Có mặt tại cánh đồng Trừ, HTX Hợp Tiến (xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh), chúng tôi cảm nhận được không khí tấp nập, khẩn trương chăm sóc lúa của bà con nông dân. Bên thửa ruộng ven đường, chị Hoàng Thị Mai vừa vãi phân cho lúa vừa cho chúng tôi biết: Vụ này thời tiết thuận lợi nên lúa phát triển đều và đẹp. Gia đình tôi mới gieo vãi 7 sào giống lúa Bắc thơm trước Tết 3 ngày mà bây giờ cây đã được 2,5 lá. Mấy ngày nay tranh thủ thời tiết nắng ấm, tôi ra đồng tỉa dặm, bón nhử tạo điều kiện cho lúa phát triển tốt.
Trao đổi với ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ nhiệm HTX Hợp Tiến được biết: Vụ này, toàn bộ hơn 300 ha lúa của HTX đều được bà con áp dụng phương pháp gieo vãi nên khâu gieo cấy được thực hiện khá nhanh và tập trung. Hiện nay toàn bộ diện tích lúa xuân của HTX cơ bản phát triển tốt. Để chủ động trong công tác phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc lúa xuân, HTX đã chỉ đạo các tổ sản xuất hướng dẫn nông dân điều tiết nước hợp lý, tỉa dặm sớm để đảm bảo mật độ, đồng thời thực hiện nghiêm quy trình bón phân, không bón đạm đơn, bón đủ lượng tạo điều kiện cho lúa phát triển ngay từ đầu với các loại phân tổng hợp, phân đa dinh dưỡng NPK.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, vụ đông xuân 2014-2015, toàn tỉnh gieo trồng 41.586,4 ha lúa, cao hơn vụ đông xuân 2013-2014 hơn 1.000 ha. Trong đó có trên 7 nghìn ha áp dụng phương pháp gieo thẳng. Về trà lúa, trà xuân muộn vẫn là chủ đạo với trên 93% diện tích, còn lại 7% là trà xuân sớm, cấy ở các chân ruộng trũng, thùng đào, thùng đấu, vùng ngoài đê, đất thấp ven núi. Hiện tại, 100% diện tích trà xuân sớm đã hoàn thành chăm sóc đợt 1, lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh tập trung, sinh trưởng, phát triển đồng đều. Đối với trà xuân muộn, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc gieo cấy và đang chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân chăm sóc đợt 1.
Đồng chí Phạm Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh khuyến cáo: Chăm sóc lúa là yếu tố quyết định, đảm bảo cho một vụ sản xuất thắng lợi nên ngay sau khi gieo cấy xong, bà con nên tập trung chăm bón sớm và đảm bảo đúng kỹ thuật. Đối với trà xuân sớm, cấy trong tháng 1-2015 lúa đang đẻ nhánh cần giữ nước sát mặt ruộng, chăm sóc, bảo vệ phòng trừ chuột, những diện tích nào chưa chăm sóc đợt 1 cần chăm sóc ngay để cây sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ đẻ nhánh hữu hiệu cao.
Đối với lúa cấy giáp Tết, đang giai đoạn bén rễ hồi xanh, bà con kiểm tra nếu thấy lúa ra rễ trắng và lá mới cần bón thúc ngay lượng phân bón theo quy trình hướng dẫn. Những chân ruộng chua trũng, diện tích lúa bị nghẹt rễ cần phải thay nước, làm cỏ sục bùn, kết hợp với bón thúc sớm, bón bổ sung phân lân supe hoặc phân hữu cơ khoáng. Riêng với diện tích lúa gieo thẳng, cần đặc biệt chú ý đến việc điều tiết nước vì "nước là áo của lúa xuân", khi lúa gieo được 2,5 lá cần đưa nước sát mặt ruộng, đồng thời bón nhử, lúa đạt 5-6 lá thì tiếp tục bón thúc để tạo điều kiện cho lúa phát triển.
Thời gian tập trung chăm sóc, bón thúc đợt 1 cho lúa kết thúc trước ngày 15-3. Ngoài các biện pháp kích thích cho cây lúa sinh trưởng, phát triển, bà con cũng cần thường xuyên thăm đồng để phát hiện sâu bệnh kịp thời, tiêu diệt sớm không để nguy cơ lây lan, phát sinh thành dịch, chú ý các đối tượng như ốc bươu vàng, chuột. Các HTX nên tổ chức hình thức dịch vụ BVTV để dùng đúng thuốc, đúng liều lượng và đúng cách, tiết giảm chi phí và giảm thiểu tác động môi trường, hạn chế tình trạng "kê đơn, bốc thuốc" phun nhiều loại thuốc trong một lần. Kinh nghiệm trong các năm qua cho thấy ở vụ đông xuân đầu vụ thuận lợi thì giữa và cuối vụ sẽ rất khó khăn, nhất là sự phát sinh, phát triển của các đối tượng gây hại.
Hà Phương