Dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến hoạt động kinh doanh du lịch, vận tải, bán lẻ, ngoại thương... Theo số liệu thống kê của Sở Công thương, trong tháng 3, doanh thu bán lẻ hàng hóa toàn tỉnh ước đạt gần 2.168,1 tỷ đồng, giảm 7,6% so với cùng tháng năm trước. Tính chung lại, tổng mức bán lẻ hàng hóa toàn tỉnh trong quý I năm nay ước đạt trên 6.967,4 tỷ đồng, giảm 1,2% so với quý I/2019. Nhiều nhóm hàng có tổng mức bán lẻ giảm như: Hàng may mặc ước đạt 519 tỷ đồng, giảm 9,3%; phương tiện đi lại (kể cả phụ tùng) 510,8 tỷ đồng, giảm 9,3%; xăng, dầu các loại 645,8 tỷ đồng, giảm 7,7%; ô tô các loại 346 tỷ đồng, giảm 4,1%...
Nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp các hoạt động sản xuất, kinh doanh và bị đứt gãy một số chuỗi cung ứng về đầu vào và tiêu thụ đầu ra, nhất là trong ngành nông sản, dịch vụ du lịch, bán lẻ... Trước tình hình đó, Sở Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp đầu mối, các siêu thị và trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh chuẩn bị đủ nguồn hàng cung ứng ra thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu, chuẩn bị cho tình huống xấu về dịch bệnh có thể xảy ra.
Trên cơ sở đánh giá dân số, nhu cầu tiêu dùng, thói quen mua sắm và đặc điểm hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh, Sở Công thương cũng đã xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu ứng phó với dịch COVID-19 theo đúng kịch bản lượng hàng hóa tăng từ 30-50% so với nhu cầu bình thường của người dân trên địa bàn tỉnh trong 1 tháng. Cụ thể, lượng dự phòng gạo là 5 nghìn tấn, thịt lợn 1,3 nghìn tấn, thịt gia cầm 300 tấn, trứng gia cầm 6 triệu quả, rau củ quả 510 tấn, hải sản đông lạnh 250 tấn, sản phẩm chế biến từ ngũ cốc 50 triệu gói.
Các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn cũng báo cáo do hạn chế về vốn, thời hạn sử dụng và việc bảo quản sản phẩm nên các doanh nghiệp chỉ dự trữ một lượng hàng nhất định. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, bán lẻ hàng hóa thiết yếu trên địa bàn cam kết cung ứng đủ hàng hóa, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân, thực hiện việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, không găm hàng, đầu cơ, tăng giá gây bất ổn thị trường.
Bên cạnh đó, tuyên truyền, tư vấn người dân không cần thiết mua tích trữ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm với số lượng lớn, chỉ nên mua với số lượng đủ dùng để đảm bảo sinh hoạt thiết yếu cho gia đình hàng ngày. Đặc biệt, ứng dụng các giải pháp bán hàng online hoặc qua điện thoại và giao hàng trực tiếp đến địa chỉ khách đặt mua hàng hóa để tạo thuận lợi cho người dân đặt mua hàng hóa tại nhà, tránh trường hợp tập trung đông người mua hàng trong cùng thời điểm dễ dẫn đến là nguồn phát sinh, lây lan dịch bệnh COVID-19.
Trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, vận động cộng đồng doanh nghiệp, các trung tâm thương mại, siêu thị, đầu mối phân phối tham gia triển khai ngay các biện pháp để hỗ trợ, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trong tỉnh. Kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình cung ứng hàng hóa.
Bảo Yến