PV: Thưa ông, ngành Nông nghiệp nhận định như thế nào về các yếu tố thuận lợi cũng như những thách thức trong vụ đông xuân năm nay?
Ông Lã Quốc Tuấn: Cùng với các chính sách của Trung ương, những năm gần đây, tỉnh Ninh Bình cũng đã chủ động ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, qua đó góp phần tạo ra nhiều chuyển biến trong sản xuất.
Đặc biệt, công tác dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng đã tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng góp phần đẩy nhanh tiến độ, giảm chi phí sản xuất. Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới về giống, phân bón, thuốc BVTV giúp nông dân có thêm nhiều sự lựa chọn để đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Chương trình khuyến nông, các chương trình kinh tế - xã hội khác cũng đã và đang tạo điều kiện tích cực cho sản xuất phát triển.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên thì sản xuất vụ đông xuân 2018-2019 này chúng ta tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn. Trước tiên là vấn đề thời tiết, biến đổi khí hậu. Thời tiết vụ đông xuân thường diễn biến rất phức tạp, theo nhận định xu thế thời tiết thủy văn vụ đông xuân 2018-2019 của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Bình: Nhiệt độ trung bình toàn mùa ở mức xấp xỉ cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN); các đợt rét đậm, rét hại có khả năng xảy ra từ 3-5 đợt; nhiệt độ thấp nhất mùa từ 7-9 độ C; lượng mưa toàn mùa xấp xỉ hoặc thấp hơn TBNN nên có thể có nguy cơ thiếu nước cục bộ tại một số địa phương.
Ngoài ra, thời tiết ấm nên diễn biến sâu bệnh ở vụ đông xuân năm nay cũng được tiên lượng sẽ rất phức tạp, đặc biệt là chuột hại và bệnh lùn sọc đen. Bên cạnh những khó khăn về khí hậu, thời tiết thì vấn đề thiếu lao động, đặc biệt là lao động trẻ, khỏe trong sản xuất nông nghiệp cũng đang là những cản trở không nhỏ đối với sản xuất vụ đông xuân này.
PV: Ông cho biết mục tiêu của vụ đông xuân năm 2018-2019 là như thế nào và những chuẩn bị của ngành Nông nghiệp đến thời điểm này?
Ông Lã Quốc Tuấn: Mục tiêu chung của vụ đông xuân năm 2018-2019 là đảm bảo an ninh lương thực, chú trọng mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, lúa nếp và nâng cao tỷ lệ nông sản hàng hóa có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác.
Bên cạnh đó, đảm bảo thời vụ để chủ động sản xuất vụ mùa và vụ đông năm 2019 đạt kế hoạch. Cụ thể, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng trên 48.700 ha cây trồng chính các loại, trong đó lúa là 40.363 ha, ngô 1.612 ha, lạc 2.648 ha, rau đậu các loại là 2.310 ha, còn lại là khoai lang, sắn, mía…
Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu trên, ngay từ đầu vụ, ngành Nông nghiệp đã triển khai việc thông tin, tuyên truyền kịp thời đến các địa phương, bà con nông dân về sự biến đổi khí hậu, về một vụ xuân ấm và các giải pháp kỹ thuật đi kèm.
Trong đó, lưu ý đến các vấn đề kỹ thuật làm đất, thời điểm gieo cấy, việc bảo vệ mạ, gieo mạ dự phòng cũng như vệ sinh đồng ruộng để phòng chống sâu bệnh đặc biệt là rầy truyền bệnh lùn sọc đen.
Bên cạnh đó, trên cơ sở điều kiện thực tế, diễn biến của thời tiết và đề xuất của chính quyền các địa phương, Sở đã xây dựng lịch thời vụ và cơ cấu giống cho từng loại cây trồng để hướng dẫn nông dân thực hiện.
Đến nay, mặc dù việc làm ải gặp nhiều khó khăn do thời tiết có nhiều đợt không khí lạnh, các đợt nắng hanh ngắn, không phơi ải được nhưng các địa phương đã chủ động đưa nước vào sớm để ngâm giầm nên về cơ bản tiến độ làm đất vẫn được đảm bảo.
