G
ặp chúng tôi, ông cười và cho biết: Tôi vừa ra đồng về. Lúa đang độ đẻ nhánh, phải thường xuyên thăm đồng để nắm bắt tình hình sâu bệnh. Đây đã là vụ thứ 5, các xã viên của HTX Hợp Tiến thực hiện phương pháp gieo sạ lúa, hiệu quả rõ rệt hơn hẳn so với phương pháp cấy truyền thống. Đó là kết quả sau những ngày mà ông Tuấn cùng cộng sự dầm mưa, dãi nắng đi vận động các xã viên áp dụng hình thức gieo sạ. Thời gian đầu, nhiều gia đình gặp khó khăn khi sử dụng phương pháp mới, thậm chí mất nhiều sức lao động hơn so với cấy. Nhưng là người đứng đầu HTX, ông Tuấn quyết không nản chí. Cuối mỗi đợt gieo trồng, ông cùng xã viên họp bàn, đúc rút kinh nghiệm, đến nay các xã viên đã thành thục kỹ năng gieo sạ, giảm được rất nhiều công lao động. Ông tự hào chia sẻ: Đến bây giờ, một lao động có thể đảm nhiệm gieo cấy 5 - 6 sào ruộng/ngày. Gieo sạ, gieo vãi là phương thức canh tác không mới, nhưng nhờ việc áp dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật đã trở thành bước tiến lớn trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, quá trình xây dựng nông thôn mới tại Khánh Nhạc đã giúp sản xuất nông nghiệp ở đây khởi sắc. Máy gặt, máy tuốt lúa đến tận bờ đã tạo thuận tiện và chuyên nghiệp mà nhiều người làm nông nghiệp lâu năm cũng không ngờ tới. Nhiều người trước đây bỏ ruộng đi kiếm nguồn sinh kế khác đã quay về, nhận lại ruộng. Đây là niềm vui cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh nói chung và cũng là niềm vui đối với ông chủ nhiệm HTX Hợp Tiến nói riêng.Gắn bó với nghề nông từ khi còn bé, ông Tuấn luôn trăn trở: Sản xuất nông nghiệp đơn thuần cho thu nhập thấp, cần phải chuyển đổi sang trồng các loại cây khác cho giá trị cao hơn. Nhưng trồng cây gì, làm thế nào để phù hợp với điều kiện tự nhiên nơi đây là những câu hỏi khó trả lời. Với quyết tâm làm giàu trên chính đồng ruộng quê hương, ông Tuấn cùng 5 hộ khác thuê lại gần 12ha của những gia đình không còn lao động nông nghiệp. Khoảng 7-8ha dùng để trồng lúa, phần còn lại dùng để trồng màu. Từng có người bảo ông "khùng" vì trồng cây màu trên vùng đất trũng. Nhưng, với trình độ của kỹ sư nông nghiệp và niềm đam mê, ý chí làm giàu, ông đã vượt qua mọi khó khăn.
Đến nay, với khoảng 2ha trồng cà chua bi ông đã thu hoạch được khoảng 40 tấn, thu về khoảng 200 triệu đồng. Đây là thành công bước đầu trong việc nâng cao giá trị sản xuất trên ha canh tác nông nghiệp của ông Tuấn. Trên diện tích gần 12ha trên còn có khoảng 2ha trồng ngô. Cây sinh trưởng và phát triển tốt, hiện nay đang trỗ bông. Diện tích trồng lúa cũng cho giá trị từ 70 - 80 triệu đồng/ha.
Chia sẻ về bí quyết thành công, ông Tuấn cho biết: Sản xuất nông nghiệp ở ta còn lạc hậu là do người dân chưa tiếp cận được với những ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại. Trong mô hình sản xuất này, tôi đã thiết kế và áp dụng nhiều phương pháp kỹ thuật. Ví dụ như xung quanh mỗi bờ ruộng, tôi cho lắp một hệ thống đường ống dẫn từ bể to. Khi muốn tưới nước, bón phân hay phun thuốc bảo vệ thực vật, chỉ cần hòa vào bể to, nước sẽ theo đường ống đi khắp ruộng. Riêng việc dùng thuốc bảo vệ thực vật, tôi theo dõi nghiêm ngặt thời gian phun, thời gian thuốc bay hơi để đảm bảo nông sản khi bán ra được được an toàn.
Từ những thành công đã đạt được, năm nay ông Tuấn dự định tạm dừng sản xuất một vụ để nâng luống, trồng cà chua trái vụ vào khoảng tháng 8. Hiện ông còn đang nung nấu ý tưởng trồng thử nghiệm cây cam đường vì năng suất và giá trị sản phẩm cao. Với cương vị là chủ nhiệm HTX, trong cách nghĩ và cách làm của ông Tuấn thực sự đã trở thành tấm gương để các xã viên noi theo.
Thái Học