Nho Quan là huyện miền núi, do đó trữ lượng các mỏ đá vôi, đất đồi phục vụ ngành công nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, theo quy định việc cấp phép khai thác mỏ lớn trên địa bàn lại không thuộc thẩm quyền của huyện, do đó xảy ra tình trạng doanh nghiệp khai thác mà chính quyền địa phương đứng ngoài cuộc vì không biết, không quản lý.
Đối với những doanh nghiệp khai thác khoáng sản nộp thuế trên địa bàn, việc thu đúng, thu đủ với số lượng khai thác cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Bà Bùi Thị Quế, Chủ tịch UBND huyện Nho Quan nói: Việc chống thất thu ngân sách đối với hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản đối với các địa phương gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh những doanh nghiệp cố tình khai sai với số lượng thực tế khai thác thì một số doanh nghiệp nhỏ đã thông báo ngừng hoạt động sản xuất nhưng vẫn cố tình khai thác mỏ.
Vừa qua, UBND huyện Nho Quan đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban tiến hành thanh, kiểm tra các doanh nghiệp có dấu hiệu chây ỳ, nợ đọng, trốn thuế đối với hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản.
Tuy nhiên, khi tiến hành kiểm tra thì tài khoản của doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng bằng không, doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép khai thác, khi kiểm tra hiện trường thì không có hoạt động sản xuất.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân và chính quyền địa phương thì các doanh nghiệp này vẫn khai thác khi có hợp đồng. Với vai trò của mình, huyện đã làm hết chức năng, chính vì vậy rất cần có sự hỗ trợ của các ngành chuyên môn để ngăn chặn tình trạng khai thác chui, khai thác không có quy hoạch và cố tình nợ đọng, chây ỳ, trốn thuế của một số doanh nghiệp.
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn hiện có 73 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực trên tổng số 66 đơn vị, với tổng diện tích khai thác là 923,69 ha, trong đó có 11 giấy phép thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường, 62 giấy phép thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Có 90 doanh nghiệp kê khai nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường.
Kết quả số thu ngân sách từ hoạt động khai thác khoáng sản qua các năm như sau: Năm 2013, dự toán HĐND tỉnh giao là 50,9 tỷ đồng, số thuế thu được là 83,1 tỷ đồng, đạt 163% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 17% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 3,8% trên tổng số thu từ thuế, phí, lệ phí; năm 2014, dự toán HĐND tỉnh giao là 78,6 tỷ đồng, số thuế thu được là 113,7 tỷ đồng, đạt 145% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 37% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 5,3% trên tổng số từ thuế, phí, lệ phí; năm 2015, dự toán HĐND tỉnh giao là 96 tỷ đồng, số thuế thu được là 91,1 tỷ đồng, đạt 95% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 80% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 3,3% trên tổng số thu từ thuế, phí, lệ phí; năm 2016, dự toán thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường được HĐND tỉnh giao là 87 tỷ đồng, chiếm 3,4% trên tổng dự toán thu thuế, phí, lệ phí…
Với con số thu ngân sách chưa vượt quá 100 tỷ đồng mỗi năm, ý kiến nhiều đại diện các ngành trong tỉnh cho rằng là quá ít ỏi so với số lượng doanh nghiệp được cấp phép trong khai thác, chế biến khoáng sản trong thời gian qua và đặc biệt là chưa tương xứng với mức độ khai thác, chi phí đầu tư và tổn thất môi trường.
Thực tế cho thấy, bên cạnh nhiều doanh nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách khi tiến hành hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh như Công ty TNHH MTV xi măng Vicem Tam Điệp, Công ty cổ phần xi măng Hướng Dương…thì còn rất nhiều doanh nghiệp nợ ngân sách Nhà nước với số nộp nhỏ hơn rất nhiều so với hoạt động khai thác như: Công ty TNHH Thành Thắng, Công ty cổ phần Gốm Quỳnh Lưu, Công ty Gia Lâm…
Theo ông Hoàng Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công thương: Việc các doanh nghiệp khai thác khoáng sản có thể kiểm soát được khối lượng bằng cách tính số vật liệu nổ công nghiệp phục vụ xây dựng cơ bản và khai thác khoáng sản mà doanh nghiệp đã đăng ký mua với Sở Công thương.
Theo số liệu của Sở thì trong 3 năm gần đây, số vật liệu nổ công nghiệp được các doanh nghiệp tiêu thụ khoảng 1.500 tấn. Ông Kiên ước tính với số vật liệu nổ trên thì mỗi năm trung bình toàn tỉnh khai thác khoảng 6 triệu tấn khoáng sản. Trên cơ sở này sẽ tính thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản với mức tương ứng khoảng 120 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Đỗ Văn Hoan, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho rằng: ý thức thực thi pháp luật của người nộp thuế còn chưa cao là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng gian lận trong kê khai số khoáng sản khai thác và cố tình chây ỳ, nợ đọng thuế trong những năm qua. Mặc dù các doanh nghiệp khi khai khoáng đều nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc kê khai nộp thuế nhưng vẫn cố tình lẩn tránh trách nhiệm, nghĩa vụ.