Về vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất như giống, phân bón, thuốc BVTV cũng được các HTX, các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng kịp thời, đầy đủ về số lượng cũng như đảm bảo về chất lượng, giá cả.
Sở cũng đã chủ động tổ chức các đợt thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. Riêng nguồn nước cũng được Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi đảm bảo cung cấp kịp thời, phục vụ làm đất và gieo cấy.
Đặc biệt, năm nay thời tiết tương đối thuận lợi, trời rét nhưng lại có mưa ẩm nên mạ sinh trưởng phát triển tốt, khỏe, đanh dảnh, đảm bảo về chiều cao và số lá. Hiện, một số huyện có diện tích lúa xuân sớm, cấy ở vùng trũng, ngoài đê như Nho Quan, Gia Viễn, bà con đã cấy được trên 50% và dự kiến đến ngày 25/1 sẽ hoàn thành khâu gieo cấy của trà lúa này.
PV: Chuyển đổi những diện tích lúa kém hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, xây dựng các vùng sản xuất tập trung gắn với tiêu thụ là những giải pháp quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Vấn đề này được thực hiện như thế nào trong vụ sản xuất đông xuân 2018-2019, thưa ông?
Ông Lã Quốc Tuấn: Vụ đông xuân là vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm, chiếm tỉ trọng lớn về giá trị sản xuất nông nghiệp cả năm và là vụ sản xuất có nhiều yếu tố thuận lợi, nên ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương, đặc biệt là các xã điểm đẩy mạnh việc xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng hữu cơ gắn với việc liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Hướng dẫn kỹ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng về kỹ thuật "ba giảm, ba tăng", kỹ thuật thâm canh lúa cải tiển SRI, biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, hạn chế việc sử dụng thuốc BVTV tràn lan, đồng thời nâng cao hiệu quả phòng trừ dịch hại.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện việc phục tráng, phát triển các giống lúa đặc sản địa phương; tiến hành khảo sát, đánh giá tập đoàn giống lúa mới từ đó lựa chọn các giống ưu thế, phù hợp với đồng đất của Ninh Bình để khuyến cáo mở rộng trong các vụ tiếp theo.
Trên một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch để chuyển đổi sang trồng các cây trồng khác phù hợp (ngô, rau đậu, cây làm thức ăn chăn nuôi...) hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Kế hoạch chuyển đổi của các huyện, thành phố năm 2019 là 531 ha.
PV: Thời điểm hiện tại, ngành Nông nghiệp tỉnh có khuyến cáo gì đối với nông dân và các địa phương?
Ông Lã Quốc Tuấn: Trên cơ sở cơ cấu giống lúa chung của tỉnh, các địa phương căn cứ đặc điểm, thời gian sinh trưởng của từng giống lúa, lấy mốc thời điểm cho lúa trỗ tránh được điều kiện bất lợi của thời tiết để bố trí thời điểm cấy và gieo sạ phù hợp cho từng vùng, từng điều kiện cụ thể, đảm bảo gieo cấy xong trong tháng 2/2019.
Bên cạnh đó, chủ động thực hiện có hiệu quả các phương án phòng chống hạn mặn, rét đậm, rét hại; thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến các đối tượng dịch hại chính trên các cây trồng từ đó đưa ra các dự tính, dự báo và biện pháp phòng trừ kịp thời. Lưu ý đối tượng ốc bươu vàng, sâu cuốn lá, sâu đục thân và chuột hại.
Cần tranh thủ phát động chiến dịch diệt chuột và ốc bươu vàng từ sớm để chặn nguồn phát sinh sau này. Về phía nông dân, nên chuẩn bị sẵn sàng về giống và các vật tư nông nghiệp cần thiết khác để tổ chức sản xuất ngay khi điều kiện cho phép, đảm bảo khung, lịch thời vụ tốt nhất.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hà Phương (thực hiện)