Chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm Tết Năm nay dịch COVID-19 tiếp tục tác động lớn đến hoạt động kinh tế cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng nên nhiều siêu thị có kế hoạch giảm tỷ lệ hàng cao cấp mà thay vào đó là tăng nguồn hàng chất lượng, giá cả bình dân hơn để phục vụ đại trà nhu cầu người tiêu dùng. Các siêu thị trên địa bàn như Vinmart, GO... đều cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong dịp Tết, đồng thời cam kết thực hiện nhiều chương trình khuyến mại giảm giá trên nhiều mặt hàng để kích cầu tiêu dùng.
Tại Siêu thị Vinmart trên địa bàn phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình) những ngày này hàng hóa đã nhập về số lượng lớn được bày trí bắt mắt, lượng khách hàng đến mua sắm ngày một đông, nhất là những ngày nghỉ cuối tuần người dân tranh thủ mua sắm những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho gia đình. Trên kệ, những giỏ quà đa sắc màu với nhiều mệnh giá khác nhau đang đợi khách hàng "rinh về".
Năm nay, các sản phẩm mang thương hiệu Việt tại siêu thị vẫn chiếm ưu thế. Theo lãnh đạo Siêu thị Vinmart, nắm bắt được xu thế cũng như tình hình thực tế, để đảm bảo cung ứng đầy đủ và đa dạng hàng hóa với tiêu chí "Tươi ngon thượng hạng" cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Vinmart đã làm việc với các nhà cung ứng lớn ngay từ thời điểm tháng 9 và 10, chốt sản lượng cho tất cả các mặt hàng chủ lực để chuẩn bị nguồn hàng cung cấp cho thị trường. Lượng hàng nhập về đã tăng 40-50% so với lượng bán bình quân, tập trung vào các nhóm hàng tươi sống, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu, các mặt hàng thời vụ Tết. Trong dịp Tết, siêu thị tập trung tổ chức các chương trình khuyến mại lớn, tăng giá trị giỏ hàng bằng các quà tặng hấp dẫn.
Theo dự báo sức mua Tết năm nay sẽ giảm nhẹ so với cùng kỳ Tết 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người bị giảm thu nhập, tỷ lệ thất nghiệp cao dẫn đến khách hàng thắt chặt chi tiêu. Vì vậy người tiêu dùng sẽ có xu hướng chỉ tập trung chủ yếu vào các mặt hàng cơ bản như hàng tươi sống, thực phẩm thiết yếu và một số mặt hàng có tính thời vụ như bánh kẹo, bia, nước giải khát, rượu... phục vụ cho việc đón Tết.
Đang mua sắm thực phẩm cho gia đình, chị Đặng Thị Chiêm ở thành phố Ninh Bình cho biết: Tranh thủ ngày nghỉ tôi đi xem và chuẩn bị mua sắm Tết. Tại đây hàng hóa đảm bảo, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và giá cả hợp lý nên tôi luôn lựa chọn nơi đây để mua sắm nhu yếu phẩm. Chỉ còn hơn nửa tháng nữa là đến Tết nhưng tranh thủ ngày nghỉ tôi cũng mua sắm luôn những mặt hàng cần thiết dự trữ mấy ngày Tết như: Nước mắm, gạo, mì chính, miến. Những năm gần đây, gia đình tôi chủ yếu tiêu dùng hàng Việt bởi giá thành phù hợp, chất lượng tốt.
Còn tại Siêu thị GO! Ninh Bình, bước vào dịp cao điểm mùa mua sắm Tết Nhâm Dần, siêu thị mang đến cho khách hàng nhiều trải nghiệm dịch vụ mới với chất lượng hàng đầu, đảm bảo 3 tiêu chí: thực phẩm hữu cơ tươi sống đa dạng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng uy tín và đặc biệt là phục vụ khách hàng tận tâm. Siêu thị cũng triển khai chương trình khuyến mãi "Giá luôn luôn thấp", áp dụng với hơn 7.000 sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, cam kết không tăng giá bán Tết, đối với hơn 10.000 sản phẩm tiêu dùng nhanh. Các chương trình này được siêu thị GO! Ninh Bình áp dụng với hàng ngàn sản phẩm như: bánh kẹo, mứt Tết, bia rượu, nước giải khát, đồ trang trí Tết, đồ gia dụng, điện tử, điện máy, quần áo thời trang.
Đặc biệt nhiều giỏ quà Tết với nhiều loại sản phẩm từ đồ uống, bánh kẹo, trái cây nhập khẩu đến các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và đồ dùng gia đình với giá cả hợp lý, chỉ từ 99.000 - 3.000.000 đồng/giỏ... Như vậy để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, thời gian qua nhiều đơn vị cũng đã chủ động liên kết, hình thành các chuỗi cung ứng hàng hóa từ sản xuất đến lưu thông để đảm bảo nguồn hàng phong phú, đa dạng, giá cả ổn định phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết. Chấp hành nghiêm việc đăng ký giá, kê khai giá đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá.
Nhằm chủ động triển khai nhiệm vụ đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, ngày 1/12/2021, Sở Công thương đã ban hành Kế hoạch triển khai các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán.
Để triển khai thực hiện Kế hoạch trên, Sở đã chỉ đạo, đôn đốc các phòng Kinh tế/Kinh tế hạ tầng các huyện, thành phố; các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; các phòng, đơn vị trực thuộc Sở triển khai Kế hoạch theo chức năng nhiệm vụ của mình nhằm đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định thị trường không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, khan hàng, hàng hóa tăng giá đột biến, nhất là các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu cao trong dịp Tết; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Các hoạt động khuyến khích lưu thông hàng hóa được Sở Công thương tập trung triển khai thực hiện vào dịp cuối năm bao gồm: các hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm hàng hóa tiêu dùng, triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Chương trình khuyến mại tập trung, trong đó, kết hợp các hoạt động thương mại truyền thống và thương mại điện tử để tạo sức lan tỏa và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong mọi lĩnh vực.
Trong tháng 12, Sở đã tiếp nhận và giải quyết 1.624 hồ sơ khuyến mại với tổng giá trị hàng hóa trên 500 tỷ đồng. Thực hiện chương trình bình ổn thị trường, giá cả thời gian trước, trong và sau Tết đang được Sở Công thương triển khai thực hiện. Dự kiến tổng số điểm bán hàng bình ổn giá là 100 điểm, phân bổ tại địa bàn vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang; các mặt hàng bình ổn giá do Việt Nam sản xuất hợp thị hiếu người tiêu dùng, tập trung vào các mặt hàng thực phẩm công nghệ, thực phẩm chế biến. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối và cơ sở sản xuất, kinh doanh đã có phương án cung ứng hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Tại thời điểm hiện tại, do tình hình dịch COVID-19 vẫn đang được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội ở trạng thái bình thường mới, nên sức mua hàng tiêu dùng, hàng thiết yếu bắt đầu tăng, tuy nhiên giá cả các mặt hàng thiết yếu không những không tăng mà còn giảm nhẹ do nguồn cung đáp ứng tốt, chủng loại hàng hóa trên thị trường đa dạng, phong phú. Thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh ổn định.
Trong thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các phòng, đơn vị trực thuộc thường xuyên chủ động theo dõi diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa; tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm, các đại lý bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị...để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp điều tiết nhằm bình ổn thị trường, giá cả hàng hóa.
Tiến Đạt