Một số doanh nghiệp cố tình kê khai sai doanh thu, giá tính thuế, mức phí bảo vệ môi trường, cố tình dây dưa nợ đọng tiền thuế. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn chưa kịp thời cập nhật về chế độ, chính sách thuế, phí dẫn đến kê khai sai, thiếu thuế, phí phải nộp.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Toàn, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh: Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của nền kinh tế, bên cạnh đó, các chính sách của Nhà nước về đầu tư công đã ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng cơ bản, do đó nhiều doanh nghiệp trong tỉnh thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước của doanh nghiệp.
Ngoài tác động của "sức khỏe" nền kinh tế đối với các doanh nghiệp thì thực tế trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp tham gia hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản hạn chế về năng lực, kỹ thuật khai thác mỏ, hạn chế về năng lực tài chính, quy mô khai thác nhỏ lẻ, công nghệ khai thác lạc hậu, chưa khai thác đúng với sản lượng, thời gian, trữ lượng được cấp phép dẫn đến sản lượng khai thác không cao, số nộp ngân sách thấp.
Bên cạnh đó, mức phí cấp quyền sử dụng, khai thác tài nguyên khoáng sản ban đầu khá cao, do đó đề nghị các cơ quan chức năng có phương án phù hợp như giảm, giãn, gia hạn nộp mức phí này sau khi doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tại hội nghị do UBND tỉnh tổ chức bàn về các giải pháp chống thất thu ngân sách đối với hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn, theo đại diện các ngành đánh giá, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thu từ hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn là do công tác quản lý còn lỏng lẻo, sự phối hợp giữa các cấp và các ngành khi quản lý tài nguyên chưa chặt chẽ, tạo khe hở cho doanh nghiệp trốn thuế.
Có thể nói, những tồn tại trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản có nhiều nguyên nhân. Thực trạng này đặt ra cho các cơ quan chức năng cần những giải pháp đồng bộ và quyết liệt để tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động này.
Cần có sự vào cuộc đồng bộThất thu ngân sách đối với hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh đặt ra cho các cơ quan chức năng cần sớm có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt để nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước, nhất là trong bối cảnh tỉnh đang đẩy mạnh chống thất thu ngân sách và thực hiện Nghị quyết 19/NĐ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Hoạt động khai thác khoáng sản tại thành phố Tam Điệp. Ảnh: Mạnh Thắng
Theo quy định, các doanh nghiệp khai thác tài nguyên, khoáng sản đang phải đóng các loại thuế, phí gồm thuế tài nguyên, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế bảo vệ môi trường, phí bảo vệ môi trường, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản...
Tuy nhiên, bất cập ở chỗ việc xác định nghĩa vụ tài chính đóng góp ngân sách được thu dựa trên số liệu báo cáo của doanh nghiệp như sản lượng khai thác hay mức lợi nhuận.
Trong khi đó, theo cơ quan quản lý thuế, hiện vẫn chưa có cơ chế kiểm chứng một cách hiệu quả các số liệu do doanh nghiệp báo cáo với sản lượng khai thác thực tế, không ít đơn vị khai thác tài nguyên, khoáng sản không thực hiện mở sổ sách kế toán theo quy định; chưa tuân thủ việc lập báo cáo hoạt động khai thác định kỳ, thông tin về khối lượng khai thác, trữ lượng còn lại trong việc giám sát kê khai sản lượng khai thác còn bị buông lỏng…
Luật Khoáng sản năm 2010 cũng quy định: Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác vượt công suất cho phép có thể bị truy tố, xử lý hình sự.
Quy định là vậy nhưng cơ quan quản lý không kiểm soát được sản lượng khai thác thực tế, trong khi hầu hết doanh nghiệp được cấp phép đều muốn khai thác vượt công suất nhằm nhanh chóng bù đắp chi phí đầu tư họ đã bỏ ra. Trường hợp doanh nghiệp muốn khai báo đúng sản lượng đã khai thác thực tế cũng chẳng "dám" bởi theo quy định thì sẽ bị xử lý hình sự.
Do đó, việc doanh nghiệp gian lận, khai báo sản lượng thấp hơn so với thực tế là rất dễ xảy ra. Điều này doanh nghiệp biết, cơ quan quản lý biết nhưng thời gian qua đều "bó tay"….
Ông Đỗ Văn Hoan, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Việc doanh nghiệp tự kê khai nộp thuế là phù hợp với nền quản lý tiên tiến của thế giới.
Tuy nhiên, cách tính thuế, phí dựa trên sản lượng khai thác cũng dẫn đến việc doanh nghiệp chỉ chú trọng phần tài nguyên có chất lượng cao, vị trí dễ tiếp cận nhằm giảm thiểu phí khai thác và tăng lợi nhuận, gây lãng phí tài nguyên. Chính vì thế, khâu hậu kiểm là rất quan trọng để xác định tính mức thuế, phí của doanh nghiệp.
