Chủ động ứng phó, hành động sớm, tăng cường chống chịu với thiên tai
Thứ Bảy, 10/05/2025, 06:07
Zalo
Những năm gần đây, thiên tai ngày càng diễn biến bất thường và khốc liệt, tỉnh Ninh Bình cũng không nằm ngoài xu thế chung này. Phóng viên Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Ninh Bình có cuộc phỏng vấn đồng chí Đinh Văn Khiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường xung quanh nội dung này.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án xây dựng, nâng cấp Trạm bơm Gia Trấn (Gia Viễn). Ảnh: Đức Lam
Phóng viên:Xin đồng chí cho biết tình hình thiên tai đã gây ra những thiệt hại như thế nào trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2024?
Đồng chí (Đ/c) Đinh Văn Khiêm: Thiên tai luôn là loại hình gây thiệt hại cho tính mạng và tài sản của một quốc gia nhiều hơn bất cứ loại hình nào. Theo Văn phòng Giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc, trong vòng 20 năm qua, trên toàn thế giới, các loại hình thiên tai đã tăng lên khoảng 75%, làm hơn 1 triệu người thiệt mạng và ảnh hưởng đến hơn 4 tỷ người, thiệt hại kinh tế gần 3 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu.
Những năm gần đây, thiên tai diễn ra ngày càng nghiêm trọng trên cả nước, không theo quy luật, khó dự báo, xảy ra không theo mùa mà ở tất cả các thời điểm trong năm, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Ninh Bình cũng không phải là ngoại lệ, với địa hình phức tạp, có cả vùng đồi núi, chiêm trũng, bên cạnh đó là nhiều con sông lớn và 18 km bờ biển, do vậy Ninh Bình chịu tác động đa dạng các loại hình thiên tai: Bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, mưa lớn, sét, sạt lở, hạn hán, nắng nóng, rét hại, xâm nhập mặn... Điều này đã và đang để lại những hệ lụy nhiều mặt về kinh tế-xã hội.
Riêng năm 2024, đánh dấu một năm đối mặt với nhiều thách thức do thiên tai cực đoan tại Việt Nam cũng như Ninh Bình. Đáng chú ý nhất là bão số 3 (Yagi), đây là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trên biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền. Tỉnh ta tuy không nằm trong tâm bão, không bị ảnh hưởng nặng như các địa phương khác, nhưng lượng mưa lớn cộng với lũ trên thượng nguồn đổ về đã trực tiếp gây áp lực lên các tuyến đê trọng điểm của tỉnh (trên các sông Hoàng Long, sông Đáy đều xuất hiện mực nước lũ trên báo động 3), đe dọa đến sự an toàn và đời sống của hàng chục nghìn hộ dân.
Thống kê trên địa bàn toàn tỉnh, đã có gần 5 nghìn ngôi nhà bị ngập, hơn 2 nghìn ha lúa, 300 ha hoa màu, 100 ha cây lâu năm bị ảnh hưởng, cùng nhiều km đê bị hư hại, sạt lở. Ước tính thiệt hại khoảng hơn 376 tỷ đồng.
Phóng viên:Từ công tác phòng, chống thiên tai năm 2024, chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm nào để có thể làm tốt hơn những năm tiếp theo?
Đ/c Đinh Văn Khiêm: Thiên tai năm 2024, nhất là bão số 3 đi qua để lại những bài học lớn về tổ chức, chỉ đạo phối hợp liên ngành PCTT liên quan đến thể chế, hạ tầng, nhân lực… Có thể thấy, bằng việc tập trung phân tích, đánh giá tình hình trên cơ sở khoa học-thực tiễn; bình tĩnh xử lý các tình huống theo phương án, kịch bản đề ra; chỉ đạo bố trí lực lượng kiểm tra theo dõi đê toàn tuyến 24/24 giờ. Có phương án xử lý ngay những điểm xung yếu; chỉ đạo vận hành hiệu quả các công trình phân lũ, chậm lũ...
Đặc biệt là tinh thần chủ động, trên dưới đồng lòng, khẩn trương, quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tỉnh Ninh Bình đã ứng phó hiệu quả với mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân.
