Tôi gặp anh Phạm Minh Cường (phố Khánh Trung, phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình) khi chiếc máy tính cá nhân gặp trục trặc. Sau một hồi kiểm tra, anh nói, do có nhiều lỗi hệ thống nên phải mất tầm 2-3 tiếng đồng hồ để khắc phục. Tôi khá vui mừng với tin đó, bởi còn nhiều công việc dang dở và rất cần chiếc máy tính để hoàn thành. Trong lúc đợi, tôi quan sát đôi bàn tay anh thoăn thoắt gõ những câu lệnh, đôi mắt chăm chú trên màn hình để không bỏ sót thứ gì quan trọng...
Điều đó khiến tôi tin rằng, chiếc máy tính của mình đã tìm đúng người "bác sĩ" giỏi. Vốn tò mò, tôi lân la hỏi chuyện anh về cơ duyên đưa anh đến với nghề. Anh trầm ngâm một hồi lâu rồi trả lời, đam mê là một phần còn quan trọng nhất là vì "miếng cơm manh áo".
Anh Cường sinh năm 1972, sau khi học hết cấp 3, anh theo người chú đi làm thợ mộc. Vốn có sự kiên nhẫn và bàn tay tài hoa, anh nhanh chóng học được nghề và chế tác ra nhiều sản phẩm đẹp. Thế nhưng anh vẫn cho rằng, đây chưa thực sự là công việc hợp với bản thân.
Anh kể lại, những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước, máy vi tính là thứ vô cùng xa lạ, cả thị xã Ninh Bình ngày đó chỉ có một cửa hàng kinh doanh nhỏ. Những lần đi qua đó, từ sự tò mò rồi dần bị cuốn vào đam mê lúc nào không hay.
Chiếc màn hình, bàn phím... cũng giống như một tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp của nghề mộc. Và hơn hết, trong nhận thức của chàng trai trẻ lúc bấy giờ cũng tin rằng, theo đuổi ngành nghề đó sẽ gặt hái những thành công, bất chấp nhiều rủi ro của một ngành nghề mới xuất hiện.
Và rồi, anh Cường quyết định theo học một lớp đào tạo dài 2 năm của trường Đại học Mở. Anh nhớ lại những ngày tháng vất vả nhất từng trải qua để đánh đổi lấy việc thực hiện được đam mê. Đó là vào khoảng năm 1996, nửa buổi sáng anh làm nghề mộc kiếm tiền trang trải cuộc sống, nửa buổi chiều còn lại dành cho việc học trên lớp.
Sau 2 năm, anh đã bước đầu đạt được mong muốn khi cầm trên tay tấm bằng đào tạo kỹ thuật viên. Để đúc rút thêm nhiều kinh nghiệm trong nghề, anh chấp nhận đi phụ giúp cho những thợ lành nghề, vừa để thạo việc vừa tạo mối quan hệ với khách hàng, và rồi đến năm 2002, anh mới chính thức ra làm riêng.
Anh chia sẻ, mỗi ngành mỗi nghề có đặc thù và khó khăn riêng. Khoảng những năm 2002, số lượng máy vi tính trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế, số người biết sử dụng không nhiều, đa phần là ở các công sở, cơ quan Nhà nước hoặc các doanh nghiệp tư nhân lớn. Mặt khác, trên địa bàn cũng hiếm có cửa hàng cung cấp linh kiện nên mỗi lần gặp lỗi lớn lại phải đợi khá nhiều thời gian để tìm và đặt hàng từ Hà Nội về.
Không những thế, những chiếc máy tính thời đó có cấu tạo khá phức tạp, hệ thống phần mềm hỗ trợ chưa phát triển, trang thiết bị thô sơ nên thường xuyên gặp lỗi. Anh nhớ nhất kỷ niệm từng đạp xe hơn 30km chỉ để chỉnh lại đầu kết nối vào thiết bị mạng cho một khách hàng tại huyện Nho Quan, hôm đó, anh phải ngủ lại vì trời đã về đêm.
Theo anh Cường, giai đoạn 2006 - 2010 là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất của máy vi tính. Các cửa hàng kinh doanh, cung cấp linh kiện ngày một nhiều, nguồn hàng dồi dào với sự đa dang về mẫu mã, chủng loại, giá tiền. Quy mô khách hàng cũng ngày một mở rộng, phát triển thêm các khách hàng là cá nhân và hộ gia đình.
Mỗi tháng, anh nhận được rất nhiều đơn hàng đặt mua, lắp ráp và sửa chữa máy vi tính. Có những ngày, anh đi làm từ lúc tờ mờ sáng và về nhà lúc đêm khuya. Tuy công việc vất vả hơn nhiều, nhưng bù lại, tiền công khá cao cũng giúp anh trang trải cuộc sống gia đình.
Nhớ lại thời kỳ "hoàng kim" đó, anh trầm ngâm cho rằng hiện nay thị trường máy vi tính đã dần bão hòa với sự xuất hiện của nhiều nhà phân phối lớn, các siêu thị điện máy như Viettel, Trần Anh, FPT, Thế giới di động... Bên cạnh đó, xu thế sử dụng máy tính cá nhân (laptop) cũng phát triển, dần thay thế nhu cầu sử dụng máy vi tính để bàn.
Chia sẻ về đạo đức nghề nghiệp, anh Cường cho rằng, cũng giống với bao nghề khác trong xã hội, muốn thành công trong nghề công nghệ thông tin rất cần sự kiên nhẫn và tận tâm khi phục vụ khách hàng. Vậy nên dù là khách hàng nào, lỗi máy tính dù lớn dù nhỏ, anh vẫn luôn cẩn thận và tỉ mỉ, giữ đúng đạo đức nghề nghiệp là một "bác sĩ máy tính".
Bài, ảnh: Thái Học