Dừng lại hồi lâu trên đập tràn Lạc Khoái, tôi nhớ lại cảnh tượng nơi này cách đây chưa lâu. Hôm đó là ngày 5/10/2007, do ảnh hưởng của bão số 5, mưa lớn trên thượng nguồn đổ về khiến nước sông Hoàng Long dâng cao. Hàng nghìn người đã được huy động lên đê để chống tràn, song vì sự an toàn của tuyến đê và trước sự dữ dằn của cơn lũ, con trạch nằm trên đập tràn đã phải nhượng bộ. Nước sông cuồn cuộn, xối xả chảy vào làng. Chỉ sau một đêm, hàng nghìn hộ dân thuộc các xã Gia Lạc, Gia Minh, Gia Phong, Gia Sinh đã rơi vào cảnh "màn trời, chiếu đất". Khó khăn, thiếu thốn đủ bề.
Hôm nay trở lại, mọi thứ đều đã đổi thay, cuộc sống đang hồi sinh. Những cành cây trơ trụi vì ngập nước đã đâm chồi, nảy lộc. Chợ Lạc Khoái lại đông người. Trên những cánh đồng Vàng, đồng Si, đồng Cái, đất đã làm xong đang chờ ngày cấy. Cách đó không xa, con đường 477C cũng đang được thi công, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất của bà con nông dân.
Trao đổi với ông Tống Duy Tích, Chủ tịch UBND xã Gia Lạc, chúng tôi được biết: Đợt lũ lụt vừa qua đã gây khá nhiều thiệt hại cho nhân dân trong xã, với gần 500 mẫu lúa mùa đã chín chưa kịp gặt, 20 ha ao hồ thả cá bị mất trắng, hơn 1.000 nóc nhà cùng nhiều công trình phúc lợi như trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc của xã bị ngập sâu trong nước. Ước tính tổng thiệt hại hơn chục tỷ đồng.
Ngay khi nước rút, Đảng bộ và nhân dân trong xã đã bắt tay vào ổn định đời sống, khắc phục ô nhiễm môi trường, phát triển sản xuất. Toàn bộ nguồn cứu trợ của cấp trên, của các tập thể, cá nhân đối với nhân dân trong xã cũng đã được phân phối kịp thời, đảm bảo công khai, công bằng. Tỉnh cũng đã quyết định hỗ trợ xã 500 triệu đồng để xây dựng trường mầm non, 400 triệu đồng để làm tuyến đường 477C. Ngoài ra còn hỗ trợ về giống, vốn giúp các hộ dân khôi phục sản xuất. Xã cũng chủ động đầu tư hàng chục triệu đồng để san vá ổ gà, nạo vét mương máng, chuẩn bị các điều kiện phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2008.
Vụ đông xuân này, Gia Lạc cấy 368 ha, trong đó có hơn 100 mẫu ngoài đê, 90% diện tích được cấy bằng các giống xuân muộn. Là nơi "rốn nước" rất khó đưa cây mầu vào vụ đông, muốn tăng giá trị trên 1 ha canh tác, Gia Lạc đã chọn cách riêng: Làm lúa chét. Qua 2 vụ triển khai, kết quả cho thấy khả quan. Năng suất lúa chét đạt 20-25 tạ/ha, bằng 1/2 năng suất lúa chính vụ. Vụ tới, Gia Lạc sẽ nâng diện tích làm lúa chét từ 60 ha lên 200 ha.
Có thể thấy, bằng việc phát huy nội lực, cộng với sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, của cộng đồng, đời sống của người dân vùng lũ đến nay đã ổn định và tiếp tục phát triển. Chuẩn bị đón xuân mới Mậu Tý, xã đã chỉ đạo các đoàn thể rà soát đối tượng, nắm danh sách hộ nghèo, trong đó đặc biệt quan tâm tới gia đình chính sách, người già không nơi nương tựa, người tàn tật để có giải pháp giúp đỡ kịp thời, đảm bảo không để xảy ra thiếu đói, nhà nhà đều có Tết.
Chia tay Gia Lạc, chúng tôi về Thượng Hòa, một trong 17 xã của huyện Nho Quan bị ảnh hưởng nặng nề của đợt lụt vừa qua. Từ cầu Sui, rẽ lên đê Năm Căn, theo trục đường liên xã Thượng Hòa - Thanh Lạc, đi qua các thôn Hữu Thường, Vân Trình, đâu đâu chúng tôi cũng thấy màu xanh của cây cối, của ruộng vườn đang độ hồi sinh. Gặp chúng tôi, bác Đinh Văn Vàng nói luôn: Nhà tôi có 5 người, cấy 8 sào ruộng. Đồng đất ở đây trũng chỉ cấy được 1 vụ ăn chắc. Năm nay, gặp thiên tai, mất mùa, nhiều nhà không đủ lúa ăn đến vụ sau. Thế nhưng ơn Đảng, ơn Nhà nước, chúng tôi đã được giúp đỡ rất nhiều. Mấy ngày nữa hai con tôi làm trong Nam sẽ về ăn Tết. Gạo nhà nước đã hỗ trợ, nhà cũng nuôi được chục con gà. Tết đến, gia đình đoàn tụ là vui lắm rồi.
Được biết, đợt lũ lụt vừa qua, Sơn Thành đã có 845 hộ bị ngập sâu trong nước, toàn xã có trên 300 ha ao đầm thả cá bị mất trắng, hầu hết diện tích lúa mùa đều chưa kịp gặt. Ước tính thiệt hại khoảng 7 tỷ đồng. Nhằm giúp bà con vượt qua khó khăn, Nhà nước và cộng đồng đã giúp đỡ Sơn Thành trên 76 tấn gạo, 4,4 tấn thóc giống, trên 500 triệu đồng cùng nhiều mặt hàng thiết yếu khác. Toàn xã cũng đã có hơn 50 hộ thả cá được nhận hỗ trợ của tỉnh với mức 5 triệu đồng/ha… Đây cũng là năm Sơn Thành tiếp nhận nhiều nguồn cứu trợ nhất, song không để xảy ra thắc mắc, khiếu kiện.
Vụ đông xuân này, Sơn Thành có kế hoạch gieo cấy 1.650 mẫu, trong đó 70% là xuân chính vụ, năng suất phấn đấu đạt 55 - 58 tạ/ha. Giống như Gia Lạc, Sơn Thành đã khá thành công trong việc sản xuất lúa chét, với diện tích 67 ha, năng suất đạt 90 kg/sào. Hiện nay, cùng với việc xuống đồng cấy lúa đông xuân, các hộ nuôi thả cá cũng đang tích cực cải tạo ao hồ, quyết tâm vực lại sản xuất.
Tin rằng, với ý chí đã được tôi luyện, cùng sự quan tâm của cấp trên, sự sẻ chia của cộng đồng, người dân vùng lũ sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn, chuẩn bị đón năm mới vui vẻ, an toàn và giành nhiều thắng lợi trong năm mới 2008.
Trang Nhung