Bao nhiêu ngày cả nước "căng" mình chống dịch Covid-19 là bấy nhiều ngày bà Phạm Thị Đáp, ở xóm 10, xã Khánh Hồng (huyện Yên Khánh) như ngồi trên đống lửa. Cuộc sống của gia đình nghèo lại càng thêm khốn khó, vì nguồn thu nhập duy nhất từ nghề đan bèo bồng của bà Đáp cũng không còn. "Chồng và các con tôi đều bị bệnh, đau yếu quanh năm. Thành thử, gánh nặng mưu sinh cho cả gia đình chỉ biết trông chờ vào nghề đan lát của tôi. Mỗi ngày thu nhập vài chục nghìn đồng, cùng với số tiền trợ cấp hàng tháng của chồng tôi, tằn tiện lắm mới đảm bảo được mức sống tối thiểu. Nhưng từ khi dịch bệnh xảy ra, các đầu mối thu mua sản phẩm cũng tạm dừng hoạt động, tôi không còn việc để làm nữa. Cuộc sống của cả gia đình hết sức khó khăn khi chỉ biết trông chờ vào khoản tiền từ chính sách bảo trợ hàng tháng. Khoản tiền đó tôi phải tính toán thật chi ly để gia đình không lâm vào cảnh đói..."- bà Đáp cho biết.
Cũng như bà Đáp, bữa cơm của gia đình anh Phạm Văn Quỳnh, chị Trần Thị Gái và hai đứa con nhỏ ở xóm 1, xã Văn Hải (huyện Kim Sơn) giờ chỉ có bìa đậu rim mắm, một đĩa rau hái ở vườn nhà… Chị Gái cho biết, từ khi có dịch bệnh, tôi phải nghỉ ở nhà nên cuộc sống bị ảnh hưởng rất lớn. Chúng tôi chỉ biết bòn mót những thứ trong vườn nhà để chế biến món ăn, khoản tiền ít ỏi tích cóp được từ bán con lợn, con gà và đi làm thuê đều đã chi tiêu gần hết. Nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, tôi không thể đi làm thuê được thì cũng khó mà duy trì được cuộc sống như hiện tại. Vợ chồng trẻ, chịu thương, chịu khó, vợ chồng anh Quỳnh, chị Gái từng có một cuộc sống khá ổn định. Tuy nhiên, khi anh Quỳnh bị tai nạn giao thông trở thành người khuyết tật thì việc mưu sinh đều dồn cả lên vai chị Gái, gia đình chị cũng trở thành hộ nghèo. Cuộc sống vốn khó khăn nay lại càng khó khăn hơn khi chị Gái không có thu nhập nữa vì dịch bệnh.
Trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các biện pháp và gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Gói hỗ trợ với hơn 62 nghìn tỷ đồng cho khoảng 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng thụ hưởng bao gồm: Người có công với cách mạng đang hưởng chính sách ưu đãi hàng tháng; đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, hộ cận nghèo; người lao động theo chế độ hợp đồng phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động tự do, không có giao kết hợp đồng; người sử dụng lao động khó khăn về tài chính được vay 50% tiền lương tối thiểu vùng để trả lương cho người lao động; hộ kinh doanh cá thể thu nhập dưới 100 triệu đồng bị ngừng kinh doanh theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Nghị quyết cũng quy định một số chính sách khác hỗ trợ người lao động có quan hệ lao động bị ảnh hưởng sâu do dịch Covid-19. Nghị quyết cũng giao nhiệm vụ cho từng ngành, từng cấp nhằm triển khai đảm bảo nguyên tắc, yêu cầu đặt ra.
Theo đồng chí Lê Thị Lựu, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, để gói hỗ trợ nhanh chóng được triển khai đến đúng đối tượng, trước đó, UBND tỉnh cũng đã giao cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành liên quan và 8 huyện, thành phố tích cực rà soát, lập danh sách các đối tượng thụ hưởng. Về cơ bản, các đối tượng thụ hưởng của gói hỗ trợ khá bao quát và đã được xác định. Cụ thể, đối với nhóm đối tượng là người có công, người hưởng chính sách bảo trợ xã hội, nhóm hộ nghèo, cận nghèo đã được rà soát từ cuối năm 2019. Hoặc ngay khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, để chủ động nắm vững tình hình, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Công thương, Sở Du lịch, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai rà soát, lập danh sách cụ thể các đối tượng bị ảnh hưởng lớn do dịch bệnh Covid-19. Do đó, cơ bản các ngành chức năng đã nắm được các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, một bộ phận người lao động phải ngừng việc, dừng hợp đồng lao động không hưởng lương hoặc thất nghiệp… Còn đối tượng là người lao động và các hộ kinh doanh cá thể sẽ được rà soát thận trọng, đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch trong thời gian sớm nhất.
Cùng với gói hỗ trợ của Chính phủ, thời gian qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận được nhiều sự sẻ chia, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân. Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng đã làm "cầu nối" sẻ chia giữa những tấm lòng nhân ái đến với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Với truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, việc ủng hộ được thể hiện dưới nhiều hình thức như tiền mặt, thực phẩm, thuốc men… đã tiếp thêm động lực để những người có hoàn cảnh khó khăn đi qua được chặng đường gian khó. Sự đồng hành của cộng đồng đối với Chính phủ, chính quyền địa phương trong thời gian qua đã cho thấy niềm tin và tinh thần đoàn kết dân tộc, cùng chung tay để không ai bị bỏ lại phía sau. Với sức mạnh đoàn kết của cả cộng đồng, tin rằng, dịch bệnh Covid-19 sẽ sớm bị đẩy lùi.
Đào Hằng