Tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2021, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, song, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình đã kiểm tra 938 vụ, xử lý 374 vụ việc; thu phạt hơn 4,9 tỷ đồng, trong đó: Phạt tiền hơn 1,440 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu hơn 1,908 tỷ đồng và trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy hơn 1,554 tỷ đồng.... Kết quả đó cho thấy, các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả không có dấu hiệu giảm mà vẫn tiếp diễn với tính chất, mức độ và thủ đoạn ngày càng nguy hiểm hơn.
Thời điểm này, chỉ hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán có thể còn nhiều hơn do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của nhân dân tăng cao. Vì đã thành thông lệ, mỗi dịp Tết đến, mọi người thường có nhu cầu mua sắm nhiều chủng loại hàng hóa, nhất là các loại thực phẩm, bánh, kẹo, bia, rượu, nước ngọt....
Hiện nay, bên cạnh các nhà sản xuất, các doanh nghiệp làm ăn chân chính đang tích cực chuẩn bị các mặt hàng có chất lượng phục vụ Tết, thì cũng có một số kẻ lợi dụng dịp Tết để buôn lậu, gian lận thương mại và làm hàng giả nhằm thu lợi cho mình. Những hành vi đó không chỉ gây thiệt hại cho nền kinh tế của đất nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng, nếu như sử dụng, ăn, uống phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 277/KH-BCĐ389 ngày 17 tháng 11 năm 2021 mở đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp cuối năm 2021 và trước, trong, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 với mục đích là tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, chú trọng các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán, các mặt hàng có nhu cầu cao trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Qua đó, góp phần bình ổn thị trường; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa hợp pháp đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường, cung ứng kịp thời cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, an toàn và lành mạnh.
Thực hiện kế hoạch của Ban chỉ đạo, lực lượng quản lý thị trường cũng đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đội phải thường xuyên nắm chắc diễn biến tình hình thị trường, tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng hóa là những mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, các mặt hàng thực phẩm tươi sống và các mặt hàng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết của nhân dân.
Tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả bằng cách đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát tại các địa bàn là nơi phát sinh ra các luồng hàng hóa, tập trung nhiều điểm kinh doanh buôn bán lớn như: các thành phố, thị trấn, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, nhà ga đường sắt, các kho hàng hóa, xe vận chuyển bưu chính, chuyển phát nhanh, logistic, bến xe, các phương tiện vận tải trên tuyến Quốc lộ 1A, các hoạt động về thương mại điện tử....
Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; công bố công khai rộng rãi số điện thoại, e-mail đường dây nóng của Cục và các Đội Quản lý thị trường, đảm bảo thu thập, xử lý kịp thời tin báo từ quần chúng nhân dân. Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Thực hiện ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng và thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Phối hợp lực lượng giữa Quản lý thị trường, Công an và các ngành chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.... Đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ được triển khai từ ngày 01/12/2021 đến hết ngày 15/02/2022 và thực hiện kể cả trong và ngoài giờ hành chính, ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày nghỉ lễ, ngày Tết.
Hy vọng là với sự ra quân kịp thời, đồng bộ, có trách nhiệm của ngành chức năng, chúng ta sẽ ngăn chặn và làm giảm được tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong thời gian tới.
Tết Nguyên đán Nhâm Dần-2022, người dân sẽ được yên tâm đi mua sắm hàng hóa mà không còn phải thường trực nỗi lo canh cánh trong lòng đó là hàng giả, hàng kém chất lượng và giá cả hàng hóa tăng.
Nguyễn Đông