Để thực hiện đề tài, vụ xuân 2018 Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang tiếp tục xây dựng mô hình trình diễn sản xuất giống lúa DQ11 nguyên chủng tại 3 địa phương là: HTX Đông Thượng (Yên Mô), HTX Phong Hòa (Hoa Lư) và HTX Kiến Thái (Yên Khánh).
Trao đổi với chủ nhiệm đề tài, kỹ sư nông học Nguyễn Văn Tĩnh cho biết: Do các hộ nông dân thực hiện mô hình chưa nắm vững kỹ thuật gieo cấy giống lúa DQ11, nên ngay từ đầu tháng 2/2018, Công ty đã tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nông dân thực hiện mô hình. Mỗi mô hình đã thực hiện ở mỗi HTX có diện tích là 4 ha với khoảng 20 hộ tham gia.
Bác Đào Nguyên Dụng, HTX Kiến Thái, xã Khánh Trung (Yên Khánh) hộ tham gia mô hình, cho biết: Để kịp thời vụ gieo cấy cho bà con nông dân nên Công ty đã tranh thủ thời gian tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho các HTX.
Trong suốt quá trình theo dõi sự sinh trưởng và phát triển của giống DQ11, Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang lên lịch thời gian gieo cấy, định mức sử dụng phân bón, cử cán bộ kỹ thuật theo dõi quá trình sinh trưởng giống lúa DQ11 tại mỗi mô hình.
Đồng chí Phạm Ngọc Duân, Chủ tịch UBND xã Khánh Trung cho biết: Trước đó, vụ đông xuân 2017 và vụ mùa 2017, mô hình cho năng suất đạt 75 tạ/ha, đến vụ đông xuân 2018, DQ11 đã cho năng suất đạt từ 80 - 82 tạ/ha.
Nếu so với năng suất lúa đông xuân bình quân chung toàn xã vừa thu hoạch, thì DQ11 cao hơn khoảng 10 tấn/ha. DQ11 có khả năng chống chịu bệnh lùn sọc đen khá; hơn nữa, so sánh với một số giống lúa khác, giống lúa DQ11 cho tỷ lệ gạo nguyên tăng cao hơn, cơm mềm, dẻo và có vị đậm, cơm nguội để hôm sau vẫn mềm và ngon.
Những ưu điểm, đặc tính quý như vậy nên giống lúa DQ11 đã và đang được nhân rộng ở Ninh Bình nói riêng và miền Bắc nói chung. Thống kê cho thấy DQ11 hiện đã có mặt ở hầu hết các tỉnh của miền Bắc từ miền núi, trung du, đồng bằng và các tỉnh Trung bộ.
Chủ nhiệm đề tài cũng cho biết: Kết quả của việc sản xuất giống DQ11 siêu nguyên chủng được chúng tôi theo dõi, ghi chép về: Quá trình đẻ nhánh, sinh trưởng, phát triển, thời gian trỗ, sức chống chịu sâu bệnh, năng suất và chất lượng của lô giống siêu nguyên chủng.
Giống lúa DQ11 dường như đáp ứng được đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 của tỉnh Ninh Bình. Giống lúa DQ11 đã được công nhận đặc cách là giống quốc gia, nhưng còn một số nhược điểm như: cây cao, chống đổ yếu, độ thuần còn chưa cao… Vì vậy, cần phải tiếp tục chọn lọc để hoàn thiện sản phẩm.
Chúng tôi đặt mục tiêu trong 1 chu kỳ chọn lọc (3 - 4 vụ) thì giống DQ11 sẽ khắc phục được những nhược điểm trên. Phương pháp để đạt được mục tiêu này là phương pháp chọn lọc cá thể theo 10TCN 395:2006 "Lúa thuần-Quy trình kỹ thuật sản xuất hạt giống" mà Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành.
Lẽ dĩ nhiên là chúng tôi phải chọn những cá thể thấp cây, khả năng chống đổ tốt để nhân thành dòng G1 rồi chọn nhân ở các vụ sau mới có giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng đáp ứng nhu cầu của người nông dân. Nhờ có sự hỗ trợ kinh phí của tỉnh thông qua đề tài này là một động lực để chúng tôi chọn lọc thành công giống lúa chất lượng DQ11.
Bài, ảnh: Nguyễn Minh