Tuy nhiên, trên thực tế cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác thống kê đánh giá thiệt hại sau thiên tai của một số địa phương còn chậm, chưa kịp thời. Công tác dự phòng vật tư, trang thiết bị phương tiện, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ yêu cầu “4 tại chỗ” còn thiếu so với nhu cầu; một số trang thiết bị đặc chủng như xuồng máy, ôtô, máy phát điện, … thiếu, gây khó khăn cho huy động lực lượng, đảm bảo thông tin liên lạc, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức PCTT&TKCN cho cán bộ, lực lượng xung kích và người dân còn ở mức độ nhất định, đâu đó vẫn còn xuất hiện tâm lý chủ quan.
Công trình âu Kim Đài (Kim Sơn) phục vụ ngăn mặn giữ ngọt và ứng phó với tác động nước biển dâng cho khu vực nam tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Anh Tuấn
Phóng viên:Đồng chí nhận định như thế nào về tình hình thiên tai trong năm 2025?
Đ/c Đinh Văn Khiêm: Năm 2025, theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn Ninh Bình, hiện tượng ENSO đang trong điều kiện trung tính và có khả năng duy trì trạng thái trung tính với xác suất từ 70-90% (từ tháng 5 đến tháng 7). Bão và Áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông có khả năng ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (10-12 cơn). Tỉnh Ninh Bình có khả năng chịu ảnh hưởng của 2-3 cơn. Về nắng nóng, trên địa bàn tỉnh có khả năng chịu ảnh hưởng của 8-10 đợt.
Trong đó, có từ 1-2 đợt nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 39 đến 41 độ C. Về lũ, trên sông Hoàng Long tại bến Đế khả năng xuất hiện 2-4 đợt lũ, đỉnh lũ cao nhất năm khả năng ở mức từ 3,8-4,3 mét (xấp xỉ báo động III); trên sông Đáy tại Ninh Bình khả năng xuất hiện 1-3 đợt lũ.
Ngoài ra, Ninh Bình có khả năng chịu ảnh hưởng của 6-8 đợt mưa vừa, mưa to. Đáng lưu ý, do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thời tiết, thủy văn mùa mưa, bão, lũ năm 2025 có khả năng có những diễn biến phức tạp, khó lường. Cần đề phòng xảy ra bão mạnh, lũ lớn và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác như: tố, lốc, sét, gió giật mạnh trong các cơn dông; mưa lớn trong thời gian ngắn gây ngập úng ở khu đô thị, khu công nghiệp và vùng trũng thấp; lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và nước dâng do bão ở vùng ven biển.
Phóng viên:Để chủ động, sẵn sàng ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết, thời gian tới, ngành chức năng sẽ triển khai những giải pháp gì, thưa đồng chí?
Đ/c Đinh Văn Khiêm: Để chủ động, sẵn sàng ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết, thời gian tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát tình hình, có trọng tâm, trọng điểm. Cần có sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, các sở ngành, các cơ quan các cấp từ tỉnh đến địa phương được thực hiện từ sớm, từ xa; huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc và mọi nguồn lực để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Từ thực tế công tác PCTT thời gian qua, thời gian tới các sở, ngành, địa phương cần rà soát, điều chỉnh cơ chế, chính sách, lồng ghép nội dung PCTT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, quy hoạch vùng; rà soát, điều chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng cơ sở hạ tầng của các ngành đảm bảo an toàn, chống chịu trước thiên tai lớn, cực đoan như siêu bão số 3 (Yagi). Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng lực công tác PCTT&TKCN; nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai, lắp đặt thêm trạm cảnh báo lũ tự động.
Tăng cường hoạt động Đội xung kích PCTT&TKCN tại từng xã, thôn, bản để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ngay từ giờ đầu. Đẩy mạnh hoạt động thông tin truyền thông, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai bằng nhiều hình thức, bảo đảm thông tin về thiên tai đến được người dân tại khu vực chịu ảnh hưởng.
Chuẩn bị tốt công tác “4 tại chỗ”, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó thiên tai theo quy định. Thời điểm để thực hiện hoạt động chính quyền địa phương 2 cấp từ 01/7/2025, ngay từ bây giờ phải xây dựng các kế hoạch, phương án, các nhiệm vụ trọng yếu trong PCTT&TKCN của chính quyền cấp xã mới để đi vào hoạt động có hiệu quả ngay.