Năm 2018, có 9 cơn bão và 7 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó tỉnh Ninh Bình chịu ảnh hưởng trực tiếp của 2 cơn bão (cơn bão số 3 và cơn bão số 4) và hoàn lưu của 2 vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão số 5 và cơn bão số 6.
Đặc biệt, do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 3, khu vực tỉnh ta đã có mưa to đến rất to, mưa trên diện rộng và kéo dài. Lượng mưa lớn đã làm xuất hiện lũ trên sông Hoàng Long, có lúc lũ đạt đỉnh tại Bến Đế ở mức 4,14 m, vượt báo động III là 0,14m.
Về không khí lạnh, tỉnh ta cũng chịu ảnh hưởng của 4 đợt rét đậm, rét hại kéo dài, có những ngày nhiệt độ thấp nhất tại Cúc Phương 7,6oC. Đối với nắng nóng, năm 2018, có 5 đợt nắng nóng trên diện rộng, gây ra nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao nhất là 41,1oC tại Nho Quan vào ngày 05/7....
Bước sang năm 2019, ngay từ ngày 1/1, cơn bão số 1 có tên quốc tế là PABUK đã hình thành trên biển Đông. Đây là cơn bão hình thành rất sớm và dường như là trái với quy luật bão gió từ nhiều năm nay.
Trong những ngày cuối tháng 6 vừa qua, nắng nóng kéo dài ở khu vực Đông Bắc Bộ và miền Trung nên nhiều nơi xảy ra tình trạng hạn hán và cháy rừng. ở tỉnh Ninh Bình, nắng nóng có những lúc lên đến hơn 39-40oC và đã xảy ra vụ cháy rừng tại núi Vụng Quao xã Trường Yên (Hoa Lư).
Tiếp đến là cơn bão số 2 vừa qua đã đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh duyên hải đồng bằng Bắc bộ gây thiệt hại và ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động kinh tế- xã hội của nhiều địa phương. Thiên tai hàng gây thiệt hại rất lớn về người và của.
Chỉ tính trong năm 2018, mặc dù thiệt hại do thiên tai đã giảm so với năm trước nhưng có 218 người chết và mất tích, thiệt hại khoảng 20 nghìn tỷ đồng. Đối với tỉnh Ninh Bình, trong năm 2018, thiên tai đã gây thiệt hại về tài sản và sản xuất cho các địa phương trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng 197,15 tỷ đồng.
Trước tình hình thời tiết, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường; tỉnh Ninh Bình là một trong những tỉnh trọng điểm khi các cơn bão đổ bộ vào khu vực đồng bằng sông Hồng, là địa phương có vùng phân lũ, chậm lũ và đồng thời có nhiều nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Do vậy, các cấp, các ngành cần phải nắm chắc tình hình địa bàn, chủ động ứng phó, phòng chống thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Những hình thái thiên tai chủ yếu mà tỉnh ta cần chủ động đề phòng là; bão mạnh và siêu bão; mưa lớn trên diện rộng; lũ cao trên các triền sông và nước dâng vùng ven biển; vùng núi có thể có lũ quét và sạt lở đất; hạn hán, xâm nhập mặn, giông lốc, nắng nóng, gió mùa...
Phương châm chỉ đạo trong công tác phòng, chống thiên tai là chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục có hiệu quả ảnh hưởng của thiên tai, trong đó, lấy phòng là chính. Mục tiêu là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình phòng, chống thiên tai và bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Hiện nay đang là mùa mưa, bão năm 2019. Để làm tốt công tác phòng chống thiên tai, trước hết trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn các cấp từ tỉnh đến xã, phường cần thường xuyên được kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể và duy trì nghiêm nền nếp trực, sẵn sàng hoạt động khi có tình huống xảy ra.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật Phòng chống thiên tai và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức và mọi người dân. Thường xuyên kiểm tra đê, kè cống, hồ đập và các trọng điểm xung yếu để phát hiện và xử lý, gia cố các công trình phòng chống bão, lũ.
Rà soát các phương án bảo vệ nhà cửa, công sở, trường học, bệnh viện, công trình thủy lợi đê điều, cơ sở kinh tế, anh ninh, quốc phòng, bến bãi, khu nuôi trồng thủy sản khi có bão và áp thấp nhiệt đới xảy ra. Có phương án sơ tán dân sinh sống ở khu vực nguy hiểm vùng sát mép nước, vùng cửa sông, vùng bị ngập lụt do nước biển dâng và phương án đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tàu thuyền trên biển, trên sông.
Thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", kiểm tra, đôn đốc các địa phương về công tác chuẩn bị cả nhân lực, vật lực, bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng theo phương án phòng chống lụt bão đã được phê duyệt. Trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng các tổ, đội xung kích phòng, chống thiên tai ở từng xã, thôn, bản gắn với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt để chủ động ứng phó, khắc phục thiên tai ngay từ giờ đầu.
Các huyện, thành phố cần chủ động phối hợp với ngành Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị Quân đội, Công an, Bộ đội Biên phòng xây dựng phương án, tổ chức luyện tập phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đê điều, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp làm tốt công tác bảo vệ đê điều. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều và các hoạt động gây cản trở dòng chảy khi thoát lũ trên các tuyến sông.
Nguyễn Đông