Tại Khoa Nhi, Trung tâm Y tế huyện Yên Mô, những ngày thời tiết chuyển mùa cuối tháng 11, đầu tháng 12/2019 luôn đông bệnh nhân trẻ em đến khám, điều trị. Bé Phạm Minh Thái, 3 tuổi, bị viêm phổi do nhiễm lạnh được điều trị tích cực gần 1 tuần mới ổn định.
Chị Nguyễn Thị Thu, mẹ bé cho biết, thời tiết thay đổi đột ngột, đang nóng chuyển lạnh, trong khi con chị gầy, bé, sức đề kháng yếu nên mắc bệnh, sốt cao, không ăn uống được, gia đình cho nhập viện điều trị sức khỏe cháu mới dần ổn định... "Được nhân viên y tế nhắc nhở, tư vấn về cách bảo vệ sức khỏe theo mùa, chế độ ăn, uống đủ chất dinh dưỡng để phòng, chống bệnh tật, tôi sẽ để ý đến con hơn, giúp cháu phát triển khỏe mạnh..." - chị Thu chia sẻ.
Bác sĩ Tô Ngọc Đĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Yên Mô cho biết: Mỗi ngày Khoa đón tiếp trên dưới 100 bệnh nhân nhi đến khám bệnh, chiếm khoảng 1 phần 3 số bệnh nhân đến khám bệnh tại Trung tâm. Tại Khoa luôn có hàng chục bệnh nhân nhi nằm điều trị, các bệnh về hô hấp, viêm phổi, sốt phát ban...
Trong đó, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản phổi, sốt do virus, bệnh về đường tiêu hóa tăng 20-30%. Một số trường hợp, trẻ được gia đình tự điều trị tại nhà, dùng thuốc không đúng chủng loại bệnh nên bệnh không khỏi, gây mệt mỏi cho trẻ, dễ xảy ra diễn biến nặng. "Nếu trẻ mắc các bệnh đường hô hấp trên, chỉ ho, sốt, cảm cúm thông thường, cha mẹ không cần quá lo lắng, không nên tự ý dùng kháng sinh, cho trẻ đi khám và dùng thuốc theo đơn.
Tuy nhiên, nếu trẻ kèm theo biểu hiện thở nhanh, rút lõm lồng ngực, mệt mỏi, suy hô hấp, biến chứng phổi thì cần đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời...."- Bác sĩ Tô Ngọc Đĩnh chia sẻ thêm.
Bác sỹ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Thời gian qua, một số bệnh truyền nhiễm xuất hiện trên địa bàn tỉnh có diễn biến phức tạp và tăng hơn so với năm trước. Đơn cử như bệnh sốt xuất huyết, ước năm 2019, toàn tỉnh ghi nhận trên 200 ca bệnh, tăng gấp gần 3 lần so với năm 2018 (61 ca); viêm gan vi rút là 1.907 ca, năm 2018 là 1.178 ca; ho gà 15 ca, năm 2018 chỉ có 2 ca; sởi 76 ca, năm trước 25 ca...
Căn cứ tình hình dịch tễ các bệnh truyền nhiễm gây dịch trên địa bàn tỉnh cùng với sự thay đổi bất thường của yếu tố khí hậu, nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất lớn, thời gian qua, ngành Y tế đã triển khai nhiều hoạt động để chủ động, kịp thời ngăn chặn các dịch bệnh, hạn chế tối đa những tác hại có thể xảy ra cho sức khỏe, tính mạng của người dân.
Theo đó, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, kiểm soát, điều trị các trường hợp mắc bệnh, kiểm soát chặt dịch, không để xảy ra ca biến chứng nặng và không có ca bệnh tử vong do bệnh truyền nhiễm.
Cũng theo đồng chí Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thời tiết giao mùa chuyển từ mùa thu sang đông - xuân thường tạo ra sự thay đổi về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm… ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nhận định được nguy cơ diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong thời điểm mùa đông - xuân, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp dự phòng, ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh phát sinh và phát triển.
Theo đó, Trung tâm xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh mùa đông - xuân, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các khoa, phòng chức năng của Trung tâm; kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh và các đội chống dịch cơ động tại đơn vị.
Trung tâm cũng ban hành các công văn chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tuyến dưới tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng và các cơ sở y tế; triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng.
Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân 2019 thường có thời tiết lạnh ẩm, tập trung đông người đi lại, các hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm tăng, tập trung đông người ăn uống, làm tăng nguy cơ các bệnh truyền nhiễm. Do đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại những khu vực di biến động về dân cư, có ổ dịch cũ và có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao.
Đẩy mạnh công tác tiêm chủng các vắc xin có trong Chương trình tiêm chủng mở rộng như sởi, rubella, ho gà…; đồng thời tổ chức rà soát, tiêm bổ sung cho các đối tượng chưa được tiêm phòng, đảm bảo đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ít nhất 95% trên quy mô xã, phường, thị trấn. Trung tâm cũng chuẩn bị đầy đủ kinh phí, thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất để đáp ứng các tình huống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cũng được tăng cường, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao ý thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho cộng đồng...
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa đông-xuân, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống bệnh bằng các biện pháp chính như: Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…).
Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu…
Hạn chế đến những chỗ đông người. Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày.
Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử trí kịp thời.
Mỹ Hạnh