Chiều tối ngày 28/6, chỉ sau 9 phút nhận được tin báo cháy, 8 xe chữa cháy và xe chuyên dùng cùng 65 cán bộ chiến sỹ của phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy - tìm kiếm cứu nạn (Công an tỉnh) đã có mặt tại hiện trường tại thôn Trường An, xã Trường Yên (Hoa Lư). Nhưng với diễn biến phức tạp của vụ việc thì ngay sau đó cả người và phương tiện nhanh chóng được huy động thêm.
Thượng tá Trương Minh Tuấn, Phó trưởng phòng kể lại: Khi chúng tôi đến hiện trường, vị trí cháy trên sườn núi cách mặt đất khoảng 25-30m và cháy trải dài khoảng 300m ở cả 2 bên sườn núi Vụng Quao. Đám cháy có nguy cơ lan vào phía trong sát với khu vực núi ở Phủ Khống, đe dọa cháy lan sang các vạt rừng của các dãy núi liền kề, đặc biệt là cháy lan vào trang trại nông lâm kết hợp cùng nhà dân ở dưới chân núi. Trong điều kiện thời tiết khô hanh, nắng nóng kéo dài nếu không áp dụng chiến thuật chữa cháy khoa học hợp lý và kịp thời thì nguy cơ dẫn đến cháy lớn trong Quần thể danh thắng Tràng An là không thể tránh khỏi.
Trước tình hình đó, sau khi có sự bàn bạc, thống nhất với các lực lượng, phương án đặt ra là phải ngăn chặn không để cháy lan theo chiều rộng và cháy lan xuống chân núi. Chỉ huy chữa cháy đã quyết định triển khai ngay 3 mũi tấn công chính.
Theo đó, mũi thứ nhất dập tắt đám cháy trên cao và ngăn chặn cháy lan sang núi bên cạnh, cháy lan xuống dưới; mũi thứ 2 tổ chức dập tắt đám cháy và ngăn chặn đám cháy phát triển theo chiều ngang của dãy núi và cháy lan xuống chân núi ở khu vực gần hầm chui số 1, phía Tây Bắc của dãy núi Vụng Quao; mũi thứ 3 gồm 3 xe chữa cháy triển khai các lăng A công suất lớn tổ chức dập tắt đám cháy và ngăn chặn nó phát triển theo chiều dọc của dãy núi, xe bơm triển khai đường vòi khoảng trên 300m lên cao phun nước ngăn chặn cháy lan sang khu vực rừng gần Phủ Khống. Đồng thời khi đó sử dụng 3 máy bơm, 1 xe bơm hút và truyền nước cho các xe chữa cháy "chiến đấu" liên tục…
Sau khoảng 2h đồng hồ chiến đấu với khói lửa mịt mùng, các lực lượng đã khống chế được đám cháy ở phía Tây Bắc và phía Đông Nam. Ngay lúc đó, một đội gồm 15 người chủ yếu là cán bộ chiến sỹ chữa cháy và lực lượng kiểm lâm, người dẫn đường dùng dao cuắm lên phát quang tạo khoảng trống ngăn chặn cháy lan.
Đối với các điểm cháy tại những vị trí núi cao, vách đá hiểm trở bị những tảng đá to che khuất, cán bộ chiến sỹ lực lượng chữa cháy đã phải phát cây, lách qua các vách đá sắc nhọn triển khai đội hình chữa cháy để phun nước dập tắt đám cháy, nhiều đồng chí sau đó mới biết rằng tay chân mình đã phồng rộp hết cả khi đi qua khu vực hiểm trở đó. Dù đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe như nguy cơ lở núi, đá rơi, trời tối, thời tiết oi bức… song cán bộ chiến sỹ đơn vị đã bình tĩnh, dũng cảm chiến đấu với giặc lửa. Và sau hơn 6 giờ chiến đấu liên tục, không ngừng nghỉ đám cháy cơ bản đã được dập tắt. Sau đó đơn vị tiếp tục bố trí 1 xe chữa cháy cùng 10 cán bộ chiến sỹ ở lại trực đến 7h ngày 30/6 và xử lý kịp thời 6 lần các đám cháy bùng phát lại.
Nghe câu chuyện của những người lính trở về sau đám cháy rừng ở Vụng Quao chúng tôi vẫn thắc mắc, thời điểm xảy ra đám cháy là lúc nhá nhem tối khi mà mọi người đều đang quây quần bên gia đình, tại sao các anh lại nhanh chóng có mặt ở hiện trường chỉ sau 9 phút đồng hồ… Trung tá Phạm Đức Huy, Phó đội trưởng đội chữa cháy bình thản trả lời: Chúng tôi luôn duy trì trực sẵn sàng chiến đấu. Và dù đang ăn, đang ngủ hay làm bất cứ việc gì, khi nhận được tin báo cháy, đội xe và những người lính cứu hỏa chỉ được phép trong vòng 1 phút phải sẵn sàng xuất cổng. Chỉ cần chậm trễ vài phút là đám cháy đã lan khắp nơi khó kiểm soát. Và chúng tôi luôn tâm niệm, cứu hỏa, chữa cháy không chỉ là một nghề, mà hơn thế nữa, đó là một nghiệp, sẵn sàng sinh nghề tử nghiệp…
Đào Duy