Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, vụ đông xuân 2014-2015 ấm, nồm ẩm, nhiệt độ trung bình ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Do vậy, ngay từ đầu vụ trên cơ sở tính toán, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo ngoài 3.000 ha (chiếm 7% diện tích) bố trí trên chân ruộng trũng, thùng đào, thùng đấu, vùng ngoài đê, đất thấp ven núi, vùng lúa cá… bắt buộc phải cấy trong tháng 1 để thu hoạch trước lũ tiểu mãn, còn lại toàn bộ diện tích đều phải gieo sau ngày 25-1 đến ngày 5-2. Sử dụng các giống ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt và dùng hình thức gieo mạ nền, dầy xúc để đảm bảo khi cấy xuống 100% là mạ non. Thời vụ cấy gọn trong tháng 2 để tránh lúa trỗ sớm gặp rét nàng Bân ảnh hưởng đến năng suất.
Ông Lã Quốc Tuấn, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định: Với khung thời vụ của Ninh Bình, cơ cấu giống tập trung vào trà xuân muộn và sử dụng giống ngắn ngày, về cơ bản, người dân có thể yên tâm ngay cả khi điều kiện thời tiết ấm... Về việc chăm sóc lúa trong thời điểm hiện tại, ông Tuấn cho biết: Đối với trà xuân sớm tập trung chủ yếu ở các huyện Nho Quan, Gia Viễn hiện đang trong giai đoạn kết thúc đẻ nhánh hữu hiệu và bắt đầu phân hóa đòng, cần kiểm tra phân loại diện tích, những diện tích nào lúa sinh trưởng tốt, đồng đều cần duy trì đủ nước trên ruộng và tiến hành bón thúc ngay 3-4 kg kali/sào, những diện tích sinh trưởng không đều, cần duy trì đủ nước trên ruộng và bón thúc bổ sung từ 1-2 kg đạm cộng với 3-4 kg kali/sào; để tạo điều kiện cho lúa tiếp tục sinh trưởng, phát triển thuận lợi. Đối với trà xuân muộn, đây là trà lúa chủ lực chiếm khoảng 93% diện tích gieo cấy và quyết định đến năng suất, sản lượng của cả vụ. Với những diện tích lúa cấy, hiện tại đang hồi xanh và bắt đầu đẻ nhánh cần duy trì mực nước từ 3-5 cm trên ruộng, bón thúc sớm kết hợp với tỉa dặm, tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh thuận lợi, đạt số dảnh hữu hiệu cao. Với diện tích lúa gieo thẳng, hiện nay các địa phương đã tiến hành bón nhử, cần đảm bảo đủ nước trên ruộng, tiến hành tỉa dặm và bón phân thúc sớm khi cây đạt từ 5-6 lá để lúa đẻ nhánh tập trung.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề dịch bệnh, bà Đỗ Thị Thao, Chi cục Phó Chi cục Bảo vệ thực vật lưu ý: Thời tiết ấm, nồm ẩm như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh. Đối tượng sâu bệnh cần đặc biệt lưu ý trong vụ đông xuân năm nay là bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá và các đối tượng dịch hại như chuột, ốc bươu vàng. Do vậy, người dân cần theo dõi sát tình hình dịch bệnh để có biện pháp khoanh vùng, phun thuốc xử lý chỗ bị dịch bệnh, tránh tình trạng phun cả ruộng sẽ làm chết các thiên địch có lợi. Đồng thời, người dân cũng cần hạn chế tối đa bón phân, đạm vào dịp lúa trổ bông, khi đó sẽ làm cho cây lúa yếu, tạo thuận lợi cho sâu bệnh bùng phát.
Có mặt trên cánh đồng của huyện Gia Viễn thời điểm này, chúng tôi thấy các thửa ruộng đã lên xanh, nhiều khu vực người dân cấy sớm từ trong Tết Nguyên đán, lúa đã đẻ nhánh phủ kín mặt ruộng. Ông Bùi An Khang, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Bám sát sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT, huyện đã triển khai tập huấn đến các HTX, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chuyển dịch cơ cấu giống sang các giống ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao, đồng thời thực hiện gieo cấy theo đúng khung thời vụ khuyến cáo. Ngoài 1.050 ha vùng ngoài đê, vùng trũng… phải cấy trong tháng 1 để thu hoạch trước ngày 20-5 tránh lũ tiểu mãn, còn lại 5.750 ha lúa đều được gieo cấy ở trà xuân muộn, sử dụng hình thức gieo mạ nền, dầy xúc, nên mặc dù thời tiết ấm hơn nhiều năm nhưng về cơ bản Gia Viễn không lo ngại nhiều về năng suất. Hiện nay, đối với trà xuân muộn cấy trước Tết, huyện đang chỉ đạo các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con bón thêm 10% đạm so với thông thường để kéo dài thời gian sinh trưởng, đảm bảo lúa trỗ trong thời gian tốt nhất.
Nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của điều kiện vụ đông xuân ấm làm giảm năng suất lúa, ngành Nông nghiệp đang tăng cường phối hợp tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc lúa trên các phương tiện thông tin, khuyến nông ở địa phương để nông dân biết và áp dụng; chỉ đạo các đơn vị trong ngành bám sát và thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, xử lý nhanh và kịp thời những phát sinh đột xuất; có biện pháp tích cực phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh và chuột hại, đảm bảo năng suất lúa xuân.
Hà Phương