Nắng hè gay gắt, phân công cho vợ ở nhà trông cháu, ông Sản đạp xe ra chợ Cát để chuẩn bị cho bữa trưa- một khu chợ gần cây cầu Thiện Đức nối liền giữa xã Khánh Trung và Khánh Mậu. Đây cũng là cây cầu mà ông Sản đã dành 147 triệu đồng toàn bộ khoản tiền tiết kiệm trong nhiều năm để xây dựng lại khi cây cầu cũ đã quá xuống cấp. Giờ thì người dân hai xã đều yêu mến gọi cây cầu mới này là "cây cầu ông Sản". Những tiểu thương buôn bán ở chợ Cát đã quá quen thuộc với hình ảnh người cựu chiến binh giản dị trong bộ quần áo bộ đội sờn cũ với thực đơn đi chợ mỗi ngày khá đơn giản. Hôm nay, ông Sản cũng chỉ mua vài bìa đậu phụ, một túi cua, mớ rau canh và vài quà cà pháo muối giòn.
Bà Muộn, một người buôn bán lâu năm ở chợ Cát cho biết, trước khi có cây cầu bê tông rộng rãi, phẳng phiu, thuận lợi cho người dân hai xã giao thương này thì đây là một cây cầu tre, tồn tại trong ký ức của biết bao thế hệ người dân xã Khánh Trung. "Thời ấy, chúng tôi đi học, đi chợ, đi làm đều phải đi qua cây cầu bắc qua kênh nối liền hai xã Khánh Trung và Khánh Mậu này. Vì là điểm giao thoa giữa hai xã nên lưu lượng người đi lại lúc nào cũng đông đúc, cây cầu tre nhỏ bé trở nên quá tải. Nhưng cứ hỏng cây này thì lại được bà con thay thế bởi một cây khác, chứ chẳng ai dám nghĩ có ngày cây cầu ấy được xây dựng lại khang trang như bây giờ"- Bà Muộn kể.
Cũng như bà Muộn, dù nhiều năm trôi qua, song ông Sản vẫn đậm sâu ký ức về câu cầu tre "huyền thoại". Cây cầu ấy gắn bó với bao trò chơi thời thơ dại, với những buổi cắp sách đến trường. Cây cầu tre cũng nên thơ và là nơi chứng giám nhiều lời thề hẹn của các nam thanh, nữ tú. Năm 1976, ông Sản cũng tạm biệt gia đình, tạm xa cây cầu nhỏ để vào quân ngũ. Ông dành năm tháng của tuổi trẻ sát cánh cùng đồng chí, đồng đội chiến đấu tại chiến trường Campuchia đầy khói lửa. Đến năm 1984, ông Sản xuất ngũ mang theo những mảnh đạn trong mình. Trở về quê, một trong những nơi ông đến thăm đầu tiên cũng chính là cây cầu tre ấy. Cây cầu vẫn yên bình như xưa và từ đó, nhen nhóm lên trong ông Sản một khát khao được tự tay xây mới lại cây cầu này.
Mong mỏi là vậy, nhưng lập gia đình, sinh liên tiếp 3 người con, cuộc sống của ông Sản cũng không dư dả gì. "Muốn nuôi dạy con ăn học nên người và có thêm điều kiện để giúp đỡ cộng đồng thì bản thân mình phải có kinh tế vững. Nghĩ vậy, tôi nghiên cứu và bắt đầu xây dựng các mô hình kinh tế riêng. Nhưng "tát" vào khát vọng làm kinh tế ấy là những thất bại liên tiếp cho đến thời điểm tôi bị trắng tay"- ông Sản trầm ngâm nhớ lại. Ông Sản bỏ vào miền Nam để tạm quên đi những thất bại. Vô tình, ông gặp lại những người đồng đội năm xưa. Những lời động viên, khích lệ của đồng đội đã giúp ông thêm nghị lực, niềm tin. Ông tự nhủ mình không được phép gục ngã, ông sẽ đứng lên và đứng lên bằng được để thực hiện những ước mơ dang dở của nhiều đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Ông Sản bắt đầu để tâm tìm tòi, nghiên cứu các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện, khả năng của gia đình và cuối cùng, ông trở về quê với nghề làm và cho thuê cốt pha xây dựng.
