Theo nhận định của giới chuyên môn: giá cả hàng hóa, vật tư nông nghiệp thời gian tới tiếp tục dao động, ảnh hưởng đến việc đầu tư thâm canh tăng năng suất cây trồng của người nông dân. Các đối tượng gây hại phát sinh nhiều. Thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, rét đậm, rét hại có thể xuất hiện thành nhiều đợt trong tháng 1, 2 năm 2010 và ở một số vùng nhiệt độ có thể xuống tới 6-80c. Nhưng, khó khăn lớn nhất đã và đang hiện hữu là nước phục vụ cho sản xuất.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Ninh Bình thì tổng lượng mưa toàn mùa ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm; tháng 1 và 2 (năm 2010) có lượng mưa ít nhất, tháng 3 và 4 lượng mưa cũng nhỏ hơn hoặc xấp xỉ trung bình nhiều năm… Vì vậy, đầu vụ có thể xảy ra tình trạng hạn nặng, khó khăn cho khâu làm đất và gieo cấy lúa.
Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn T.Ư cho biết: mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội xuống thấp nhất trong vòng 107 năm qua và đang dao động ở mức 1,35-1,57 m. Với mực nước đó thì nhà nông không thể lấy nước vào đồng ruộng và tàu thuyền đi lại trên sông cũng khó khăn. Tại địa bàn tỉnh Ninh Bình cũng tương tự: mực nước trên sông Hoàng Long và sông Đáy cũng xuống thấp, sông, ngòi, hồ chứa nước cạn kiệt; đồng ruộng nhiều nơi đã bắt đầu khô nẻ… Nguyên nhân của tình trạng trên là do mùa mưa lũ trên các sông ở các tỉnh phía Bắc kết thúc sớm; lượng mưa trong thời gian qua ít; lượng nước ngầm xuống thấp; khí hậu hanh khô nước bốc hơi nhanh…
Để đảm bảo cho vụ sản xuất đông xuân thuận lợi, đạt kết quả cao thì ngay từ bây giờ ngành nông nghiệp và các địa phương đã phải có kế hoạch và phương án tưới tiêu phục vụ cho sản xuất. Đối với các địa phương cần tranh thủ thời tiết khí hậu phù hợp đẩy nhanh công tác thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương, tu bổ cống lấy nước. Đào đắp tu bổ lại hệ thống đường giao thông nội đồng, bờ vùng, bờ thửa. Chống rò rỉ, thất thoát nước ở các sông, ngòi, hồ chứa, ao đầm. Đại tu, sửa chữa, bảo dưỡng lại hệ thống máy bơm trạm bơm. Có phương án, kế hoạch bơm nước, lấy nước cho phù hợp với từng vùng, từng khu vực. Huyện Hoa Lư là địa phương đã thực hiện khá tốt việc làm thủy lợi nội đồng. Theo báo cáo của Phòng Kinh tế huyện thì đến tuần cuối tháng 11, toàn huyện đã đào đắp được 46.600 m3 thủy lợi nội đồng; trong đó đào đắp là 26.450 m3, nạo vét kênh 10.150 m3.. Thị xã Tam Điệp hoàn thành 110 % kế hoạch, thành phố Ninh Bình đã cơ bản xong…
Đồng chí Vũ Tiến Lộc, Phó Giám đốc Công ty khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết: Hiện tại, Công ty đang quản lý 420 máy bơm của 92 trạm tưới và tưới, tiêu, 136 cống lấy nước, 5 hồ chứa. Cuối tháng 10, đầu tháng 11 vừa qua, Công ty đã tiến hành kiểm tra tình trạng các công trình thủy lợi sau lũ, triển khai sửa chữa công trình bị hỏng; đại tu bảo dưỡng máy bơm, trạm bơm; nạo vét kênh tưới, tiêu, cống lấy nước, cống đầu kênh… với tổng kinh phí khoảng 20 tỷ đồng bằng nguồn vốn cấp bù thủy lợi phí. Hiện tại, các công trình thủy lợi của Công ty đã sẵn sàng đáp ứng cho vụ sản xuất đông xuân ở các địa phương. Theo dự báo vụ sản xuất đông xuân năm nay sẽ là vụ bị hạn nặng. Do vậy, đối với vùng tưới bằng thủy triều (Kim Sơn và một phần của huyện Yên Khánh, Yên Mô) có thể đưa nước vào đồng sớm trước 1 con nước. Bám sát lịch xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của các hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà để bố trí nhân lực trực dưới cống lấy nước vào nội đồng kịp thời. Ở vùng này, nếu không lấy được nước triều có thể chủ động thay đổi hình thức tưới bằng việc dùng bơm điện hoặc bơm dầu.
Vùng bơm điện phối hợp với các đơn vị cung cấp trực tiếp nước cho đồng ruộng hoặc tạo nguồn cho các HTX để bơm nước vào ruộng. Đây là vùng đang có những khó khăn riêng, nhất là địa bàn huyện Gia Viễn do có dự án nâng cấp đê tả Hoàng Long nên 9 trạm bơm trong vùng phải xây dựng lại. Công ty đã lập phương án thay thế bằng việc cung cấp nước cho sản xuất nơi đây từ bơm điện, bơm dầu theo kiểu trạm bơm "dã chiến".
Đối với vùng tưới nhờ hồ chứa, nếu mực nước hồ xuống quá thấp có thể dùng bơm điện, bơm dầu. Khu ruộng cao có thể chuyển đổi hướng sản xuất bằng việc trồng cây màu hoặc cây công nghiệp ngắn ngày. Trong quá trình sản xuất cần hết sức tiết kiệm nước, đảm bảo đủ nước cho cây trồng sinh trưởng và phát triển.
Đinh Chúc