Ngắm đàn dê mập mạp, khỏe mạnh, cứ theo tháng năm mà sinh sôi nảy nở, ông Đào Văn Dân, ở xóm 10, xã Khánh Công (huyện Yên Khánh) không thể tin được có ngày bản thân cũng có được cuộc sống an yên đến thế.
"Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay", vậy nhưng ông Dân từng gánh vác cả gia đình chỉ với một cánh tay còn lại sau khi bị tai nạn lao động năm 2002. "Không thể kể hết nỗi vất vả của cả gia đình tôi khi đó. Từ một người thợ mộc khỏe mạnh, có thu nhập vài triệu đồng/tháng để nuôi ba đứa con đang tuổi ăn, tuổi học, tôi trở thành người khuyết tật. Mọi gánh nặng mưu sinh, tạm thời vợ tôi gánh vác. Nhưng rồi quá vất vả, vợ tôi sức khỏe cũng yếu đi, bà ấy ở viện còn nhiều hơn ở nhà. Gia đình tôi từ hộ có kinh tế trung bình "rớt" xuống hộ nghèo kể từ đó"- ông Dân nhớ lại.
Do sức khỏe yếu đi, cả hai vợ chồng ông Dân không thể đi làm thuê nữa. Thu nhập chính của cả gia đình phụ thuộc vào mấy sào ruộng. Ngoài ra, ông bà Dân chăm chỉ chăn nuôi thêm gà, lợn để cải thiện kinh tế, chăm lo cho con cái ăn học. Dần dần, gia đình ông Dân cũng vươn lên thành hộ cận nghèo, rồi thoát nghèo vào năm 2016. Nhưng sự thoát nghèo ấy- theo ông Dân là không bền vững, nguy cơ tái nghèo cao bởi cả gia đình chưa có nguồn thu nhập ổn định.
Năm 2018, ông Dân là một trong những hộ mới thoát nghèo đầu tiên của huyện được thụ hưởng gói hỗ trợ "Nhân rộng mô hình giảm nghèo" theo Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. "Điểm khác biệt của chính sách hỗ trợ này đó là người thụ hưởng tự quyết định sẽ nuôi con gì. Tôi nhận thấy nuôi dê sẽ cho hiệu quả cao, vốn đầu tư không lớn, lại rất phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân nên đã quyết định sử dụng số tiền hỗ trợ để mua 6 con dê cái, 1 con dê đực. Những con dê này đã làm thay đổi cuộc đời của tôi"- ông Dân phấn khởi nói.
Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, đàn dê của ông Dân phát triển tốt. Đến nay, từ 6 con dê ban đầu đã phát triển thành hơn 30 con, trong đó ông Dân đã bán được hơn 10 con dê thịt với giá thấp nhất từ 2,5 triệu đồng/con. Cuộc sống đỡ vất vả, vợ ông Dân cũng khỏe lên. Để phụ giúp kinh tế gia đình, hiện bà đi làm thuê cho xưởng may với mức lương trên 6 triệu đồng/tháng. Hai người con của ông bà Dân đang đi xuất khẩu lao động, hứa hẹn một tương lai ổn định.
Gia đình ông Đào Văn Dân là một trong 53 hộ thực hiện có hiệu quả Dự án "Nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo thông qua thực hiện các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện Yên Khánh" cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trong những năm vừa qua. Đánh giá về việc thực hiện các mô hình giảm nghèo này, ông Phạm Ngọc Điệp, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Yên Khánh cho biết: Hỗ trợ người nghèo công cụ sản xuất không phải là cách làm mới. Trước đây, từ nhiều kênh khác nhau, hàng năm, địa phương vẫn thực hiện hỗ trợ người nghèo về giống con, cây hoặc đưa nghề phù hợp về nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên. Nhưng trên thực tế, hiệu quả vẫn còn ở mức độ, thậm chí những hộ vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn hỗ trợ đó là rất ít.
Với việc thực hiện các dự án này, điểm khác biệt lớn nhất đó là mức hỗ trợ đã "ra tấm ra miếng" bằng những con nuôi cho giá trị kinh tế cao hơn như bò, trâu, dê... Đặc biệt, việc lựa chọn đối tượng tham gia dự án được rà soát kỹ, để vừa đảm bảo các điều kiện như: có lao động tham gia dự án, có khả năng thực hiện dự án và quan trọng nữa, là bản thân các hộ nghèo ấy phải có sự hưởng ứng tích cực, khơi dậy được ý chí thoát nghèo.
Nhằm đảm bảo các dự án được thực hiện có hiệu quả, các hộ nghèo được trao quyền tự chủ trong việc quyết định lựa chọn mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện kinh tế, lợi thế lao động... của gia đình mình. Căn cứ vào nhu cầu của hộ tham gia dự án, huyện phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức các hoạt động hỗ trợ kèm theo, như: xây dựng chuồng trại hợp lý, kỹ thuật chăn nuôi, liên hệ đầu ra cho sản phẩm... để người tham gia dự án có thêm kiến thức, kỹ năng để vươn lên.
Với việc thực hiện bài bản, khoa học, các dự án đã đem lại hiệu quả tích cực. Đến nay, đã có 49/53 hộ tham gia dự án đã thoát nghèo, thoát cận nghèo bền vững (4 hộ còn lại thuộc hộ nghèo bảo trợ xã hội hoặc có người bị bệnh hiểm nghèo), góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo chung của toàn huyện. Theo kết quả rà soát sơ bộ, năm 2020, huyện Yên Khánh có 87 hộ thoát nghèo, giảm số hộ nghèo toàn huyện xuống còn 921 hộ, chiếm 1,93%; số hộ cận nghèo còn 1.524 hộ, chiếm 3,2%.
Đào Hằng