Nỗi đau của gia đình có hai con gái bị xâm hại
Chúng tôi tìm đến gia đình chị Nguyễn Thị Ng., ngôi nhà nhỏ nằm heo hút trong con ngõ gần nghĩa trang của xã. Đón chúng tôi là người đàn bà nhỏ thó, gân guốc, khuôn mặt nhầu nhĩ lúc nào cũng cúi xuống và người đàn ông bị bệnh tâm thần cứ đi đi lại lại quanh sân, hai tay xoa vào nhau miệng lẩm bẩm.
Trong căn nhà nhỏ được một doanh nghiệp của tỉnh hỗ trợ xây dựng từ cuối năm ngoái, tài sản chỉ có 2 chiếc giường cũ cho 5 người ngủ, khách vào nhà phải lựa chỗ mà ngồi. Gợi chuyện mãi chị Ng. mới cởi mở lòng mình. Chị kể, năm 33 tuổi, cha mẹ qua đời, các anh, chị đã yên bề gia thất, nghĩ mình cũng cần phải có một "chốn nương thân" khi về già nên chị chấp nhận gá nghĩa cùng người đàn ông cùng làng mặc dù biết anh có tiền sử về bệnh tâm thần. Lần lượt 3 đứa con ra đời thì cũng là khi chị phát hiện bệnh tâm thần của người chồng càng nặng lên. 5 miệng ăn chỉ trông vào chị nên không thể ở nhà chăm con và đành giao những đứa con đỏ hỏn cho người chồng tâm thần còn mình đi làm thuê khắp nơi. Không có ngày nghỉ thai sản, ốm đau, ai thuê gì làm nấy… nhưng bữa cơm của gia đình chị chỉ là nắm đậu và bò gạo vùi vào bếp thành nồi cháo, đủ để gia đình ăn cả ngày.
Năm tháng trôi qua, những tưởng cuộc sống khổ cực của chị sẽ bù đắp lại bằng những đứa con dần khôn lớn.Thế nhưng năm 2008, đứa con gái đầu khi ấy mới 5 tuổi bị người đàn ông 81 tuổi ngay gần nhà xâm hại tình dục. Mặc dù vụ án khi đó nhanh chóng được đưa ra pháp luật, kẻ phạm tội đã bị kết án nhưng nỗi đau của người mẹ không bao giờ nguôi ngoai, lúc nào chị cũng tự trách mình đã không bảo vệ được con.
Nghèo khó, yếu thế chính là nguyên nhân để những kẻ không có lương tâm gieo thêm những bất hạnh cho gia đình chị. Mới đây, đứa con gái thứ hai, 11 tuổi cũng bị người hàng xóm nhiễm HIV xâm hại. Chị Ng. nhớ lại: Tôi vừa đi làm về đến sân thấy 2 đứa con gái ôm nhau, mặt tái mét, mồ hôi đầm đìa, gặng hỏi mãi đứa lớn mới òa khóc "Mẹ không được đánh em con mới nói", "Đời con đã khổ, đời con N. còn khổ hơn, nó bị ông H. hiếp"… Nghe con nói xong chị Ng. gục ngã ngay tại chỗ. Chị biết ông H. nhiễm HIV nên đã nhanh chóng thay rửa cho con và trình báo sự việc với chính quyền địa phương.
Mặc dù còn nhỏ nhưng cháu T. đã nhận thức được sự việc xảy ra với mình nên sống khép kín với bạn bè và cả người thân. Đi học cháu chỉ chơi với một vài bạn và không bao giờ tham gia các hoạt động tập thể của trường lớp. Luôn mang trong mình mặc cảm cộng với gia cảnh khó khăn nên cháu T. đã nghỉ học từ năm lớp 7.
