Thành phố Ninh Bình hiện còn 7 Mẹ VNAH còn sống và được các đơn vị trên địa bàn nhận phụng dưỡng. Mẹ Trần Thị Phi, ở phường Ninh Tiến (thành phố Ninh Bình) năm nay 93 tuổi. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nhận phụng dưỡng được từ nhiều năm nay. Mẹ Phi chia sẻ, tuy các con của Mẹ không còn, nhưng từ nhiều năm nay, mẹ được các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến thành phố, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, bà con lối phố… quan tâm, động viên và luôn có mặt bên mẹ những thời khắc mẹ cảm thấy buồn nhất. Những tình cảm ấy là nguồn động viên lớn để mẹ sống vui, sống khỏe bên con cháu. đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chia sẻ: Sở vinh dự được nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH Trần Thị Phi. Chúng tôi rất xúc động khi trực tiếp được gặp gỡ, nghe Mẹ trò chuyện về những người con đã hy sinh và cuộc sống hiện tại của mẹ. Mẹ cũng chia sẻ rằng, bằng những việc làm thiết thực, ân tình của bà con lối xóm, chính quyền địa phương, các cháu thiếu nhi… đã sưởi ấm trái tim của Mẹ, nhất là những lúc trái nắng trở trời…
Phong trào phụng dưỡng, chăm sóc Mẹ VNAH cũng được huyện miền núi Nho Quan thực hiện tốt. Hiện nay, toàn huyện có 7 Mẹ VNAH còn sống, trong đó có Mẹ Nguyễn Thị Mai ở xã Phú Lộc là người cao tuổi nhất, năm nay tròn 100 tuổi. Đồng chí Quách Văn Vỹ, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nho Quan cho biết, hiện nay, tất cả các mẹ đều được các cơ quan của tỉnh và huyện nhận phụng dưỡng. Việc chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ VNAH luôn được thực hiện hiệu quả bằng những việc làm cụ thể như: thăm hỏi, động viên, trao quà, chăm sóc sức khỏe. Hàng tháng, trạm y tế xã, thị trấn phân công cán bộ y tế đến thăm, khám sức khỏe định kỳ, phát thuốc cho các Mẹ. Các trường học thường xuyên tổ chức cho giáo viên, học sinh đến thăm các Mẹ trước ngày khai giảng năm học mới và dịp tổ chức hoạt động lớn của nhà trường… Những sự quan tâm, gần gũi ấy góp phần tạo không khí ấm ấp để các Mẹ sống những tháng ngày tươi vui, khỏe mạnh bên con cháu.
Tính đến thời điểm này, tỉnh Ninh Bình có 1.076 Mẹ VNAH trong đó truy tặng 900 Mẹ, phong tặng 176 Mẹ. Tuy nhiên, hiện chỉ còn 48 Mẹ còn sống. Những năm qua, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tích cực tổng hợp, thông tin, tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định giao trách nhiệm phụng dưỡng Mẹ VNAH, có công văn hướng dẫn các đơn vị những thủ tục trong việc nhận phụng dưỡng mẹ VNAH trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tất cả các mẹ đều đã được nhận phụng dưỡng, chăm sóc. Các đơn vị phụng dưỡng luôn giữ mối liên lạc thường xuyên với thân nhân hoặc người phục vụ Bà mẹ VNAH để nắm tình hình đời sống của các Mẹ. Tùy từng điều kiện của cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện: trợ cấp thêm kinh phí hàng tháng để hỗ trợ nâng cao mức sống; thường xuyên thăm hỏi, động viên vật chất, tinh thần đối với các mẹ, đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết; phối hợp với thân nhân của các mẹ và địa phương quan tâm đến điều kiện sinh hoạt của các Mẹ ; tổ chức để các Bà mẹ cùng tham gia các chuyến thăm quan, du lịch và các hoạt động văn hóa xã hội của cơ quan, đơn vị.
Không chỉ giao trách nhiệm cho những đơn vị nhận phụng dưỡng, nhiều năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, nhân dân và các tổ chức kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đã có nhiều việc làm cụ thể, như các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Trần Quốc Toản", "áo lụa tặng bà", trong các cấp Đoàn thanh niên, phong trào "Tấm chăn ấm lòng mẹ"; "Quà tặng Mẹ" của Hội phụ nữ; phong trào xây dựng "Nhà tình nghĩa", tặng "sổ tiết kiệm", "phụng dưỡng suốt đời Mẹ VNAH" của các đoàn thể, tổ chức với sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Những việc làm đó đã khơi dậy tình cảm, trách nhiệm của nhân dân đối với những người đã hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, động viên về mặt tinh thần, giúp đỡ cải thiện đời sống vật chất, làm vơi đi những nỗi đau để các Mẹ VNAH có cuộc sống tốt hơn.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng