Làm nghề đan bèo bồng đã hơn 20 năm, bà Chu Thị Kiên ở xóm 7 không những là một lao động lành nghề mà còn là nghệ nhân được cấp chứng chỉ để đi truyền nghề cho các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các địa phương khác cả trong và ngoài tỉnh. Dạy nghề nhiều nơi, song theo bà Kiên thì xã Khánh Hồng vẫn là nơi duy trì được nghề một cách hiệu quả và bài bản nhất. "Sở dĩ, người lao động gắn bó với nghề mình đã dày công học tập là bởi thu nhập mang lại từ nghề xứng đáng với sức lao động bỏ ra và đủ để người lao động trang trải cuộc sống ở mức tương đối. Nếu không đạt được tiêu chí này thì hẳn nhiên nghề sẽ … chết yểu. Đây là câu chuyện rất rõ ràng trong thực tiễn công tác đào tạo nghề những năm qua. Và đó cũng là nguyên nhân lý giải vì sao người dân Khánh Hồng vẫn duy trì, thậm chí phát triển mạnh mẽ nghề đan bèo bồng này."- bà Kiên cho biết.
Theo những người làm nghề có thâm niên ở Khánh Hồng, nghề đan cói, bèo bồng xuất hiện ở Khánh Hồng từ những năm 90 của thế kỷ trước. Nhưng khi đó, nghề đan cói đúng nghĩa là nghề "phụ" vì người dân chỉ làm lúc nông nhàn với những mẫu mã sản phẩm hết sức giản đơn như mũ, dép, túi… với giá trị ngày công lao động thấp. Hiếm hoi lắm mới có vài hộ tay nghề cao, đủ khả năng cung cấp hàng cho các doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu. Đến năm 2006, làng nghề đan cói, bèo bồng đầu tiên ở Khánh Hồng được công nhận, đó là làng nghề Bình Hòa. "Tuy nhiên, phải đến những năm 2010, khi Khánh Hồng được UBND tỉnh công nhận thêm 2 làng nghề đan cói bèo bồng mới là Đồng Mới và Đức Hậu và đặc biệt, đó cũng là thời điểm tỉnh ta triển khai mạnh mẽ Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ thì những làng nghề mới thực sự khởi sắc, tạo sự đổi thay mạnh mẽ cho đời sống nhân dân và diện mạo quê hương"- Đồng chí Đỗ Quang An, Chủ tịch UBND xã Khánh Hồng khẳng định.
Khi mới bắt đầu thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thay vì tìm và đưa về những nghề mới với nhiều rủi ro thì địa phương lại lựa chọn chính nghề truyền thống của địa phương để truyền dạy. Dạy nghề cho những người đã biết nghề, đó là câu chuyện tưởng chừng như nghịch lý, song đã chứng minh được hiệu quả rất thiết thực. Trung bình mỗi năm, xã Khánh Hồng phối hợp đào tạo cho từ 50-60 lao động nông thôn, trong đó có sự phân hóa rõ đối tượng đã biết nghề để đào tạo nâng cao và dạy nghề mới cho lao động chưa biết nghề. Vì vậy mà chất lượng các lớp học đều đáp ứng yêu cầu đề ra. Đến nay, nghề đan cói, bèo bồng ở Khánh Hồng tuy là nghề phụ nhưng đã trở thành nguồn thu nhập chính cho người dân trong xã. Hiện trong tổng số gần 6.000 người trong độ tuổi lao động thì có tới hơn một nửa là làm nghề đan cói, bèo bồng với mức thu nhập bình quân từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng, có lao động tay nghề cao vẫn duy trì mức thu nhập từ 250-350 nghìn đồng/ngày công. Sản phẩm làm ra của bà con trong xã đều được doanh nghiệp thu mua tận nơi bởi hiện nay, trên địa bàn xã Khánh Hồng có 1 doanh nghiệp lớn, ngoài ra còn có 4 cơ sở thu mua.
Chị Phùng Thị Hồi, ở xóm 6 là một lao động trẻ, mới về làm dâu ở xã Khánh Hồng được vài năm và đã khá thành thạo nghề đan cói, bèo bồng. Tuy nhiên, làm chăm chỉ lắm thì mức ngày công lao động của chị Hồi mới đạt từ 70-80 nghìn đồng/ngày, do chị chưa làm được những sản phẩm tinh xảo. Bởi vậy, cũng như nhiều lao động trẻ khác, chị Hồi rất mong sớm được tham gia lớp học nghề do xã tổ chức. "Có sức khỏe và khả năng tiếp thu, vì vậy tôi không muốn dừng lại ở mức thu nhập đó. Nhưng muốn cải thiện được nguồn thu, tôi phải nâng cao tay nghề để có thể làm ra các sản phẩm tinh xảo hơn. Khi nào địa phương tổ chức được lớp học, tôi sẽ tham gia ngay. Trước mắt, tôi vẫn chăm chỉ làm nghề, nguồn thu này cũng là khoản đáng kể để tôi trang trải cuộc sống cho gia đình nhỏ của mình"- chị Hồi tâm sự.
Đồng chí Đỗ Quang An, Chủ tịch UBND xã Khánh Hồng cho biết thêm: Nếu như những năm 2010, tổng thu nhập từ tiểu thủ công nghiệp của xã đạt 13,8 tỷ đồng thì đến năm 2018, con số này đã là 53,9 tỷ đồng. Hiệu quả của nghề đan cói, bèo bồng không chỉ được chứng minh bằng những con số hết sức thuyết phục, mà còn hiện hữu bằng sự đổi thay về chất lượng cuộc sống của bà con trong xã. Tỷ lệ hộ nghèo của xã tính đến cuối năm 2018 chỉ còn dưới 3%, trong đó hầu hết là rơi vào những hộ già cả, neo đơn hoặc mắc bệnh nan y. Thời gian tới, xã Khánh Hồng sẽ tiếp tục xây dựng lộ trình phù hợp để tạo sự phát triển bền vững cho cả 3 làng nghề. Đặc biệt, xã sẽ ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp và cơ sở thu mua về đất đai để làm sân phơi, nơi tập kết vật liệu, sản phẩm. Bên cạnh đó, xã cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề để nâng cao tay nghề cho người lao động, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp và thị trường xuất khẩu. Đối với người lao động, xã sẽ tiếp thu nhiều mẫu mã, sản phẩm tinh xảo, kỹ thuật cao hơn để đưa về dạy, với mục tiêu sẽ tạo được nguồn thu nhập cao từ nghề phụ này, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân địa phương.
Bài, ảnh: Đào Hằng