Tại Trường Mầm non Nghĩa Sơn, xã Nghĩa Sơn (sáp nhập từ xã Nghĩa Lạc, Nghĩa Sơn của huyện Nghĩa Hưng cũ), không khí sôi động trong các hoạt động vận động, thể chất của trẻ cho thấy sự hào hứng, say mê của các em nhỏ khi được tham gia các trò chơi phù hợp lứa tuổi. Ngoài xây dựng giờ học vận động, phút vận động trong mỗi tuần học, mỗi ngày học nhà trường còn tổ chức cho các em các buổi vận động ngoài trời bằng việc tham gia các trò chơi dân gian như: Kéo co, cướp cờ, mèo đuổi chuột; tham gia một số bộ đồ chơi ngoài trời liên hoàn phát triển vận động như: thang leo, bật sâu, bật xa, đi theo đường zíc zắc... thu hút sự hứng khởi tham gia của các em, tạo điều kiện cho trẻ rèn luyện thể lực, sự nhanh nhẹn, khéo léo và khả năng phối hợp các giác quan.
Phương châm “học mà chơi, chơi mà học” được nhà trường kiên trì thực hiện, góp phần mang lại hiệu quả cao trong giáo dục vận động. Mỗi tiết học thể chất không chỉ tạo không khí vui vẻ, sôi nổi mà còn giúp trẻ rèn luyện các nhóm cơ, phát triển chiều cao, cân nặng, nâng cao thể lực. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tăng cường công tác tuyên truyền tới phụ huynh, khuyến khích các gia đình tạo điều kiện cho trẻ được vận động sau giờ học, tham gia các hoạt động ngoài trời nhằm phát triển kỹ năng tự lập, tăng sức đề kháng và hình thành lối sống lành mạnh.
Ngoài việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, Trường Mầm non Nghĩa Sơn còn đầu tư xây dựng môi trường giáo dục thể chất đa dạng, khoa học. Giáo viên tích cực sáng tạo đồ dùng, đồ chơi vận động từ nguyên vật liệu tái chế như lốp xe, chai nhựa, hạt khô… Các khu vực vui chơi trong và ngoài lớp học được bố trí hợp lý, đảm bảo an toàn và phù hợp với từng nhóm tuổi. Nhờ sự quan tâm, chăm sóc toàn diện, tỷ lệ trẻ phát triển bình thường về cân nặng và chiều cao tại nhà trường luôn ở mức cao: đối với khối mẫu giáo đạt khoảng 95%, khối nhà trẻ đạt 98%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân dưới 2% và không có trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi.
Tại Trường Mầm non Tân Thành, xã Lai Thành (sáp nhập từ các xã Yên Lộc, Tân Thành và Lai Thành thuộc huyện Kim Sơn cũ), giáo dục thể chất được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Mỗi ngày, các lớp đều duy trì hoạt động ngoài trời, các trò chơi vận động nhẹ trong giờ chuyển tiếp. Giáo viên tổ chức cho trẻ thực hiện các vận động theo chủ đề như ném bóng, đi thăng bằng, leo thang, bật nhảy..., góp phần phát triển toàn diện thể lực và kỹ năng phối hợp tay-mắt, sự khéo léo trong vận động. Các thiết bị luyện tập được nhà trường lựa chọn kỹ lưỡng, đảm bảo độ bền, độ an toàn và phù hợp với từng độ tuổi.
Ngay từ đầu năm học, cán bộ quản lý và giáo viên nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục thể chất, lựa chọn nội dung vận động phù hợp, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa để nâng cấp cơ sở vật chất, cải tạo sân chơi, trồng cây xanh tạo cảnh quan thân thiện, bổ sung thêm đồ chơi ngoài trời. Nhờ đó, năm học 2024-2025, 100% trẻ đến trường được kiểm tra sức khỏe định kỳ, với tỷ lệ trẻ có cân nặng bình thường ở khối nhà trẻ đạt 100%, khối mẫu giáo đạt 97,4%; trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi chỉ chiếm 0,5% mỗi loại; trẻ thừa cân, béo phì chiếm 2,06%.
Những năm học gần đây, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình đã triển khai hiệu quả chuyên đề "Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non". 100% các trường mầm non trên địa bàn đều có sân chơi (trong nhà và ngoài trời), có tối thiểu 5 loại đồ chơi vận động ngoài trời, tổ chức các hoạt động giáo dục thể chất theo hướng tích hợp, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ.
Đối với trẻ 24-36 tháng tuổi, các hoạt động vận động chủ yếu tập trung vào các nhóm cơ và hô hấp với các động tác như thở, vận động tay, chân, vai… Trẻ từ 3-5 tuổi được mở rộng bài tập, kết hợp với các trò chơi vận động mang tính phối hợp cao, đòi hỏi sự linh hoạt và tư duy phản xạ. Các hoạt động vận động không chỉ giúp trẻ phát triển thể chất mà còn rèn luyện tính tổ chức, kỷ luật, tính trung thực, tự tin và kỹ năng sống cơ bản.
Cùng với đó, các yếu tố hỗ trợ giáo dục thể chất như chế độ dinh dưỡng, vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể và thiết bị học tập cũng được chú trọng. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng hàng nghìn nhà thể chất đa năng có mái che ngoài trời, phòng âm nhạc kết hợp giáo dục thể chất, cải tạo sân chơi, trồng thảm cỏ, bổ sung thiết bị đồ dùng đa năng cho trẻ vận động an toàn, hiệu quả.
Thực tế cho thấy, việc chú trọng giáo dục phát triển thể chất cho trẻ mầm non không chỉ góp phần nâng cao thể lực, kích thích sự phát triển các giác quan và chức năng tâm - sinh lý, mà còn hình thành cho trẻ những năng lực, phẩm chất và kỹ năng sống nền tảng. Quan trọng hơn, từ các hoạt động này, trẻ dần hình thành ý thức giữ gìn sức khỏe và lối sống khoa học ngay từ những năm tháng đầu đời.