Hăm hở về quê, ông Sản lại bắt tay… khởi nghiệp. Hướng làm ăn mới đã thực sự phù hợp do nhu cầu thuê cốt pha phục vụ cho các công trình xây dựng ngày càng tăng. Dần dần, khách hàng của ông không chỉ ở trong vùng mà còn phát triển rộng rãi ở một vài tỉnh lân cận. Từ khoản tiền tích cóp được ban đầu ấy, không trang trải, sắm sửa cho gia đình, ông Sản quyết định dành để làm lại cây cầu tre. Năm 2015, cây cầu mới được khánh thành trong niềm hân hoan, phấn khởi của bà con hai xã Khánh Trung, Khánh Mậu.
Khi chúng tôi hỏi rằng, quyết định đầu tư tới 147 triệu đồng để xây dựng cầu, ông có nhận được sự ủng hộ của vợ con không? nhất là khi vào thời điểm ấy, kinh tế gia đình ông cũng chưa phải là khá giả. Ông Sản cười hiền, một việc lớn như vậy, nếu không có sự đồng tình ủng hộ của vợ, con thì tôi sẽ không thể thực hiện được. Điều khiến tôi hạnh phúc nhất khi xây cây cầu này, là tôi cũng nhận thấy được tấm lòng biết chia sẻ của các con mình. Trong số 3 người con trai, chỉ có cậu con trai cả là có việc làm ổn định. Hai cậu con trai còn lại chỉ là lao động tự do tại địa phương, cuộc sống cũng còn bộn bề khó khăn. Vậy nhưng, khi tôi chia sẻ muốn dành toàn bộ số tiền tiết kiệm để xây cầu thì các con đều ủng hộ mà không một chút so bì.
Đồng chí Nguyễn Văn Viện, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Trung tiếp tục dẫn chúng tôi đi thăm một số cây cầu khác mà ông Sản đã dành nhiều tâm huyết và đóng góp kinh phí để xây mới, sửa chữa. "ở Khánh Trung, có rất nhiều cây cầu nhỏ. Dù có ý nghĩa lớn trong việc đi lại và phát triển kinh tế của nhân dân địa phương, song những cây cầu đều đã bị xuống cấp. Ông Đỗ Quang Sản là người dân đi đầu trong việc đóng góp để xây mới, sửa chữa lại các cây cầu. Từ năm 2015 đến nay, ông đã dành trên 300 triệu đồng để hỗ trợ địa phương xây mới và sửa chữa 7 cây cầu ở xã. Cây cầu nào cũng có ý nghĩa đối với sinh hoạt, phát triển kinh tế của nhân dân địa phương, trong đó có cây cầu dẫn vào trường Mầm non của xã.
Cây cầu này rộng hơn 5m, trải bê tông phẳng lỳ, thay thế cây cầu nhỏ rộng 2m, đã bị xuống cấp. Cây cầu mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho các phụ huynh mỗi khi đưa, đón con đi học, loại bỏ những nguy cơ mất an toàn giao thông"- Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã nói. Không chỉ là những đóng góp thiết thực, hành động cao đẹp của ông Sản còn là tấm gương sáng, lan tỏa ý thức vì cộng đồng trong nếp nghĩ của nhân dân địa phương. Đây là yếu tố quan trọng, giúp địa phương luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội.
Hiện nay, ở tuổi gần 70, vợ chồng ông Sản vẫn hăng say làm việc. Bà đảm đương 8 sào ruộng, còn ông quản lý một cửa hàng cho thuê cốt pha với 5 lao động làm việc thường xuyên. Thu nhập từ cửa hàng cho thuê cốt pha mang lại cho người thương binh già chừng 30 triệu đồng mỗi tháng. Với nguồn thu nhập đó, ông Sản vẫn giữ nếp nhà xưa với lối sống bình dị. "Hiện tôi có 7 đứa cháu nội, con cái cũng trưởng thành và ổn định kinh tế. Các cháu muốn chúng tôi được nghỉ ngơi, vui thú tuổi già.
Tuy nhiên, còn sức khỏe, tôi còn làm việc, thậm chí vẫn mạo hiểm với những hướng phát triển kinh tế mới. Phải làm việc, bởi chỉ khi kinh tế ổn định tôi mới có thể thực hiện được tâm nguyện giúp đỡ mọi người, giúp đỡ cộng đồng"- ông Sản chia sẻ. Với những đóng góp thiết thực và việc làm cao đẹp ấy, năm 2018, ông Đỗ Quang Sản đã được nhận Bằng khen của UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh.
Bài, ảnh: Đào Hằng