Điều đáng ghi nhận trước thềm Đại lễ là công tác chuẩn bị được thực hiện khẩn trương nhưng chặt chẽ, tỉ mỉ. Từ chiều ngày 7-5,những chuyến xe cuối cùng chở vật tư, thiết bị kỹ thuật thiết yếu có mặt tại chùa Bái Đính, từ kết nối thiết bị, đường mạng, đường truyền riêng phục vụ truyền hình trực tiếp, đường điện, âm thanh phục vụ màn chiếu ngoài trời… tất cả đã sẵn sàng. Ngay từ sáng sớm ngày khai mạc, dòng người về với Bái Đính trở nên đông hơn bao giờ hết. Trên gương mặt các đại biểu của các phái đoàn quốc tế về với chùa Bái Đính dự Vesak 2014 ai cũng tỏ rõ niềm hân hoan, thành kính. Có những phật tử đến từ những nơi địa đầu Tổ quốc hay miền núi xa xôi cũng đã có mặt từ sớm. Bác Nguyễn Văn Nam đến từ tỉnh Đắc Lắc cho biết: Tôi đến Ninh Bình từ ngày 7-5 và thật ngỡ ngàng, choáng ngợp trước khung cảnh của chùa Bái Đính, đồng thời cảm nhận được sự đón tiếp nồng hậu, chân thành của người dân địa phương. Tin rằng với sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, Đại lễ Vesak 2014 sẽ thành công và để lại nhiều dấu ấn trong lòng phật tử và du khách.
Trước giờ khai mạc, các tình nguyện viên, mỗi người một việc, rất nhiệt tình hướng dẫn, đảm bảo cho các đại biểu tham dự Đại lễ một cách thuận lợi. Công tác an ninh trật tự được tổ chức hết sức nghiêm ngặt. Ngay trước lối chính vào Hội trường Trung tâm, lực lượng an ninh túc trực hai bên, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đại biểu về dự Đại lễ. Bên trong Hội trường Trung tâm, hàng chục tình nguyện viên được phân công chi tiết nhiệm vụ tiếp đón các đoàn đại biểu.
Một trong những hoạt động quan trọng nhất của Đại lễ là chương trình khai mạc với nhiều thông điệp ý nghĩa. Lễ khai mạc có sự hiện diện của các vị đại biểu quan khách quốc tế, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã cho thấy Nhà nước Việt Nam rất quan tâm và tôn trọng những giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, trong đó có Phật giáo mang lại cho đời sống xã hội. Với đông đảo đại biểu dự Đại lễ, mỗi người là một sứ giả của thiện chí, của hòa bình, từ Đại lễ sẽ tiếp thêm cho mỗi người sức mạnh và sự quyết tâm để tiếp tục đưa chính pháp của Đức Phật vào đời sống xã hội, vì tương lai tươi sáng và tốt đẹp của nhân loại.
Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2014 có chủ đề "Phật giáo góp phần thực hiện thành công các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc". Trong phần lớn thời gian diễn ra Đại lễ, ngoài việc lắng nghe thông điệp Vesak từ các vị Tăng thống Phật giáo, đại diện Liên hợp quốc, lãnh đạo UNESCO, các tổng thống, thủ tướng, đại sứ, các đại biểu đã cùng chia sẻ cách tiếp cận và giải pháp Phật giáo nhằm hồi đáp lại 8 mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc: Xóa bỏ nghèo khổ, đói kém và chiến tranh; Phổ cập giáo dục tiểu học cho trẻ em; Tăng cường bình đẳng giới tính, nâng cao vị thế phụ nữ trong xã hội; Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; Nâng cao sức khỏe cho các bà mẹ; Phòng và chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác; Đảm bảo bền vững môi trường; Thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu vì mục tiêu phát triển.
Trong khuôn khổ Đại lễ còn có nhiều diễn đàn thể hiện sự hồi ứng của Phật giáo về các mục tiêu thiên niên kỷ như: Hồi ứng Phật giáo về phát triển bền vững và thay đổi xã hội; Hồi ứng của Phật giáo đối với hâm nóng toàn cầu và bảo vệ môi trường; Đóng góp của Phật giáo về lối sống lành mạnh; Xây dựng hòa bình và sự bình phục hậu-mâu thuẫn; Giáo dục Phật giáo và chương trình cấp đại học; Văn hóa và công nghệ Phật giáo: Các chiến lược nghiên cứu mới; diễn đàn tiếng Việt: "Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc". Ngoài ra, các đại biểu còn tham dự và trải nghiệm các hoạt động văn hóa bao gồm triển lãm văn hóa Phật giáo đương đại, các vũ điệu Phật giáo thế giới, hội chợ văn hóa Phật giáo, diễu hành xe hoa, khóa tụng kinh và lễ thắp nến cầu nguyện hòa bình, đàn lễ dâng cúng mười phương Phật....
Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc được tổ chức hàng năm với sự tham gia của đông đảo các tông phái Phật giáo đến từ nhiều quốc gia trên thế giới là cơ hội, là nhịp cầu giúp cho tất cả những người có tín ngưỡng Phật giáo được gặp gỡ nhau để tưởng niệm, tôn vinh Đức Phật nhân 3 sự kiện rất quan trọng trong thân thế và sự nghiệp của Ngài là Đức Phật đản sinh, Đức Phật thành đạo và Đức Phật nhập Niết-bàn, đồng thời chia sẻ và động viên nhau nhất tâm học tập, làm việc để đưa những tư tưởng tiến bộ của Đức Phật vào cuộc sống của xã hội hôm nay, để hướng tới một cuộc sống giảm thiểu xung đột và khổ đau, xây dựng một xã hội phát triển trong hòa bình và an lạc.
Ngày khai mạc Đại lễ đã thành công tốt đẹp và hứa hẹn những thành công tiếp theo ở các diễn đàn và các chuỗi sự kiện văn hóa khác. Với các hoạt động diễn ra trong những ngày Đại lễ Vesak 2014, hy vọng các tăng ni, phật tử và du khách thập phương sẽ có thêm góc nhìn mới về vùng đất tươi đẹp sơn thủy hữu tình và sẽ cảm nhận tình cảm chân thành, nhân hậu và sự mến khách thắm tình hữu nghị, hợp tác của Việt Nam nói chung, nhân dân tỉnh Ninh Bình nói riêng.
Duy Hiền - Mai Lan