Cung văn Nguyễn Phú Viễn, Phó Chủ nhiệm CLB nghệ thuật chầu văn Tam Điệp - một trong những cung văn có giọng hát văn ấm áp, truyền cảm, nghệ thuật hát điêu luyện, đang lưu giữ và diễn xướng được nhiều bài hát văn cổ. Cách mà cung văn Phú Viễn góp phần cho công tác bảo tồn nghệ thuật hát văn chính là sự tỉ mỉ uốn nắn từ cách nhấn nhá khi hát chầu văn, vừa giảng dạy cho học trò ý nghĩa mỗi bài chầu văn.
Cung văn Nguyễn Phú Viễn cho biết: Hát văn vừa là nghệ thuật trình diễn đặc sắc, vừa là yếu tố âm nhạc quan trọng trong nghi lễ thực hành văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Mỗi bài hát văn luôn có câu chuyện gắn với nhân vật trong tín ngưỡng Tứ phủ, rồi những nhân vật có trong lịch sử (như Đức Thánh Trần, Mẫu Liễu Hạnh) và những nhân vật lịch sử có công với nước gắn liền với địa danh lịch sử như các ông Hoàng... Do đó, các giai điệu của các bài hát cũng có sắc thái riêng, gắn với cuộc đời cũng như cống hiến của những nhân vật có công lập làng, lập bản, dẹp giặc ngoại xâm, tạo sự ngưỡng mộ cũng như hấp dẫn người nghe.
Từ tín ngưỡng Tứ phủ, chầu văn đã chuyển mình vượt ra khỏi không gian thờ tự để bước lên sân khấu và đến với đời sống với phần ca từ mới như ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đổi mới... Đó là sự thay đổi linh hoạt của hát chầu văn, phù hợp với sự phát triển của xã hội nhưng vẫn giữ được những giai điệu đặc trưng và cách diễn xướng của nghệ thuật này, giúp chầu văn đến gần hơn với công chúng.
Nhạc công Đào Trung Kiên, Phó Chủ nhiệm CLB nghệ thuật chầu văn Tam Điệp cho biết: Nét độc đáo của nghệ thuật hát văn là sự đa dạng về hình thức biểu hiện như hát thờ, hát cửa đền, hát thi. Hát văn có 13 lối hát với những làn điệu phong phú, tinh tế, giàu sắc thái biểu cảm như bỉ, miễu, đưa thơ, phú chênh, dọc, cờn, hãm, phú nói, phú rầu, thổng... Mỗi làn điệu hát văn đòi hỏi kỹ thuật riêng, kết hợp với nhạc cụ, tạo nên sự ngọt ngào, thân thương, da diết của bài hát.
Để hát văn giỏi không chỉ là cung văn giỏi mà còn là những nghệ sĩ chơi nhạc cụ dân tộc (đàn nguyệt, trống, phách...) thuần thục. Do đó, để bảo tồn hết được nét đẹp trong hát văn, mỗi thành viên CLB nghệ thuật chầu văn Tam Điệp phải học hát, học nhạc cụ. Khi đã biểu diễn điêu luyện các lối hát văn sẽ dễ dàng đặt các lối hát đó phù hợp với các bài hát trong hoàn cảnh cụ thể, thậm chí chuyển thể từ tác phẩm thơ, các bài hát văn ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, đất nước đổi mới..., đưa hát văn trở thành hoạt động văn hóa phục vụ nhiệm vụ chính trị của quê hương.
Thành phố Tam Điệp là địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa thờ và phối thờ Mẫu, thường xuyên diễn ra hoạt động thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ vào các dịp tuần tiết và lễ hội, như: Đền Dâu, đền Quán Cháo (phường Nam Sơn); đền Thượng (xã Quang Sơn); đền Bảo Sơn, đền Quèn (xã Đông Sơn); đền Bà Chúa Hồng (phường Yên Bình); đền Tráng (phường Tân Bình)... Toàn thành phố hiện có 5 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và trên 50 cơ sở tín ngưỡng thờ Mẫu.
Từ nhiều năm nay, các làn điệu chầu văn được người dân Tam Điệp gìn giữ, phát triển. Cung văn Phạm Văn Xuyên, Chủ nhiệm CLB nghệ thuật chầu văn Tam Điệp cho biết: CLB nghệ thuật chầu văn Tam Điệp được thành lập từ những người yêu nghệ thuật hát văn trên địa bàn thành phố Tam Điệp, gồm gần 30 thành viên, đa phần các thành viên là người trẻ tuổi. CLB thành lập nhằm bảo tồn và phát huy giá trị đặc sắc này. Hiện nay, ngoài đam mê sưu tầm, diễn xướng nhằm bảo tồn những nét đẹp của hát chầu văn, CLB đang thực hiện truyền niềm đam mê nghệ thuật dân gian này cho giới trẻ.
Theo thường lệ, mỗi tháng, CLB sinh hoạt 1 lần, trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm và tình yêu cho các thành viên. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, CLB vẫn duy trì hoạt động bằng hình thức tập online theo nhóm trên các ứng dụng Zalo, Facebook, để các thành viên tiếp lửa đam mê với nghệ thuật hát chầu văn, đẩy mạnh sự phát triển của CLB, tạo sức lan tỏa của CLB với các huyện, thành phố trong tỉnh cũng như tỉnh bạn.
Hiện nay, đa phần các thành viên trong CLB đã học thuần thục được 36 bài văn cổ, có thể biểu diễn độc lập. Đồng thời, CLB thường xuyên tập và biểu diễn những bài hát văn được viết lời mới như: "Tiếng nói Việt Nam", "Vui ngày hội ngộ", "Xuân đất mẹ", "Tình quê thôn mới", "Tầm cao Tam Điệp"... của tác giả Song Đào.
Không chỉ nỗ lực lưu giữ nét nghệ thuật chầu văn, thành viên CLB còn tích cực tham gia các hội diễn văn nghệ quần chúng cấp tỉnh, cấp thành phố, mang về nhiều thành tích cho địa phương.
Tháng 11/2020, Sở Văn hóa- Thể thao tỉnh Ninh Bình đã trao giấy chứng nhận giải A cho CLB nghệ thuật chầu văn Tam Điệp với thành tích xuất sắc tại Liên hoan các CLB nghệ thuật không chuyên tỉnh Ninh Bình năm 2020.
Bài, ảnh: Phương Anh