Sân chơi hay nơi "sát phạt"?
Trước đây, ở nhiều địa phương trong tỉnh mới chỉ xuất hiện những bàn bi-a rải rác ở vỉa hè, trong ngõ vì đầu tư cho một bàn bóng từ 20-30 triệu đồng chỉ để "giải trí" thì bị xem là lãng phí. Một vài năm trở lại đây, "kinh doanh bi-a" được xem là loại hình kinh doanh khá hấp dẫn. Bởi lẽ, đầu tư tuy lớn nhưng lại quay vòng vốn nhanh. Một chủ quán bi-a làm phép tính: Một câu lạc bộ bi-a với 10 bàn bóng được đầu tư với 300 triệu đồng vốn ban đầu, sẽ bắt đầu thu lãi sau 3 tháng đi vào hoạt động. Giá trung bình là 30.000 đồng/giờ, mà bi-a là môn thể thao "ngốn" thời gian, tối thiểu từ 2-3 giờ/lần chơi. Vì thế, các quán bi-a đua nhau mọc lên nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí của thanh niên. Từ các nẻo đường quê đến những tuyến phố chính, những chiếc bàn gỗ mặt nỉ xanh, những trái bóng bi-a nhiều màu sắc và những đám đông tụ tập rôm rả… đã trở thành hình ảnh khá quen thuộc.
Khoảng 9 giờ sáng, các quán bi-a tại khu vực trung tâm thành phố đã rất đông. Dễ dàng nhận thấy đối tượng chủ yếu là thanh niên, thậm chí có cả những công chức mặc đồng phục công sở. Khói thuốc mù mịt hòa với tiếng nói, cười, tiếng chửi thề vì những đường bóng không như ý, cứ như thế cuộc chơi kéo dài không giới hạn. Dần dần, bi-a trở thành một hình thức cờ bạc công khai. Từ 3-5 thanh niên tham gia một cuộc chơi, gọi là chơi "bi-a ù", bộ bài tây được dùng để chia cho mỗi người 5-7 lá, mỗi lá bài tương ứng với số của quả bóng trên bàn bi-a. Một chú gà trống được làm bằng mây tre, treo lơ lửng trên mỗi bàn là chỗ để tiền "gà", sau mỗi séc người chơi phải nộp vào đó một số tiền theo thỏa thuận. Người không "mở mắt", trong chơi bài lá gọi là "cháy", dân sành bi-a gọi là "sâm" có thể thua đến hàng trăm, thậm chí hàng triệu đồng cho mỗi séc thi đấu có khi chỉ kéo dài 5 phút. Mỗi lá bài ăn lỗ giữa bàn (lỗ 10) được tính thêm tiền mà người chơi cơ trước đó phải trả tiền đền vì đã tạo đường bóng thuận lợi cho người chơi sau…
Cứ thế, cuộc chơi kéo dài thông trưa, qua tối và đến đêm. Có những ông chủ bàn bi-a còn tạo điều kiện cho những người chơi bằng cách cho cầm cố điện thoại, đồ trang sức… để vay nóng tiền gỡ gạc. Sau mỗi cuộc chơi, có người đắc ý vì trong một ngày chơi rất "sung" kiếm ngon ơ vài triệu, kẻ thì thất thần, cay cú nuôi chí "đòi lại" tiền cho lần hẹn sau. Đã bước chân vào, người chơi khó có thể dứt ra vì máu "ăn-thua", thắng thì phải tạo cơ hội để cho kẻ thua gỡ, thua thì cay cú không yên luôn chờ cơ hội để gỡ gạc lại. Đó là cơ sở cho những mối quan hệ nhiều năm chỉ hội ngộ trên bàn bóng. Lạ thay, hình thức "tiền trao, cháo múc" công khai tại các bàn bi-a vẫn ngang nhiên tồn tại? Và để hấp dẫn khách, nhiều quán bi-a còn "trang bị" một đội ngũ nhân viên mà dân chơi thường kháo nhau là "các em chân dài". Đến bất kỳ quán bi-a hút khách nào đều bắt gặp những cô gái tuổi từ 18-24 xếp bóng chuyên nghiệp, trẻ trung. Công việc của những nhân viên này khá nhàn tản, chỉ xếp bóng và chia bài cho khách từ 4-6 tiếng/ngày đem lại nguồn thu nhập ổn định từ 1-1,2 triệu đồng thực sự hấp dẫn các nữ sinh viên làm thêm giờ hoặc các thiếu nữ đang muốn tránh xa cảnh "chân lấm tay bùn"…
Và khi bi-a về làng…
