Trước đây, khi các tuyến đê chưa được kiên cố hóa thì hầu hết diện tích của huyện nằm trong những tuyến đê bao bằng đất, đến mùa mưa lũ, người dân các xã vùng trũng lúc nào cũng trong tâm trạng thấp thỏm không yên.
Đồng chí Bùi Trọng Vinh, Phó phòng Kinh tế huyện Gia Viễn cho biết:Là một trọng điểm phòng, chống lụt bão của tỉnh, huyện Gia Viễn luôn được quan tâm đầu tư tu bổ, nâng cấp hệ thống đê điều. Đến nay đã có nhiều tuyến đê được bê tông hóa hoàn chỉnh, trong đó tuyến đê có ý nghĩa lớn với người dân vùng xả lũ là tuyến đê hữu sông Hoàng Long. Đê hữu sông Hoàng Long có chiều dài 10,3 km đi qua địa bàn 3 xã Gia Minh, Gia Lạc và Gia Sinh (huyện Gia Viễn) có nhiệm vụ chống lũ sông Hoàng Long, bảo vệ sản xuất và đời sống của 11 xã thuộc 2 huyện Gia Viễn và Nho Quan.
Trước đây, mặc dù tuyến đê vẫn đảm bảo cao trình +5,4 m, tuy nhiên khả năng chống chịu của đê còn kém. Nhất là những khi mức nước sông đạt +4 m thì trong đê nhiều đoạn xuất hiện mạch sủi khiến công tác phòng, chống lụt bão của huyện rất vất vả. Từ năm 2006, tuyến đê đã được đầu tư kiên cố hóa, nâng cao cao trình chống tràn và mặt cắt đảm bảo chống lũ. Trên tuyến đê hiện có 3 cống, 1 đập tràn Lạc Khoái và 1 âu thuyền mới được sửa chữa nâng cấp, đặc biệt toàn bộ mặt đê với bề rộng 4 m đã được bê tông hóa. Cao trình phần đê trung bình đạt +5,7 m, cao trình tràn cứng là +4 m và đắp thêm con trạch 0,6 m, cơ bản ngăn được lũ sông Hoàng Long theo cao trình thiết kế. Mặt khác, 730 m đập tràn trên tuyến đê còn có vai trò quan trọng trong hạ thấp đỉnh lũ, góp phần bảo vệ an toàn cho các tuyến đê trọng điểm Trường Yên, sông Đáy, tả Hoàng Long, Đầm Cút, Năm Căn...
Ông Đinh Thế Nghi, Bí thư chi bộ thôn Đông Thắng 1, xã Gia Lạc cho biết: Từ khi dự án được thực hiện, người dân trong thôn rất phấn khởi. Nhìn tuyến đê "hiên ngang sừng sững", nhân dân trong thôn mặc dù vẫn nằm trong vùng xả lũ nhưng đến mùa mưa lũ cũng cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều. Không chỉ có vai trò ngăn lũ, nhờ được bê tông hóa, mặt đê hữu Hoàng Long trở thành đường giao thông quan trọng của nhân dân 3 xã.
Không chỉ dừng lại ở khả năng ngăn lũ, làm đường giao thông nông thôn, mặt bê tông của đê hữu Hoàng Long còn được sử dụng làm nơi sơ tán dân trong tình huống khẩn cấp. Người dân Gia Viễn và người dân cả tỉnh không thể quên đợt xả lũ tháng 10/2007, đã nhấn chìm nhiều xã thuộc hai huyện Nho Quan và Gia Viễn, khi đó mặt bê tông của tuyến đê hữu Hoàng Long trở thành nơi cho hàng trăm hộ dân tạm thời trú ngụ trong những ngày khó khăn.
Anh Đinh Văn Ngọc, một người dân ở xóm Đông Thắng, xã Gia Lạc cho biết: nhà tôi gần chân đê nên mỗi khi có lũ lớn đều phải di tản, nhất là trong dịp xả lũ năm trước. Cả nhà gồm 4 người cùng lợn, gà, trâu, một ít lương thực và quần áo đã di tản kịp thời lên mặt đê, dù tạm bợ nhưng cũng còn có chỗ mà ăn ở. Sau khi được kiên cố hòa thì hầu hết chiều dài tuyến đê đều khá an toàn và thuận lợi cho di dời người và tài sản. Tuy nhiên, để đảm bảo cuộc sống cho người dân địa phương, người dân nơi đây kiến nghị Nhà nước xem xét, nạo vét lòng sông, đồng thời hỗ trợ, đầu tư xây dựng nhà kiên cố cao hơn đỉnh lũ và giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, ổn định sản xuất cho nhân dân vùng xả lũ.
Bài, ảnh: Quốc Khang