Các chợ lớn như chợ Rồng, chợ Quang Trung… là nơi phản ánh trung thực sự biến động về giá của các loại hàng hóa, nhất là nhóm hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu. Nhóm hàng thực phẩm tươi sống, đặc biệt là thịt lợn tăng khá mạnh, giá 1 kg thịt thăn lên tới 100.000 đồng, thịt mông 85.000 đồng; cá chép 80.000 đồng/kg, gà ta còn sống bán ra 90.000 đồng/kg… Đa số các mặt hàng thực phẩm thiết yếu giá tăng từ 10-40%, có loại còn tăng cao trên 40%. Riêng mặt hàng rau xanh tăng nhẹ và không đáng kể. Đặc biệt, các mặt hàng công nghệ thực phẩm như: dầu ăn, bột ngọt, hạt nêm, nước chấm… tăng trung bình từ 3.000-4.000 đồng/kg hoặc 3.000-4.000 đồng/lít; sữa các loại cũng tăng từ 15-18%.
Trước sự biến động về giá, nhiều người nội trợ và cả những người có thu nhập cao đã áp dụng chính sách tiết kiệm chi tiêu cho phù hợp với thu nhập của gia đình. Bà Trần Thị Lan ở thành phố Ninh Bình cho biết: "Tiết kiệm chi tiêu là đúng, nhưng tiết kiệm mà vẫn tạo ra được bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho gia đình mới là hay. Gần đây, thay vì thói quen thường xuyên ăn thịt lợn thì gia đình chúng tôi đã thay thế bằng trứng, đậu phụ và cá". Ngay trong thành phố, nhiều người cũng đã tận dụng triệt để diện tích đất trống hay trong các thùng xốp để tự tạo cho mình vườn rau tại nhà như: cải xanh, rau muống, mồng tơi…, vừa tiết kiệm chi tiêu, vừa có rau sạch ăn. Những gia đình có con nhỏ cũng đã thay đổi một chút trong chế độ dinh dưỡng của con như chuyển từ dùng sữa ngoại sang sữa nội...
Có một điều đáng ghi nhận trong việc chung tay kiềm chế lạm phát là nhiều doanh nghiệp và các cơ sở dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã chia sẻ khó khăn với người lao động. Điển hình như nhà trọ của chị Nguyễn Thị Thủy (phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình), đến nay vẫn chưa tăng giá điện, giá thuê phòng. Chị Thủy cho biết: "Những người thuê nhà trọ đa số là lao động nghèo, sinh viên thu nhập không ổn định. Do giá thực phẩm tăng cao, nên cuộc sống của họ rất vất vả. Nếu bây giờ mà tôi tăng giá thuê phòng hay giá điện là họ gặp khó khăn ngay". Xuất phát từ tấm lòng trên, có gia đình đã gắn bó với nhà trọ của chị từ 3-4 năm. Thậm chí, có người gặp khó khăn không có tiền trả, chị cũng cho nợ đến 4-5 tháng. Tại siêu thị Hapro tại thời điểm này đang áp dụng nhiều biện pháp nhằm bình ổn giá, cố gắng hạn chế tối đa việc điều chỉnh giá nhằm góp phần kiềm chế lạm phát, bảo vệ sức mua của người tiêu dùng. Anh Nguyễn Hùng Việt, phụ trách siêu thị Hapro cho biết: Sau khi có Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, hệ thống siêu thị Hapro đã có những biện pháp nhằm kiềm chế sự tăng giá của các mặt hàng thiết yếu. Những mặt hàng tăng giá không hợp lý siêu thị kiên quyết không trưng bày sản phẩm.
Nguyễn Thơm