Doanh nghiệp - "bà đỡ" cho nông dân Trong xây dựng chuỗi giá trị nông sản, vai trò của doanh nghiệp là rất quan trọng. Thực tế, tại Ninh Bình một số hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và nông dân trong những năm qua đã giúp người nông dân ổn định được đầu ra của sản phẩm, yên tâm sản xuất và nâng cao được mức sống. Cụ thể như: Công ty TNHH Hồng Quang hằng năm tổ chức liên kết với nông dân để sản xuất lúa giống với hình thức Công ty cung ứng vật tư đầu vào, người dân góp đất và tổ chức sản xuất theo hướng dẫn của Công ty và các nhà khoa học.
Với hình thức này, mỗi vụ Công ty tiêu thụ cho nông dân từ 500-600 tấn lúa với giá cao gấp 1,2-1,5 lần so với lúa thị trường. Có thể nói, mô hình đã góp phần làm tăng thu nhập cũng như đảm bảo lợi ích cho người nông dân, thúc đẩy hình thành mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Tương tự như vậy, đối với Công ty cổ phần TPXK Đồng Giao, hàng năm Công ty đã liên kết với một số HTX nông nghiệp trên địa bàn để tổ chức sản xuất, thu mua nhiều loại nông sản như: ngô ngọt 850 tấn, đậu tương rau 350 tấn, cải bó xôi 220 tấn, dứa 11 nghìn tấn.
Thông qua Công ty, các nông sản mà nông dân sản xuất ra được đảm bảo về giá trị. Tuy nhiên, những doanh nghiệp, làm "bà đỡ" cho sản xuất của nông dân như vậy ở Ninh Bình còn ít và chưa mạnh. Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh chỉ có khoảng 270 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản và mới chỉ có 30% các sản phẩm từ thịt lợn, trứng, gia cầm được ký hợp đồng tiêu thụ với các công ty, cơ sở giết mổ và ở ngành trồng trọt, thủy sản cũng tương tự như vậy.
Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không mấy mặn mà với việc đầu tư vào nông nghiệp? Trả lời cho câu hỏi này, nhiều ý kiến cho rằng: Hiện nay việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn gặp khó khăn, do đây là lĩnh vực có nhiều rủi ro. Trong khi đó, các cơ chế, chính sách của Nhà nước về thu hút đầu tư vào lĩnh vực này chưa đủ mạnh. Cơ chế quản lý đất đai còn nhiều bất cập, đất phục vụ sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ đã gây trở ngại lớn cho việc phát triển sản xuất trên quy mô lớn và áp dụng kỹ thuật tiên tiến.
Bên cạnh đó, chất lượng lao động ở nông thôn còn hạn chế, chưa đáp ứng đòi hỏi ở trình độ cao đối với cả đội ngũ quản lý và lao động trực tiếp. Đặc biệt, hiện còn thiếu các hợp tác xã thực thụ, là người đại diện cho các hộ dân liên kết với doanh nghiệp cùng tổ chức sản xuất. Mặt khác, cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện, nước, viễn thông... còn nhiều bất cập; thị trường nông sản không ổn định, gây khó khăn đối với việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ...
Một vấn đề khác hết sức quan trọng đang đặt ra đối với các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiện nay là thiếu vốn cho sản xuất. Ông Trần Minh Sơn, chủ một trang trại ở thôn 10, Phú Long, Nho Quan chia sẻ: "Tôi có trang trại với diện tích trên 30 ha trồng cây ăn quả, vốn đầu tư bỏ ra lên tới 2-3 tỷ đồng, nhưng để tiếp cận với 100 triệu đồng vốn ngân hàng là hết sức khó khăn".
Để doanh nghiệp tiếp cận được với chính sách
Doanh nghiệp đóng một vai trò rất quan trọng, nếu không muốn nói là yếu tố có tính quyết định cho sự thành công trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, trong quá trình đồng hành cùng nông dân, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức, do vậy rất cần có sự nghiên cứu hỗ trợ phù hợp từ phía Nhà nước.
Ngày 19-12-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thay thế cho Nghị định 61/NĐ-CP năm 2010. Nghị định này đã có hiệu lực từ tháng 2-2014. Theo đó, những dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư nếu được Nhà nước giao đất thì được miễn tiền sử dụng đất đối với dự án đầu tư đó; dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư được Nhà nước giao đất thì được giảm 70% tiền sử dụng đất; còn đối với dự án khuyến khích đầu tư nếu được Nhà nước giao đất thì được giảm 50% tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, Nghị định này cũng quy định mức hỗ trợ từ 2-5 tỷ đồng cho các dự án về đầu tư cơ sở giết mổ gia cầm tập trung, chăn nuôi bò sữa cao sản, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng, đồng cỏ và mua thiết bị... Nghị định này được đánh giá là sẽ tạo ra đột phá mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp. Vấn đề đặt ra lúc này là các cấp, các ngành trong tỉnh cần nhanh chóng triển khai Nghị quyết số 210 của Chính phủ; đồng thời Ninh Bình cũng cần sớm thông qua chính sách đặc thù của tỉnh để áp dụng vào thực tế, khuyến khích doanh nghiệp "gần hơn" với nông dân.
Mới đây, tại hội nghị triển khai thực hiện Nghị định 210 của Chính phủ do Sở Nông nghiệp & PTNT tổ chức, nhiều doanh nghiệp cho biết: Băn khoăn nhất hiện nay của họ là việc tổ chức thực hiện các chính sách này như thế nào. Bởi trước đây đã có rất nhiều ưu đãi được nêu ra song thực tế cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn chưa nhiều. Nguyên nhân cơ bản là chưa có các dự án đầu tư kỹ lưỡng, thủ tục chưa hoàn chỉnh, hoặc thiếu tài sản thế chấp.
Ông Vũ Văn Nga, Giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình cho rằng: "Cần kết nối Sở Tài Chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp & PTNT thành một tiểu ban nhỏ để tư vấn cho các doanh nghiệp giải quyết các vấn đề vướng mắc về thủ tục hành chính để doanh nghiệp dễ dàng hơn khi tiếp cận với những chính sách ưu đãi của Nhà nước".
Ông Đỗ Văn Miền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Hiện tại, Sở đang tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng dự thảo về một số chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình để trình HĐND tỉnh ban hành trong thời gian tới. Theo dự thảo, ngoài được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Trung ương, nếu doanh nghiệp đáp ứng đủ tiêu chuẩn mà Nghị định số 210 của Chính phủ đưa ra, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân trên địa bàn tỉnh còn được hưởng thêm chính sách riêng của tỉnh.
Bên cạnh đó, thời gian tới để đẩy nhanh việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, cần nâng cao năng lực của các HTX, tổ hợp tác để có thể đại diện cho các hộ nông dân liên kết với doanh nghiệp cùng tổ chức sản xuất. Các địa phương cũng phải khẩn trương phê duyệt chi tiết quy hoạch các vùng sản xuất tập trung trên cơ sở tính toán lựa chọn các sản phẩm chủ lực của địa phương mình để làm căn cứ cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh. Có như vậy, những cơ chế, chính sách được ban hành mới sớm đi vào cuộc sống.
Hà Phương