt vai trò làm chủ của nhân dân theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" từ đó đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân. Đã có nhiều gia đình vận động con cháu ủng hộ hàng chục triệu đồng, doanh nghiệp ủng hộ hàng chục tỷ đồng, hàng nghìn hộ dân sống ven đường đã chủ động phá dỡ tường rào, hiến hàng trăm m2 đất, ngày công để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình thể thao, mở rộng điểm vui chơi gắn với xây dựng nhà văn hóa đều được thực hiện nhanh, gọn, theo đúng quy trình. Vì vậy, đến nay toàn tỉnh đã có trên 70% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, trên 80% thôn, xóm, bản, phố có nhà văn hóa. Các nhà văn hóa đã đưa vào sử dụng đều khang trang, sạch đẹp, đúng tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, phần lớn các nhà văn hóa xóm đều được quy hoạch ở trung tâm thôn, xóm, thuận lợi về giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Từ khi có nhà văn hóa, người dân có nơi sinh hoạt cộng đồng, nơi hội họp, học tập, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Có những làng, khu phố, Đoàn thanh niên tổ chức các đám cưới theo nếp sống mới tại nhà văn hóa. Nhà văn hóa cũng là nơi diễn ra hoạt động của các tổ chức đoàn thể quần chúng như: tìm hiểu pháp luật; truyền thông dân số, kế hoạch hóa gia đình; chuyển giao khoa học kỹ thuật; tổ chức hội thi, hội diễn hàng năm phục vụ những ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng ở xóm làng, khu phố. Nhiều câu lạc bộ như: Câu lạc bộ thơ, hát xẩm, hát chèo… cũng được tham gia sinh hoạt tại Nhà văn hóa đã góp phần giữ gìn, phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
Bên cạnh đó, nội dung sinh hoạt của các nhà văn hóa thường xuyên được cải tiến theo hướng ngày càng phong phú, đa dạng nên đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Trong các buổi sinh hoạt, nội dung sinh hoạt được ban văn hóa địa phương xây dựng thành chuyên đề, có tính khoa học, phù hợp với lứa tuổi, giới tính. Thông qua các hoạt động cộng đồng đã góp phần thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm, tạo mối đoàn kết trong xây dựng cuộc sống mới.
Cơ sở vật chất văn hóa được đầu tư khang trang, các phong trào, cuộc vận động ngày càng phát triển mạnh mẽ, trong đó đi đầu là phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, các gia đình đã đoàn kết thi đua phát triển kinh tế, các hương ước, quy ước, tiêu chuẩn đánh giá danh hiệu gia đình, xóm làng văn hóa cũng được sửa đổi, bổ sung phù hợp với các tiêu chí xây dựng nhà văn hóa, nhờ đó các thói quen, hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ, nếp sống văn hóa trong các gia đình, dòng họ càng thêm hiện hữu, làng quê thêm rộn ràng lời ca tiếng hát, đời sống tinh thần của nhân dân chuyển biến rõ rệt. Hiện toàn tỉnh đã thành lập được trên 600 CLB TDTT và hàng trăm CLB văn nghệ quần chúng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Đào Hằng