Ông Đinh Quang Xoa, Giám đốc Ban quản lý các dự án vốn nước ngoài (Sở Giao thông-Vận tải Ninh Bình) cho biết: Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 10, đoạn qua Ninh Phúc - cầu Điền Hộ (Km 144+200-Km 187+250) có tổng chiều dài khoảng 46km, bao gồm tuyến chính (một phần đường hiện hữu và các đoạn tuyến tránh thị trấn Yên Ninh, thị trấn Phát Diệm) và tuyến hoàn trả, trong đó, tuyến chính dài khoảng 30km, tuyến hoàn trả dài khoảng 17km. Dự án có tổng mức đầu tư là 1.680,8 tỷ đồng, thuộc nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Thời gian thực hiện từ tháng 9-2009 đến 31-12-2013. Dự án trải dài trên địa bàn hai huyện Yên Khánh và Kim Sơn. Trong quá trình thực hiện Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 10 đã gặp một số khó khăn khi thi công xử lý nền đất yếu dày, có những vị trí địa chất phức tạp kéo dài thời gian thi công. Điển hình là công tác thi công móng cọc khoan nhồi trong điều kiện địa chất phức tạp như cầu Kim Chính, có chiều sâu cọc trên 100m.
Bên cạnh đó, khối lượng GPMB thực hiện rất lớn, ảnh hưởng đến 36 công trình công cộng. Tổng diện tích đất phải thu hồi để thực hiện dự án trên 85 ha, ảnh hưởng đến 3.364 hộ dân, trong đó 194 hộ dân phải tái định cư. Khắc phục khó khăn, đến nay dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Đây là một trong những công trình trọng điểm được Bộ Giao thông-Vận tải chọn để gắn biển công trình chào mừng 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9; 70 năm truyền thống ngành Giao thông-Vận tải và chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng.
Dự án thành phần đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình với Quốc lộ 1 (giai đoạn I) có chiều dài 6,05km là tuyến đường kết nối tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với tuyến đường vành đai đông nam thành phố Ninh Bình và ra Quốc lộ 1A. Với tinh thần khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ thi công, dự án đã về đích sớm 6 tháng so với kế hoạch đề ra.
Sau khi thông xe, đưa dự án vào khai thác và cùng với các tuyến đường trong khu vực tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, giải quyết lưu lượng giao thông từ đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình, các xe không phải đi qua trung tâm của thành phố Ninh Bình, tránh ùn tắc giao thông trên địa bàn; đồng thời góp phần tăng hiệu quả khai thác tuyến cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh được hưởng lợi từ dự án cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình, đặc biệt là tăng sự kết nối giữa các tỉnh đồng bằng Bắc bộ với các tỉnh Bắc Trung bộ.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng của tuyến đường, Sở Giao thông-Vận tải đang tiếp tục chỉ đạo triển khai thi công giai đoạn II của dự án xây dựng tuyến đường kết nối đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình với Quốc lộ 1A. Đây là công trình giao thông đường bộ cấp 1, nhóm A với tổng mức đầu tư gần 2.400 tỷ đồng.
Dự án đã được khởi công vào ngày 19-5-2015 và đến ngày 18-8 đã khoan xong 21/83 cọc nhồi cầu vượt Quốc lộ 10; đào đất không thích hợp và đắp trả cát mịn được 100 m ở phạm vi mố cầu A2 (cầu vượt Quốc lộ 10) và 260 m đoạn dẫn đầu cầu mố M1 (cầu Đông Thịnh). Các địa phương cũng đã thực hiện GPMB và bàn giao cho chủ đầu tư được 5,7/10,94 km toàn tuyến.
Cùng với việc hoàn thành các công trình xây dựng trên, Sở Giao thông - Vận tải cũng đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn tránh thành phố Ninh Bình. Những công trình này không chỉ mang ý nghĩa chính trị, mà còn đáp ứng nhu cầu đi lại rất lớn cho nhân dân địa phương và các tỉnh lân cận.
Ngành Giao thông - Vận tải cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh, báo cáo Bộ Giao thông-Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nâng cấp một số tuyến đường tỉnh thành đường Quốc lộ như: Chuyển dự án đường ĐT480 và ĐT 481 thành Quốc lộ 12B kéo dài; chuyển dự án đường ĐT478 thành Quốc lộ 38B, chuyển dự án đường ĐT477 kéo dài thành tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Ninh Bình; thực hiện tốt công tác quản lý, bảo trì 251km đường tỉnh, 106km đường Quốc lộ ủy thác; 143,3 km đường sông do tỉnh quản lý.
Về giao thông nông thôn: Trước khi tái lập tỉnh (năm 1992) hệ thống đường giao thông nông thôn hầu hết chưa được cứng hóa nền, mặt đường, việc đi lại của nhân dân rất khó khăn, nhất là khi mùa mưa đến, một số xã chưa có đường ô tô đến trung tâm.
Đến hết năm 2014, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", cùng với thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã cứng hóa được trên 95% mặt đường giao thông nông thôn.
Đến nay hệ thống đường giao thông nông thôn đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương nói riêng và cả tỉnh nói chung.
Trường Sinh