Ông Ngô Minh Kim, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Điểm nổi bật của EVFTA là cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, tạo động lực lớn cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh. Ngân hàng Thế giới dự báo khi thực hiện đầy đủ các cam kết trong Hiệp định này, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 2,4%, xuất khẩu tăng 12% vào năm 2030.
Đi cùng với EVFTA là Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp châu Âu tăng cường đầu tư vào Việt Nam, nhờ đó các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nhiều nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu cũng như các máy móc, thiết bị, công nghệ/kỹ thuật cao từ EU với chất lượng tốt, ổn định và mức giá hợp lý, qua đó nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm xuất khẩu của mình để đáp ứng không chỉ thị trường EU mà cả những thị trường khó tính khác.
Đây là động lực quan trọng để các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm xuất khẩu sang EU, đặc biệt những mặt hàng chủ lực như hàng điện tử và linh kiện điện tử, dệt may, da giày, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, thủy sản, rau quả, nông sản chế biến…
Bên cạnh đó, các nước thuộc EU có trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao và tương đối đồng đều, đã định hình một thị trường chung với hạ tầng thương mại phát triển, các sự kiện xúc tiến thương mại diễn ra tại các nước EU luôn có quy mô hàng đầu thế giới, thu hút được lượng lớn khách giao dịch từ các châu lục khác.
Do vậy, việc tổ chức hoặc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại các nước EU được đánh giá là rất thuận lợi và gia tăng được hiệu quả khi thực hiện ở một nước nhưng có thể từ đó dễ dàng tiếp cận với các đối tác nhập khẩu và người tiêu dùng của không chỉ các nước thành viên EU mà còn nhiều khu vực thị trường khác trên thế giới.
Sâu xa hơn, EVFTA có thể hỗ trợ tạo ra một nền kinh tế cạnh tranh và đổi mới, sáng tạo hơn, không chỉ về vấn đề tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, mà còn cả về cơ cấu xuất khẩu, đặc biệt là hàm lượng công nghiệp trong xuất khẩu.
Tuy nhiên, EU là một thị trường lớn, nhưng đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, lao động, môi trường… trong khi không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được các yêu cầu. Để được hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết EVFTA, các doanh nghiệp phải đáp ứng được các quy tắc nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu sản xuất đối với sản phẩm chế biến, chế tạo như dệt may, da giày, đồ gỗ; các tiêu chuẩn vệ sinh và kiểm dịch động, thực vật đối với các sản phẩm nông nghiệp. Đây là những thách thức không nhỏ của các doanh nghiệp khi tham gia vào EVFTA.
Dưới góc độ kinh doanh, đây là những cơ hội mà doanh nghiệp nào, ngành nào có thể phân tích, nắm bắt và khắc phục trước thì có thể tận dụng ngay lợi thế của Hiệp định; hóa giải những áp lực cạnh tranh ngay trên sân nhà...
Khó khăn tiếp theo đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường EU là rào cản ngôn ngữ, khác biệt văn hóa cũng như hiểu biết hạn chế đối với các quy định tại thị trường EU. Đáp ứng các yêu cầu về sản phẩm hữu hình là bước bắt đầu cơ bản nhất.
Để giao dịch, trao đổi thành công với khách hàng châu Âu còn có nhiều yếu tố, giá trị và dịch vụ vô hình như các công cụ giao tiếp với khách hàng. Điểm tiếp xúc đầu tiên là website, các tài liệu marketing sử dụng mạng xã hội, tiến xa hơn là đội ngũ bán hàng với năng lực ngôn ngữ, phong cách làm việc, hiểu biết về văn hóa.
Những nhân tố tuy vô hình này thực ra lại đóng vai trò vô cùng quan trọng để có thể cạnh tranh. ở châu Âu, hầu hết đội ngũ cán bộ mua hàng (purchasing team) của các doanh nghiệp đều sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính, rất chuyên nghiệp. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng cách cần hoàn thiện so với các đối thủ cạnh tranh đến từ Thái Lan, Indonesia (châu á), Peru, Columbia (châu Mỹ) hay Madagascar, Nam Phi (châu Phi)…. về cách làm việc và giao dịch với các khách mua hàng châu Âu.
Bên cạnh đó, thách thức trước mắt đối với xuất khẩu của Việt Nam đến từ hệ lụy tiêu cực của đại dịch COVID-19 kéo theo sự suy thoái nền kinh tế thế giới cũng như các nước EU. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, khu vực EU dường như là một trong những nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19.
Tăng trưởng GDP ở châu Âu dự kiến sẽ giảm 3,18%, EU có thể sẽ phục hồi chậm sau khủng hoảng, làm giảm tốc độ phục hồi nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này. Thực tế cho thấy tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước thành viên EU trong quý I năm 2020 đã giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước.
Theo các chuyên gia kinh tế, EVFTA có hiệu lực sẽ cơ cấu lại các mặt hàng xuất nhập khẩu, đầu tư, giúp Việt Nam tạo thế chủ động về thị trường và chuỗi cung ứng đa dạng, giảm rủi ro về gián đoạn trong thương mại và chuỗi cung ứng do thay đổi các mối quan hệ thương mại, biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh…, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
Đinh Chúc