Biển chiều, nước trong lòng vịnh xanh yên bình, thoảng từ ngoài khơi những cơn gió thổi về mang theo hơi nước mặn mòi từ biển cả. Đoàn chúng tôi gồm nhiều phóng viên từ các Báo: An Ninh Thế Giới, Công An Nhân Dân, Ninh Bình, Lâm Đồng, Thái Nguyên, Gia Lai, Ninh Thuận… tổng cộng có 16 cây viết, ai cũng háo hức mong ngày cập đảo Trường Sa.
Theo hành trình đoàn chúng tôi sẽ đến các đảo các đảo Cô Lin, Len Đao, Tiên Nữ, Tốc Tan, Phan Vinh, Đá Đông, Trường Sa...Nhưng do cơn bão bất ngờ tràn qua khiến hành trình của chúng tôi phải thay đổi. Tầu neo lại một ngày gần đảo Đá Lớn để tránh bão. Tàu thả dây neo cách đảo chừng vài cây số. Giữa bao la trời biển trùng khơi lần đầu tiên trong đời tôi được tận mục sở thị cảnh cái dữ dội của biển trước giờ bão tới. Từ xa, sóng cao vỗ lại như vồng lên nâng con tàu lên cao thật cao rồi lại đột ngột thả tàu chao xuống. Cả vọng gác Đá Lớn điểm đảo sáng đèn nhìn tựa như có cảm giác bồng lên theo từng đợt sóng và chao đi giữa lòng biển đêm. Những con sóng hung hăng thúc vào mạn tầu ùynh ùynh khiến con tàu lắc lư chao đảo. Sàn gỗ trên boong tầu khẽ trở mình kèn kẹt. Đứng trên bong tầu nhìn mặt biển đen ngòm, những con sóng trắng xóa dội lên tận tầng hai của khoang tàu khiến chúng tôi không khỏi rùng mình. Con tàu trọng tải lớn trở nên nhỏ bé trước sức mạnh của trùng khơi. Trái hẳn với thái độ lo lắng của đoàn phóng viên, những thủy thủy đoàn tàu không hề tỏ vẻ bận tâm. Vẻ tự tin đến thản nhiên của người lính trước bão khiến cánh nhà báo chúng tôi yên lòng. Đêm đại dương đằng đẵng và phập phồng rồi cũng qua đi. Tàu lại nhổ neo rẽ sóng hướng về phía đảo Tốc Tan. Theo các thủy thủ cho biết nơi đây có một bãi đá san hô trải dài bao bọc lấy một vịnh nước hình cánh cung, chúng tôi sẽ di chuyển tới đây để tránh bão. Đêm qua mau với giấc ngủ đứt quãng trong những khoang tàu nhồi lắc.
Tàu lại neo lại thêm hai ngày nữa để chờ sóng yên biển lặng. Bình minh biển, dẫu là khoảng lặng giữa hai cơn bão vẫn đẹp đến sững sờ. Màu trời tái tái xanh của trời chiều hôm trước biến đâu mất nhường chỗ cho ánh dương quang rực rỡ của ngày mới. Biển lại xanh, sắc trời trong veo rạng rỡ. Cả đoàn tràn lên boong tầu chụp ảnh. Cánh phóng viên bấm máy lia lịa như sợ chỉ vài phút nữa thôi cảnh thần tiên kia sẽ biến mất. Trời quang mây nên có thể nhìn rõ đảo Tốc Tan A chỉ cách chúng tôi khoảng nửa cây số. Đứng trên boong tầu nhìn xuống có thể thấy rõ cả màu sắc khác nhau giữa những vùng nước nông, sâu nơi chân đảo.
Chiều 19-12 chúng tôi xuống xuồng cập đảo. Khi chiếc ca nô còn chưa tới rặng san hô nơi chân đảo đã thấy cán bộ chiến sỹ hải quân trên đảo quân phục chỉnh tề đứng nghiêm trước thềm đảo đón đoàn, cảnh tượng thật xúc động. Cánh phóng viên chúng tôi, những người đã chịu sóng gió suốt mấy ngày lênh đênh trên biển cũng thấy lòng dịu lại. Suốt sáu tháng trời, đây là lần thứ 2 trong năm các chiến sỹ lại mới gặp lại người trong đất liền ra thăm. Tốc Tan là đảo chìm, mọi sinh hoạt của chiến sỹ trên đảo chỉ gói gọn trong hai khu nhà nhỏ ba tầng xây chênh vênh trên thềm san hô. Các vật dụng sinh hoạt trên đảo được trạng bị tương đối đầy đủ, nhưng theo các chiến sỹ cái họ thiếu nhất là tình cảm. Dù vậy các cán bộ chiến sỹ canh giữ đảo vẫn động viên nhau, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trong câu chuyện của những tân binh và những người hết nghĩa vụ trở về đất liền bao giờ cũng bùi ngùi xúc động. Những giờ phút ngắn ngủi trong khoảng 2 giờ đoàn công tác ghé thăm đảo không thể nào giúp những người lính và đồng đội của họ nói hết những câu chuyện xảy ra trong suốt một năm ròng. Lúc thời gian đã hết, nhìn những người lính lặng lễ đứng lại nơi cầu tầu đưa tiễn, lưu luyến nhìn xuồng chúng tôi rời bến, khiến ai cũng rưng rưng xúc động.
Chiều 20-12 đoàn chúng tôi trở lại tàu an toàn sau khi đã ghé thăm đảo Tốc Tan A, điểm đảo đầu tiên trong suốt cuộc hành trình dằng dặc trên biển.
Phương Nam- Minh Đường