Tỉnh ta có đặc thù là địa hình chia thành 3 vùng: vùng núi bán sơn địa, vùng đồng chiêm trũng và vùng đồng bằng ven biển. Địa hình dốc dần từ Bắc xuống Nam; từ Tây sang Đông. Phía Tây gồm các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư có đồi núi và đồng bằng xen kẽ, là bất lợi chính cho việc chống úng do khi mưa lớn gây lũ quét, úng ngập nhanh chóng. Bên cạnh đó, đặc điểm thủy thế tỉnh ta với sông Hoàng Long có lưu vực từ Hòa Bình vào sông Đáy tại Gián Khẩu, vào mùa mưa, lũ mực nước ngoài sông luôn cao hơn mức nước trong đồng, vì thế việc tiêu úng thường gặp rất nhiều khó khăn. Đồng chí Vũ Nam Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp&PTNT cho biết: Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, mùa mưa, bão lũ năm 2013 tình hình thời tiết, thủy văn có nhiều diễn biến phức tạp khó lường. Đặc biệt là cường xuất bão, cường xuất lũ có thể ngày càng gia tăng. Về diễn biến thủy văn, trên các sông của tỉnh có khả năng xuất hiện ít lũ hơn nhưng do hệ thống sông Hoàng Long có lưu vực nhỏ, địa hình dốc, khả năng tập trung nước nhanh, vì vậy cần chủ động đề phòng lũ xuất hiện nhanh, cường xuất cao và bất thường do các trận mưa lớn cục bộ trên lưu vực gây ra, đỉnh lũ có thể vượt báo động 3...
Với tình hình và điều kiện như trên, việc phòng, chống úng cho hơn 41 nghìn ha lúa mùa và rau màu gieo cấy ở 8 huyện, thành phố, thị xã, đồng thời góp phần đảm bảo môi trường vùng nông thôn, đô thị, đặc biệt là vùng trũng, vùng phân lũ là nhiệm vụ khá nặng nề, cần phải có phương án chủ động đối phó.
Ngành nông nghiệp đã yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã, Công ty TNHH MTV khai thác cong trình thủy lợi (KTCCTTL) tỉnh kiểm tra, báo cáo kết quả các công trình phòng, chống lụt bão, chống úng; xây dựng phương án, đề ra mục tiêu phòng, chống úng vụ mùa. Trên cơ sở công trình thủy lợi hiện có như trạm bơm, bờ vùng, bờ thửa, cống, hồ, đập...; quy hoạch thủy lợi, cơ cấu mùa vụ và thực tiễn mưa úng đã xảy ra trong những năm vừa qua cộng với khả năng chịu ngập của cây lúa, chỉ tiêu chống úng cho vụ mùa năm 2013 được đặt ra là: Trong điều kiện mưa 3 ngày liên tục từ 150mm đối với lúa ở giai đoạn đầu vụ đến 250mm giai đoạn giữa vụ trong mọi điều kiện (triều cường, nước đệm cả) thì phải thực hiện các phương án chống úng, đảm bảo ăn chắc 100% diện tích. Nếu mưa 3 ngày liên tục từ 300mm trở lên thì tổ chức kiểm tra, rà soát khoanh vùng ăn chắc, huy động toàn bộ nguồn lực và vận động nhân dân cùng tham gia thực hiện phương án chống úng, gặt nhanh diện tích lúa có thể thu hoạch sớm và phấn đấu đảm bảo ăn chắc cho 80% diện tích còn lại. Đối với khu vực ngập úng nặng, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất diện tích mất trắng.
Đồng chí Vũ Nam Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp&PTNT cho biết thêm: Phương châm chỉ đạo đối với công tác chống úng đã được xác định cụ thể. Vùng tiêu chủ yếu bằng động lực gồm các huyện Yên Mô, Gia Viễn, Nho Quan, Hoa Lư, thị xã Tam Điệp, khi xảy ra úng thì vận hành các trạm bơm máy bơm đúng quy trình; tùy theo diễn biến cụ thể của mưa úng và giai đoạn sinh trưởng của cây lúa mà vận hành cơ số máy cho phù hợp để tiêu úng một cách nhanh và hiệu quả nhất, đảm bảo tiết kiệm điện năng. Đối với vùng tiêu kết hợp động lực và thủy triều, vùng tiêu tự chảy, thực hiện tốt việc tưới tiêu nước trong mùa mưa bão với phương châm lấy nước nhanh, thoát nhanh, khống chế mực nước trong hệ thống một cách hợp lý.
Bên cạnh đó thực hiện tốt việc "chôn, rải, tháo" nước trong quá trình tiêu úng; theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết để chủ động tiêu nước đệm trong hệ thống hợp lý trước khi mưa bão đến gần. Đối với vùng tiêu nước đệm, tùy theo tình hình thời tiết và giai đoạn phát triển của cây trồng để có kế hoạch tiêu nước đệm trong hệ thống kênh mương nhằm hạn chế tối đa mức độ ngập úng...
Biện pháp khắc phục sau úng cũng đã được xây dựng để ứng phó chủ động nếu ngập úng xảy ra. Trong đó nhấn mạnh việc thống kê, đánh giá, tổng hợp và báo cáo kịp thời về tình hình mưa bão úng; mức độ thiệt hại về diện tích bị ngập úng, mức độ bị ngập úng, tình trạng hư hỏng các công trình thủy lợi sau úng... và chủ động đề xuất ngay phương án sửa chữa, khắc phục hậu quả, sớm đưa công trình vào phục vụ, khôi phục sản xuất kịp thời, hiệu quả.
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV KTCTTL tỉnh cho biết: Do đặc thù địa hình, thủy thế của tỉnh ta nếu xảy ra ngập úng thì 85-90% là phải tiêu bằng động lực. Để đảm bảo cho công tác phòng, chống úng, Công ty TNHH MTV KTCTTL tỉnh đã lập kế hoạch và triển khai sửa chữa những công trình phục vụ chống úng. Trong đó có 52 máy bơm sửa chữa hư hỏng về động cơ, ống hút xả, đệm, bi, bạc...; 32 nhà trạm nền, tường nhà lún nứt, mái dột nát; 40 bể hút bị bồi lắng, tường nứt, rò nước, mái đá lốc lở; 19 bể xả lún nứt, rò nước... Trong số trên 300 cống và 5 âu thuyền phục vụ công tác phòng, chống lụt bão của tỉnh, bao gồm cống dưới đê, âu thuyền, do thời gian xây dựng đã lâu nên nhiều cống đã xuống cấp và hư hỏng cần sửa chữa, đặc biệt là các cống do địa phương quản lý, Công ty đã tập trung ưu tiên sửa chữa trước.
Bên cạnh đó, Công ty và các đơn vị được giao quản lý các hồ chứa nước đã và đang thực hiện thi công nâng cấp, sửa chữa và xây dựng phương án đảm bảo an toàn hồ đập và chống úng ngập hiệu quả. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc chấp hành pháp lệnh về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, tháo gỡ đăng đó, vó cượm để tạo thông thoáng cho dòng chảy; huy động nhân dân tham gia phòng, chống úng lụt, góp phần giành thắng lợi vụ mùa.
Bảo Yến