Do vậy, chính quyền các cấp và nhất là các ngành chức năng cần phải tăng cường công tác quản lý thị trường, quản lý giá cả các mặt hàng thiết yếu, xử lý nghiêm các trường hợp gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng, đặc biệt là những dịp cao điểm như Tết Nguyên đán, mùa lễ hội…
Ở tỉnh ta, theo báo cáo của ngành chức năng, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở khắp nơi từ các chợ đầu mối, cửa hàng, đại lý ở trung tâm các huyện, thành phố, thị xã đến các cửa hàng bán lẻ và chợ quê, với đủ các nhãn mác, chủng loại.
Tại một số cơ sở kinh doanh vẫn xuất hiện tình trạng lén lút kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm, như: mỹ phẩm nhập lậu, thực phẩm chức năng, rượu ngoại, thuốc lá nhập lậu, mũ bảo hiểm, giày dép, quần áo, đồ điện dân dụng, bánh kẹo, nước giải khát, mì chính, phụ gia thực phẩm giả nhãn hàng hóa...
Có nhiều nguyên nhân để tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp như trên. Đó là, một bộ phận người dân còn hám lợi, bất chấp luật pháp và đạo đức, vẫn sản xuất, kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để kiếm lời bất chính.
Về mặt luật pháp của Nhà nước còn có kẽ hở, để cho các đối tượng lách luật, thậm chí là "xé rào" sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Hoạt động quản lý, kiểm tra và xử lý của chính quyền các cấp và các ngành hiệu quả chưa cao, có lúc, có nơi còn thiếu đồng bộ và chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.
Chế tài xử phạt lại chưa đủ mạnh nên nhiều đối tượng sẵn sàng vi phạm để đạt lợi nhuận lớn. Phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công tác đấu tranh chống hàng giả còn thiếu và yếu, nhất là phương tiện giám định, phân biệt hàng thật, hàng giả…
Ngoài ra, còn do người tiêu dùng hoặc là không biết vì các sản phẩm được làm giả ngày một tinh vi, giống hàng thật từ nhãn hiệu, kiểu dáng đến những chi tiết nhỏ nhất, hoặc là ham rẻ mà vẫn sử dụng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Đứng trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, các lực lượng chức năng của tỉnh ta đã quyết liệt đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn; tổ chức và thành lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả….
Năm 2018, chỉ tính riêng Cục Quản lý thị trường Ninh Bình đã kiểm tra 3.027 vụ tăng 10,5% so với năm 2017; xử lý hành chính 1.560 vụ; tổng số tiền thu phạt nộp ngân sách Nhà nước là 9.798 triệu đồng, tăng 2% so cùng kỳ năm 2017.... Kết quả đó cho thấy, nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi và diễn biến hết sức phức tạp, không có dấu hiệu giảm.
Nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu, gian lận thương mại không chỉ gây thiệt hại cho nền kinh tế của đất nước, làm xấu đi môi trường đầu tư, kinh doanh mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người. Đã đến lúc cần phải đấu tranh quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm ...
Để ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, đòi hỏi cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp phải xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, liên tục để huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, nhất là Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở cấp mình.
Trước hết là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng, phân định rõ trách nhiệm theo địa bàn và lĩnh vực trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng theo lĩnh vực, ngành hàng, nhóm mặt hàng nhất là về an toàn thực phẩm, giá cả, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa… Mỗi người, mỗi nhà hãy là một nhà tiêu dùng thông thái để góp phần chống nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Nguyễn Đông