Thực tế công tác hậu kiểm hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Bản thân ngành Thuế không có chức năng, đủ lực lượng và thời gian để có thể giám sát từng xe quặng của doanh nghiệp.
Các ngành khác cũng khó mà giám sát tuyệt đối được việc thực hiện các phương án vận chuyển đã được phê duyệt. Hầu như năm nào cũng có sự vụ về việc chở quá tải trọng, chở không đúng phương án vận chuyển đã được phê duyệt xảy ra.
Ông Tạ Hải Triệu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế thành phố Tam Điệp cho biết: Luật Thuế sửa đổi bổ sung đã quy định, doanh nghiệp không còn phải kê khai theo hóa đơn mà chỉ kê khai tổng lượng hàng hóa mua bán. Điều này phục vụ cải cách hành chính, giảm thiểu thủ tục đối với doanh nghiệp nhưng cũng rất đáng lo với việc thu thuế, phí tài nguyên.
Bởi lẽ, việc đi hậu kiểm từng doanh nghiệp, từng phương án vận chuyển và kiểm tra từng hóa đơn là gần như không thể. Mặc dù Chi cục đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể để giám sát việc khai thác mỏ của doanh nghiệp nhưng hiệu quả vẫn chưa cao.
Bên cạnh đó, do Chi cục Thuế thành phố đang thực hiện thí điểm ủy quyền quản lý thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn nên còn gặp nhiều khó khăn về khâu quản lý, về con người cũng như phương án hậu kiểm đối với các doanh nghiệp.
Để tăng cường khâu hậu kiểm, theo ông Hoàng Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công thương: Ngành Thuế cần phối hợp chặt chẽ với ngành Công thương và Công an để kiểm tra, giám sát trên cơ sở căn cứ vào sản lượng sử dụng vật liệu nổ của doanh nghiệp tiêu thụ.
Đối với những doanh nghiệp có giấy phép khai thác do UBND tỉnh cấp có biểu hiện vi phạm, gian lận, trốn thuế, chây ỳ cần có biện pháp mạnh như đình chỉ hoạt động khai thác, rút giấy phép khai thác.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, để giải quyết tình trạng thất thu ngân sách từ hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản, tỉnh cần phân rõ trách nhiệm từng sở, ngành, địa phương.
Theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, có một sự thay đổi cơ bản so với Luật Khoáng sản năm 1996 là việc cấp quyền khai thác khoáng sản về nguyên tắc phải được thực hiện trên cơ sở đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, bảo đảm tăng nguồn thu, xóa bỏ tình trạng xin - cho, dễ nảy sinh tiêu cực.
Đồng thời cần có quy định tổ chức, cá nhân phải có đủ điều kiện về vốn, công nghệ, kinh nghiệm theo quy định mới được tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Điều này sẽ giúp loại trừ các doanh nghiệp yếu kém về năng lực tài chính, kinh nghiệm trong khai thác khoáng sản.
Thời gian qua, để chống thất thu thuế tài nguyên, ngành Thuế đã thực hiện nghiêm túc đề án "Tăng cường công tác quản lý, chống thất thu thuế trong lĩnh vực xây dựng cơ bản và khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình" nhằm đảm bảo tính khách quan, công bằng, công khai, minh bạch và quản lý triệt để nguồn thu phát sinh, chống thất thu ngân sách Nhà nước.
Các ngành cần phối hợp chặt chẽ với địa phương để quản lý tài nguyên, khoáng sản từ khâu cấp phép cho đến quy trình tổ chức thực hiện, tiêu thụ, hạn chế thấp nhất tình trạng khai thác trái phép, gây thất thu về sản lượng dẫn đến thất thu về ngân sách Nhà nước.
Đồng thời giám sát chặt chẽ việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các tổ chức, cá nhân khai khoáng trên địa bàn.
Theo dõi sát sao, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản để đôn đốc các doanh nghiệp kê khai và nộp hết số thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường phát sinh đúng thời gian quy định.
Ngành Thuế cũng cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình kê khai, khấu trừ, quyết toán thuế gắn với việc sử dụng hóa đơn khi thực hiện các hoạt động mua bán tài nguyên, khoáng sản.
Thiết nghĩ, chống thất thu ngân sách từ hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh không chỉ là trách nhiệm của ngành Thuế mà rất cần có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp có liên quan.
Khi cấp phép cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản, điều cần quan tâm là phải có đánh giá trữ lượng chi tiết của từng mỏ khoáng sản để khi cấp phép có cơ sở để ấn định thuế khoán và thu phí bảo vệ môi trường.
Hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản phải làm chặt từ khâu cấp phép, đánh giá trữ lượng, sản lượng khai thác. Khi số liệu chuẩn xác, rõ ràng thì khâu hậu kiểm sẽ dễ dàng và sẽ không có cơ hội cho doanh nghiệp gian dối n
Phúc Nguyên