PV: Xin đồng chí cho biết một số nét chính của vụ mùa năm nay ? Đ/c Đỗ Thị Thao: Vụ mùa 2018, toàn tỉnh gieo cấy được trên 36.000 ha lúa mùa, trong đó có trên 18.000 ha là gieo thẳng, chiếm trên 50% tổng diện tích gieo cấy được; cùng với đó đã trồng trên 4.500 ha cây màu các loại. Hiện tại trà lúa mùa sớm đang trong thời kỳ trỗ bông đến chắc xanh; trà mùa trung, muộn đang trong thời kỳ làm đòng và cuối đẻ nhánh.
Nhìn chung lúa mùa đang sinh trưởng và phát triển khá đồng đều. Đây là vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhất là về thời tiết khí hậu, mưa lũ, úng ngập liên miên, nhiều diện tích lúa phải gieo cấy lại. Hơn nữa, sâu bệnh đang có chiều hướng phát sinh, phát triển mạnh trên diện rộng và nếu không có biện pháp phòng chống kịp thời thì nguy cơ thất thu, mất mùa là rất cao.
PV: Như vậy, sâu bệnh đã và đang gây hại cho lúa mùa xin đồng chí cho biết tình hình cụ thể?
Đ/c Đỗ Thị Thao: Rầy trưởng thành lứa 6 đã gây hại rộng trên các trà lúa ở các huyện, thành phố trong tỉnh với mật độ rầy phổ biến từ 100-120 con/m2, nơi cao 300-500 con/m2, cá biệt có nơi trên 2.000 con/m2; trứng rầy lứa ra rộ mật độ phổ biến từ 100-200 quả/m2, nơi cao từ 300-500 quả/m2. Rầy cám lứa 7 sẽ nở rộ từ 13-23/9 với mật độ phổ biến từ 300-400 con/m2, nơi cao từ 2.000-3.000 con/m2, cá biệt có chỗ hàng vạn con/m2...gây hại cục bộ cho các trà lúa; nếu không phát hiện, phòng trừ kịp thời sẽ làm đỏ lúa hoặc gây cháy ổ từ sau 25/9 trở đi.
Bên cạnh đó thì bướm sâu cuốn lá nhỏ lứa 7 đang ra rộ với mật độ phổ biến từ 0,5 con/m2, nơi cao 3-5 con/m2; trứng phổ biến với mật độ 20-30 quả/m2, nơi cao 50-80 quả/m2; sâu non đang nở rộ với mật độ cao 15-20 con/m2.
Trong thời gian tới sâu non, sâu cuốn lá nhỏ nở rộ trong khoảng thời gian từ 8/9 đến 21/9 và gây hại rộng trên các trà lúa mùa trung đang ở giai đoạn phân hóa đòng đến ôm đòng, nếu không phun trừ kịp thời sẽ gây sơ trắng bộ lá đòng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất sau này.
Ngoài ra còn thấy bướm sâu đục thân lúa 2 chấm lứa 5 tiếp tục ra, sâu non nở rộ và gây hại trên các trà lúa trỗ từ nay đến cuối tháng 9; bệnh lùn sọc đen phương nam, khô vằn, bạc lá đốm sọc vi khuẩn...gây hại tăng cho các trà lúa; đạo ôn cổ bông gây hại cục bộ cho các giống lúa nhiễm: Nếp, BC15, TBR225....
PV: Để đảm bảo cho thắng lợi của vụ lúa mùa, đồng chí có khuyến cáo gì với các địa phương và người nông dân?
Đ/c Đỗ Thị Thao: Các địa phương và nhân dân cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt diễn biến của thời tiết khí hậu và diễn biến của dịch hại trên đồng ruộng để có biện pháp phòng chống kịp thời; điều tiết nước hợp lý tạo điều kiện thuân lợi cho lúa sinh trưởng và phát triển làm đòng, trỗ bông.
Đối với rầy lứa 7, phát hiện và phun trừ kịp thời khi rầy ở tuổi 2, thời gian phun từ 17 đến 22/9. Trên trà mùa sớm ở những ruộng có mật độ rầy trên 1.500 con/m2, phun trừ bằng một trong các loại thuốc tiếp xúc sau: Penaty gol 50EC, Victory 585EC, Bonus gold 40EC, Bassa 50EC...Trên trà mùa trung, mùa muộn những ruộng có mật độ rầy lớn hơn 2.000 con/m2 phun trừ bằng một trong các loại thuốc nội hấp sau: Penaltyl 40WP, Sutin 5EC, 50SC, Midan 10WP, Chersieu 50EC, Chess 50WG.... Chú ý khi sử dụng thuốc trừ rầy tiếp xúc nhất thiết phải rẽ hàng lúa để phun nhằm đưa thuốc tiếp xúc trực tiếp với rầy và cần lựa chọn các loại thuốc để đảm bảo thời gian cách ly khi thu hoạch.
Với sâu cuốn lá nhỏ lứa 7, phun trừ trên những diện tích có mật độ sâu non lớn hơn 20 con/m2 và khi sâu non ở tuổi 2; thời gian phun từ ngày 13-18/9 bằng các loại thuốc có hoạt chất: Fipronil, Indoxacarb, Abamectin, Emamectin. Những ruộng có mật độ sâu cao hơn 200 con/m2 phải tiến hành phun trừ kép với lần 2 cách lần 1 từ 5-7 ngày.
Với sâu đục thân lúa 2 chấm lứa 5, những ruộng có mật độ ổ trứng trên 3 ổ/m2 thì tiến hành phun thuốc khi sâu non ở tuổi 1 hoặc 2 ra rộ; thời gian phun từ nay đến 20/9. bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu sau: Prevathon 5SC, Voliam Targo 063SC, Tansodant 600EC, Bonus Gold 50EC, Vitory 585EC, Virtako 40WG...Những ruộng có mật độ ổ trứng lớn hơn 1ổ/m2 thì phải phun kép 2 lần với lần 2 cách lần 1 từ 5-7 ngày.
Đối với bệnh lùn sọc đen phương nam thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện khóm, cây bị bệnh thì nhổ vùi cây bệnh; khoanh vùng phun thuốc trừ rầy -môi giới truyền bệnh nhằm hạn chế tối đa sự lây lan của bệnh trên đồng ruộng. Ngoài ra cần kết hợp phòng trừ bệnh khô vằn, bạc lá đốm sọc vi khuẩn, đao ôn cổ bông trên các giống nhiễm...
Đây đang là thời kỳ xuất hiện cao điểm của các đối tượng dịch hại trên lúa mùa. Các địa phương và người nông dân cần tập trung cao cho công tác phòng chống các đối tượng trên nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch hại gây ra.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Trường Sinh (thực hiện)