Tiếp xúc với T. ai cũng có cảm tình với 1 bé gái khỏe mạnh, nhanh nhẹn, gương mặt sáng sủa, vầng trán cao. T. tâm sự: Nhìn bạn bè cùng tuổi vẫn hàng ngày cắp sách đến trường cháu thấy tủi thân lắm, nhưng cháu không muốn đi học vì lúc nào cũng cảm giác như mọi người nhìn mình soi mói. Giờ cháu chỉ mong tìm được một công việc phù hợp để giúp đỡ gia đình.
Còn đối với cháu N., sau khi sự việc xảy ra cháu đòi bỏ học. Chị Ng. cho biết: Những ngày đầu đến trường ngày nào về cháu cũng khóc đòi bỏ học vì bị bạn bè trêu. Gia đình phải động viên rất nhiều để cháu tiếp tục theo học. "Cố gắng cho cháu học hết cấp 2 chứ nghỉ học bây giờ thì mai này khổ thân cháu", chị Ng. nói trong nước mắt.
Được biết, sau khi nhận đơn trình báo của chị Ng., Công an huyện Hoa Lư đã vào cuộc điều tra. Căn cứ tài liệu điều tra đã thu thập, ngày 4/8/2017 cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hoa Lư đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Vũ Văn H. về tội dâm ô trẻ em. Kẻ phạm tội rồi sẽ phải chịu sự xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên vẫn còn đó hậu quả nặng nề mà những bé gái và người thân đang phải gánh chịu.
Cần sự chung tay của cộng đồng
Phòng, chống xâm hại trẻ em nói chung và chống xâm hại tình dục trẻ em là trách nhiệm chung của cả cộng đồng để trẻ em được sống trong môi trường lành mạnh, đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho trẻ cả về thể chất và tinh thần. Cách phòng, chống tốt nhất đó chính là trang bị đầy đủ những kiến thức pháp luật cần thiết, kỹ năng mềm về sức khỏe giới tính cho trẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Trưởng phòng Trẻ em, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục ở tỉnh ta tập trung nhiều ở lứa tuổi THCS. Nói về nguyên nhân của các vụ xâm hại thì có rất nhiều, tuy nhiên cũng phải thẳng thắn rằng, những trẻ em ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa dễ bị xâm hại hơn bởi đối với vùng nông thôn, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên bố mẹ phải vất vả mưu sinh mà chưa có nhiều thời gian chăm sóc, quan tâm đến con trẻ.
Cũng theo bà Hằng: Qua vụ việc cháu bé ở Trường Yên bị xâm hại một lần nữa đòi hỏi vai trò của cá nhân trong cộng đồng, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và nhất là các cơ quan truyền thông cần tỏ rõ thái độ bài trừ tội phạm xâm hại trẻ em, tích cực phát hiện, lên tiếng, tạo làn sóng dư luận xã hội mạnh mẽ để thúc đẩy các các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội cùng vào cuộc. Các tổ chức xã hội, đoàn thể cần làm tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, giáo dục, vận động để các thành viên trong tổ chức và cộng đồng sống gương mẫu, không vi phạm pháp luật… Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cũng cần có nhiều hoạt động ngoại khóa nhằm trang bị cho trẻ những kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản và những kỹ năng sống cần thiết để có thể tự bảo vệ mình. Ngoài ra, vai trò của gia đình, các bậc phụ huynh có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc bảo vệ cho con em mình tránh khỏi hiểm họa xâm hại tình dục. Các phụ huynh cần gần gũi, quan tâm tới con nhiều hơn, kịp thời trao đổi, giải đáp các thắc mắc tâm sinh lý tuổi mới lớn
Từ những ý kiến và cách nhìn nhận trên, thiết nghĩ để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, các ngành, địa phương cần thực hiện tốt Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; khảo sát, thống kê số lượng trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để có biện pháp can thiệp, hỗ trợ phù hợp; tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng trong công tác bảo vệ trẻ em. Quan tâm tạo điều kiện giải quyết việc làm cho lứa tuổi thanh niên. Ngành Giáo dục tăng cường hơn nữa việc giáo dục giới tính nhằm giúp học sinh hiểu rõ được tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe giới tính, trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình.
Bảo Yến