Đi họp phụ huynh cho cậu con trai đang học lớp 12 về, thím tôi vứt chiếc xe đạp chỏng chơ trên sân rồi ngồi thần ra suy nghĩ. Thằng T - con trai thím, đang học lớp 12 trường huyện, vốn là đứa con ngoan, trò giỏi. Năm nào T cũng được xếp ở "tốp" đầu của lớp về cả lực học và hạnh kiểm. ấy thế mà theo phản ánh của cô giáo chủ nhiệm, thời gian qua T học hành chểnh mảng nên chẳng mấy chốc đã tụt xuống hàng "tốp" cuối của lớp. T thường xuyên nghỉ học ở lớp học thêm. Thím tôi bực bội: Thế mà nó vẫn xin tiền đi học thêm đều đặn. Như chiều nay, nó cũng nói là đi học thêm… Như lửa đốt trong lòng, nhưng thím tôi vẫn giữ được vẻ bình tĩnh để đợi T về. Ngọt nhạt gặng hỏi mãi, cuối cùng thằng T cũng phải thừa nhận đã "nướng" hết số tiền đi học thêm vào quán bi-a của ông M đầu làng. T cho biết, ban đầu, T chỉ vào đó xem vì lạ, chưa biết bi-a là gì và hình thức chơi ra sao? Theo dõi một thời gian, T đã bị những pha "điều bóng" thông minh của người chơi cuốn hút. Vốn thông minh nên T học "lỏm" cũng rất nhanh. Chẳng mấy chốc, không những T thành thạo cách chơi, mà còn là một trong những "cơ thủ" có tiếng ở quán bi-a này. Ngày mới học chơi, T chỉ phải trả tiền thuê bàn theo giờ chơi. Còn bây giờ, T còn chơi theo hình thức ăn tiền. Có ngày, T thắng đến cả trăm bạc. Nhưng cũng có hôm gặp đối thủ mạnh, T thua cũng không ít. Sự mê hoặc của những đường bóng, sự cay cú trong "ăn-thua" đã thực sự cuốn hút T. Cậu chẳng còn thiết đến học hành nữa mặc cho kỳ thi đang tới gần, và mặc cho ước mơ trở thành kỹ sư nông nghiệp đang có nguy cơ tan biến…
Trường hợp như T không phải là hiếm gặp ở quê tôi nữa. Nhìn vào quán bi-a ở đầu làng, thấy lố nhố đám "cơ thủ" mặc đồng phục. Đứa thì cầm gậy chưa thạo, đứa phì phèo hút thuốc tỏ ra rất "anh, chị", đứa chửi thề văng tục… thấy mà buồn cho tương lai của chúng. Hàng ngày, đi qua quán bi-a, các phụ huynh đều "đảo mắt" vào đó xem có con em mình không. Phụ huynh của một tay "nghiền" bi-a tâm sự: Thấy con đang "rạp" mình trên bàn bi-a, ai mà không đau xót. Khuyên răn con mãi mà chẳng được. Đêm nào cũng phải thấp thỏm đợi con về mới ngủ được. Nhiều đêm đi tìm con, nghe rõ tiếng con mình đang chửi thề trong đó, thế mà chủ quán còn giấu, chối đây đẩy là thằng bé không có ở đó. Người ta đóng cổng, chẳng lẽ mình cứ xông vào mà lôi con về. Nhiều lúc, ức chế quá tôi cũng đến quán bi-a chửi đổng. Nhưng nào có ích gì? Người ta cũng là làm ăn, mình có con mà không dạy được thì phải chịu thôi!
Dần dần, cũng chẳng riêng gì các em học sinh, mà ngay cả các anh đã có gia đình vốn hiền lành, chăm chỉ làm ăn thế mà cũng bị cuốn vào những séc bi-a. Nhà nông vốn chỉ bận rộn vào hai vụ chính. Thời gian còn lại trong năm, ai thuê gì thì làm nấy, không ai thuê mướn thì chỉ chơi cho hết ngày. Từ ngày có "món" bi-a về làng, nhiều thanh niên đến đây để giết thời gian. Ban đầu chỉ là chơi cho đỡ buồn, ai thua thì phải trả tiền bàn. Sau rồi chẳng ai đến đây chơi với mục đích đơn thuần chỉ là giải trí nữa. Hết tiền thì về giấu vợ bán vài tạ thóc, bán buồng chuối…, có người còn đập cả lợn đất của con tiếp tục nuôi "mộng làm giàu"…
Như một hệ quả tất yếu, cá độ, cờ bạc, thậm chí xảy ra xô xát tại các quán bi-a đang làm mất dần những nét đẹp văn hóa của một môn thể thao nghệ thuật khi đưa vào kinh doanh. Tại thời điểm này, trên địa bàn tỉnh ta còn thiếu những điểm vui chơi, giải trí dành cho thanh niên, vì vậy các quán bi-a được xem là nơi thu hút đông thanh, thiếu niên nhất. Do đó, việc giữ gìn những nét văn hóa cho môn thể thao ngày một phát triển là điều cần được chú ý. Các ban, ngành chức năng cần sớm vào cuộc để giải quyết tận gốc tình trạng cờ bạc công khai thông qua môn thể thao bi-a, góp phần đem lại một sân chơi lành mạnh cho giới trẻ.
Thu Hằng