Để có được ấn phẩm báo Xuân, những người làm báo chúng tôi đã phải cố gắng thực hiện trước Tết 2 tháng. Chính vì vậy, khi tờ báo Xuân vừa in xong, ai cũng thấy mừng bởi đã đóng góp một phần nhỏ bé của mình cho Xuân thêm vui. Tuy nhiên, cũng có lúc lại cười ra... nước mắt.
Khi nhận nhiệm vụ làm báo Xuân, người viết bài gần như chưa tưởng tượng ra không khí ngày xuân năm tới nó thế nào; bánh chưng, bánh dầy, rượu, thịt... có thiếu thốn, đắt rẻ ra sao; thời tiết có rét căm căm, mưa phùn gió bấc hay nắng trang trang như những ngày nắng hạ. Đó là chưa kể lúc ấy các cơ quan, đơn vị chưa tổ chức tổng kết cuối năm nên chưa có báo cáo cụ thể về các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Cho nên, có lúc nhiều bài viết bị "phá sản", đành phải sử dụng các phương án dự phòng. Nhiều bài viết khi sắp đưa lên khuôn, đến phút cuối cũng đành phải gỡ bỏ.
Đối với phóng viên ảnh cũng vậy. Dù cả năm đã định hình sẵn cho mình những bức ảnh phản ánh khí thế lao động, kết quả qua một năm phấn đấu của cán bộ và nhân dân trong tỉnh, nhưng khi Tết gần đến, một số công trình, dự án mới được hoàn thành, thế là lại phải lao đi chụp nhanh kẻo muộn. Nhưng có nhiều lúc cũng phải trở về tay không bởi mùa đông mưa phùn, gió bấc, hiếm khi có nắng để chụp. Nhiều phóng viên ảnh đêm nào cũng ra ngắm trời, ngắm đất, cầu cho ngày mai nắng một chút để hoàn thành kế hoạch, nhưng chờ mãi hai ba ngày mà ông trời cũng chưa thương cho...
Đối với bộ phận gián tiếp như: morát, chế bản thì lại là thời điểm chạy nước rút. Đành rằng báo Xuân cũng nằm trong kế hoạch nhưng hầu hết là tăng số trang, tăng số lượng quảng cáo; mặt khác khi làm báo Xuân vẫn phải thực hiện làm các số báo ra hàng ngày, nên mật độ công việc cũng phải tăng gấp đôi, gấp ba. Nhiều anh chị em ở bộ phận gián tiếp do sức ép công việc cao nên nhiều lúc cũng rối hết cả lên, nhầm lẫn lung tung; bài viết của báo Xuân lại cho sang báo thường, ảnh một nơi, có khi lại chú thích một nẻo...
Công việc in ấn cũng vậy, từ Nhà in đến Tòa soạn báo, các số máy đều "nóng ran". Chốc chốc lại gọi nhau hỏi về số trang, số lượng phát hành, loại giấy nào, in bao nhiêu màu? Các trang bìa và quảng cáo... đã xong chưa? Xuống thăm Nhà in mới thấy công việc cũng bộn bề, sôi động; công nhân làm việc cả ba ca. Các khâu phơi bản, bình bản, in báo, gấp báo cũng rối cả lên, nhiều khi cũng nhầm lẫn, có số báo Xuân in nhầm số trang, trang 5 rồi tiếp đến trang 8, đành phải in lại.
Khổ nhất vẫn là cánh phóng viên viết bài phản ánh không khí sôi động ngày xuân. Có lần anh em viết bài, tả không khí ngày xuân trăm hoa đua nở, nắng vàng rực rỡ, chim hót líu lô. Không may Tết năm ấy trời mưa dầm nửa tháng, cả trời đất âm u, mưa phùn, gió rét, ít người dám ra đường vì rét. Năm sau bực quá, anh ta tả không khí ngày xuân rét ngọt; cụ già, trẻ em mặc áo ấm đi đón giao thừa với niềm hân hoan đón chào năm mới... Nào ngờ, mùa xuân năm ấy trời nắng to, ra đường mặc áo cộc tay; đi chơi Xuân mồ hôi vã ra như tắm; giò chả ôi thiu, mấy món thịt đông chảy hết cả... Đọc lại báo Xuân thấy mình viết sai, gặp ai cũng ngại, đành phải dở khóc... dở cười, hẹn đến Tết sau.
Gian truân, vất vả là vậy, nhưng đôi khi cũng gặp phải điều không mong muốn, làm cho cái Tết năm đó kém vui. Nhưng những người làm báo chúng tôi lấy đó làm bài học nhớ đời để cố gắng hết mình cho những trang báo viết trong những năm sau với một mong muốn nho nhỏ, đó là góp thêm một nhành xuân để tô điểm cho đời.
Xuân Tứ