Năm 2021 hoạt động chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã diễn ra tích cực, chủ động hơn với nhiều giải pháp mới, cách làm hay để từng bước thay đổi thói quen, cách làm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cũng như thực hiện nhiệm vụ chuyên môn bằng chính công nghệ số và nền tảng, dữ liệu số.
Chuyển biến tích cực từ hoạt động chuyển đổi số
Ngay từ khâu đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều hoạt động để nâng cao kiến thức, kỹ năng khai thác các nền tảng, công nghệ, dữ liệu số cho đội ngũ chuyên trách làm công nghệ thông tin và toàn bộ cán bộ, chuyên viên, viên chức tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin-Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Trung tâm Công nghệ thông tin- Truyền thông đã hỗ trợ các đơn vị trong công tác chuyển đổi số, nhất là 14 xã được chọn làm điểm về chuyển đổi số cấp xã và việc triển khai xây dựng chính quyền số tại thành phố Tam Điệp.
Theo đó, Trung tâm đã cùng các phòng chuyên môn của Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị, doanh nghiệp trực tiếp khảo sát, thiết kế, hỗ trợ các xã chuyển đổi số tái cấu trúc tại hệ thống mạng nội bộ cũng như tư vấn việc đầu tư nâng cấp các trang thiết bị CNTT phục vụ chuyển đổi số.
Trong năm qua, Trung tâm đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng các kiến thức và kỹ năng số, kỹ năng vận hành các nền tảng số cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã theo hướng "cầm tay chỉ việc" trên tinh thần: thay đổi nhận thức và thói quen làm việc từ thủ công, hình thành thói quen và kỹ năng làm việc trên môi trường mạng…
Từ sự quan tâm của tỉnh và sự hỗ trợ của Sở Thông tin và Truyền thông về mặt chuyên môn, năm 2021 14 xã thí điểm thực hiện chuyển đổi số trong tỉnh đã được hỗ trợ mỗi xã 200 triệu đồng. Đồng thời, hỗ trợ 143 xã trang bị máy vi tính, máy scan tại bộ phận một cửa với số tiền 30 triệu đồng/xã;
Như tại 6 xã được chọn thí điểm chuyển đổi số cấp xã của huyện Yên Mô, nội dung chuyển đổi số được hỗ trợ tập trung vào 3 lĩnh vực: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, phát triển chính quyền số được triển khai tập trung vào các nội dung: nâng cao chất lượng đội ngũ thông qua tập huấn, tái cấu trúc hạ tầng CNTT của các xã: nâng cấp mạng nội bộ, nâng cấp, bổ sung hệ thống thiết bị CNTT, tăng cường công tác an toàn thông tin mạng, triển khai đường truyền số liệu chuyên dùng, nâng cấp trang thông tin điện tử, thiết lập kênh giao tiếp giữa chính quyền với người dân qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo, ứng dụng công dân số, hệ thống nhắn tin SMS…
Tại các xã, nhiều hệ thống trang thiết bị được đầu tư bước đầu phục vụ thuận lợi hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền cũng như phục vụ nhu cầu của tổ chức, cá nhân…
Tại thành phố Tam Điệp, nhiều hoạt động đã được triển khai: tập huấn, đào tạo chuyển đổi nhận thức; ứng dụng các hệ thống, phần mềm chung của tỉnh; nâng cấp hạ tầng mạng, hạ tầng thiết bị tại bộ phận một cửa của thành phố; hệ thống họp không giấy tờ; phòng điều hành giám sát IOC và số hóa bản giấy kết quả giải quyết thủ tục hành chính phục vụ giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, tiến tới cung cấp dịch vụ số của chính quyền số. Tổng kinh phí hỗ trợ thành phố Tam Điệp thí điểm mô hình chính quyền số với số tiền là 3 tỷ đồng.
Nét nổi bật trong hoạt động chuyển đổi số là UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 31/8/2021 phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tình Ninh Bình giai đoạn 2021- 2025 và 2026-2030 nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động tiếp cận, xây dựng các sản phẩm và sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số. Qua đó tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số của tỉnh nhanh, bền vững.
Canh tác trong nhà lưới tại Công ty CP đầu tư Công nghệ Xanh.
Công ty Cổ phần đầu tư Công nghệ Xanh (Yên Khánh) là doanh nghiệp có hoạt động ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong sản xuất, kinh doanh, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp.
Bà Ngô Thị Thư, đại diện Công ty cho biết: Là công ty chuyên sản xuất rau củ quả theo hướng sản xuất sạch. Ngay trong khâu sản xuất, Công ty đã chú trọng sản xuất sạch trên cơ sở ứng dụng CNTT như đưa sản phẩm phân bón theo công nghệ Nano Silic và thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc trong canh tác; ứng dụng công nghệ IOT để thực hiện tưới tự động cũng như hệ thống nhà lưới. Kết quả này đã giúp Công ty giảm nhân công trong khâu sản xuất, đồng thời giúp cây trồng có quá trình sinh trưởng tốt, tỷ lệ thu hoạch đạt cao so với canh tác thông thường.
Bên cạnh đó, trong khâu kinh doanh, bán hàng, Công ty đã đẩy mạnh quảng bá sản phẩm qua website, qua mạng xã hội… Đến nay, sản phẩm dưa lưới của Công ty đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Công ty xác định hướng tới sẽ tập trung triển khai các nội dung chuyển đổi số để quảng bá, tìm kiếm khách hàng và tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử…
Là năm đầu thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và cả người dân trong tỉnh đã cùng đồng hành, nâng cao nhận thức để nhiều nội dung chuyển đổi số được triển khai và bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực, là cơ sở để hoạt động chuyển đổi số của tỉnh có sự chuyển biến, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển.