Kỳ 1: Sập bẫy khuyến mại "Mỗi ngày một chuyên gia"
Trong vai người mua hàng, chúng tôi có mặt tại trụ sở Công ty D.S trên đường Trần Hưng Đạo thuộc địa bàn phường Ninh Khánh (thành phố Ninh Bình) để được nghe buổi quảng cáo, giới thiệu các sản phẩm đến từ Hàn Quốc. Lối vào được vây kín bởi gần 200 chiếc xe đạp, đa phần khá cũ kỹ, nhiều chiếc xe còn chằng buộc nào là làn, nào là túi của các bà, các mẹ vừa vội vã trở về từ phiên chợ sáng. Bước vào căn phòng rộng chừng vài chục m2 đã có tới hàng trăm người đang ngồi nghe, thậm chí hò reo theo một anh thanh niên đứng trên sân khấu với vài món hàng trông khá bắt mắt. Vì đến muộn nên chúng tôi chưa được làm thẻ (chiếc thẻ sau này sẽ được dùng để đăng ký mua hàng…) như những người khác, nhưng trong lúc còn đang ngơ ngác tìm chỗ ngồi thì ngay lập tức có một nhân viên của Công ty đến kéo ghế lại và chào hỏi: Chị đến hơi muộn nhưng chị yên tâm, mỗi ngày Công ty em sẽ có một chuyên gia trực tiếp trao đổi, tư vấn về các vấn đề và các sản phẩm mà chị quan tâm. "Lời hứa" này chính là lý do khiến chúng tôi quay lại đây vào những ngày sau đó.
Sau khi ổn định chỗ ngồi, chúng tôi được yêu cầu giữ im lặng để tập trung nghe "sếp" giới thiệu sản phẩm chủ lực của Công ty, đó là Cao hắc sâm Hàn Quốc với giá bán 12 triệu 800 nghìn đồng/hộp có trọng lượng 100g. "Sếp" ở đây là một anh thanh niên chừng gần 30 tuổi và tự giới thiệu đến từ Bình Định. Nghe cách xưng hô là "con" với "các bác, các cô" cùng lối diễn đạt liến thoắng khiến chúng tôi liên tưởng tới hình ảnh của các hoạt náo viên hơn là những người bán hàng chuyên nghiệp. Anh ta (sếp) liên tục nhắc đi, nhắc lại: Có ai đăng ký mua không ạ? Khi không có cánh tay nào giơ lên, anh ta tiếp tục: Đúng rồi, các bác đừng vội đăng ký vì đây là số tiền rất lớn, hãy nghe con giới thiệu về công dụng của sản phẩm, con mang cả bản thân mình ra để đảm bảo (?!). Qua lời giới thiệu thì sản phẩm này được coi như "thần dược" có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe của con người, nhất là những người cao tuổi. Lúc này đã có vài cánh tay giơ lên. Ngay lập tức có khoảng 5-7 nhân viên của Công ty đứng xen kẽ trong đám khách hàng nhảy lên hò reo, vẫy thẻ cho mọi người cùng nhìn thấy. Tưởng chừng việc mua bán sẽ diễn ra ngay sau đó, nhưng anh chàng được gọi là "sếp" lại tỏ ra khá bình tĩnh, làm cho không khí dường như trùng xuống: Các bác cứ đăng ký, hôm sau chúng con mới bán sản phẩm. Các bác sẽ không bao giờ phải ân hận với quyết định này.
Cùng với cách thức tiến hành như buổi giới thiệu sản phẩm đầu tiên, các buổi tiếp theo Công ty còn đưa ra nhiều sản phẩm để bán như: kem đánh răng có giá 400 nghìn đồng (tặng kèm 1 hộp cùng loại), túi cao dán có giá 300 nghìn đồng, kẹo sâm được giới thiệu là giúp kích thích ăn ngon ở trẻ nhỏ có giá 200 nghìn đồng… Đã có không ít người nhanh chóng mở ví mua các sản phẩm này. Nhiều người trông khá lam lũ, vất vả. Cũng sau vài ngày thì nhân viên của công ty chia sẻ với chúng tôi đã có 4 người mua được sản phẩm Cao hắc sâm, nhưng lúc này giá bán giảm xuống còn hơn 9 triệu đồng. Thấy chúng tôi quan tâm tới sản phẩm này, một khách hàng-là một người phụ nữ chừng ngoài 60 tuổi đứng bên cạnh nhanh nhảu: cô đang dồn tiền để mua đấy, nhưng phải giữ kín, cháu cũng đừng nói với ai, nhiều người bị chồng con mắng rồi cấm đấy… Cậu nhân viên nghe vậy cười hưởng ứng (!?).
Lời dặn dò này gây không ít tò mò khiến chúng tôi tìm tới một số cửa hàng có uy tín trên địa bàn thành phố đang bán sản phẩm cùng loại để so sánh về giá cả. Theo chủ cửa hàng Thành Chung- một cửa hàng có uy tín lâu năm về kinh doanh các sản phẩm xách tay từ Hàn Quốc (đường Lê Hồng Phong) nói: hiện nay trên thị trường sản phẩm Cao hắc sâm được đánh giá là tốt nhất có giá thành cao nhất cũng chỉ dao động trong khoảng trên dưới 1 triệu đồng/100g… Một số sản phẩm khác như kẹo sâm loại ngon chỉ 35 nghìn đồng/gói, kem đánh răng không quá 100 nghìn đồng…
Giá cả chênh nhau tới cả chục lần đối với sản phẩm Cao hắc sâm có lẽ là lời giải đáp rõ ràng nhất cho lời dặn dò ở trên.
Nhà văn hóa thành nơi bán hàng
Không có trụ sở cố định để bán hàng như Công ty D.S, Công ty TNHH sản xuất thương mại và phát triển khoa học công nghệ Thiên An (Hà Nội) chọn cách tiếp thị, bán hàng lưu động. Vào trung tuần tháng 7 vừa qua, có trong tay văn bản của Phòng Kinh tế thành phố Ninh Bình, Công ty này dễ dàng tiếp cận và nhận được sự tạo điều kiện của chính quyền xã Ninh Nhất để tổ chức quảng cáo, giới thiệu sản phẩm tại một số nhà văn hóa thôn.
Ông Lê Trọng Thể, Trưởng Công an xã cho biết: Thực tế Công ty Thiên An đã không chỉ giới thiệu mà còn tiến hành bán hàng. Hoạt động này được Công ty gấp rút tổ chức trong vòng 30 phút ở cùng một thời điểm tại các thôn ích Duệ, Đề Lộc, Thượng Nam, Thượng Bắc với sự tham gia của hơn 100 người, sau đó nhanh chóng đi khỏi địa phương.
Để bán được hàng, Công ty đã dùng nhiều chiêu trò khác nhau, đánh vào tâm lý hám lợi, thiếu hiểu biết của một số người dân. Trước tiên các đối tượng này tặng các phần quà nhỏ và bán các sản phẩm giá rẻ như bóng đèn, đèn pin… với phương thức những ai đăng ký mua thì nộp tiền trước, sau khi nhận hàng, phía Công ty hoàn lại tiền 100%. Những người dân đăng ký mua các sản phẩm giá rẻ này sau đó đều được tặng lại 1 phong bì có số tiền như ban đầu người dân đã bỏ ra. Việc làm này được tiến hành một cách công khai, ồn ào trong tiếng hò reo của người mua, kẻ bán. Khi đã chiếm được lòng tin, các đối tượng mới tiếp tục rao bán các sản phẩm có giá trị cao là nồi cơm điện, chảo điện đa năng có giá từ 2 triệu đến 2,8 triệu đồng/sản phẩm, nhiều người nhanh chóng đăng ký mua. Sau khi nhận tiền, các đối tượng giao hàng, giao phong bì và nhanh chóng rời đi. Người dân tuy nhận đúng sản phẩm mình đăng ký mua nhưng kiểm tra phát hiện trong mỗi phong bì chỉ có số tiền 20 nghìn đồng, 50 nghìn đồng hoặc 100 nghìn đồng, không đúng với lời hứa khuyến mại 100% sản phẩm (tức là hoàn lại số tiền người dân đã bỏ ra). Lúc này nhiều người mới vỡ lẽ, cảm thấy như mình vừa bị lừa, định trả lại sản phẩm vừa mua, quay ra thì Công ty đã "cao chạy, xa bay". Với chiêu trò này các đối tượng đã bán hàng cho 45 người dân với tổng số tiền 119.600.000 đồng.
Nhẵn túi với "Tour du lịch 0 đồng"
Cũng lại là bán hàng với giá cả, chất lượng đã được "phù phép", trong tháng 8 vừa qua, trên địa bàn thành phố Ninh Bình xuất hiện một số Công ty có địa chỉ tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh như: Công ty TNHH thương mại quốc tế Minh Trí, Công ty TNHH tổ chức sự kiện - truyền thông HTL đến liên hệ với chính quyền các phường, xã giới thiệu về chương trình tham quan, du lịch miễn phí. Với mục đích cao đẹp được đưa ra là: chuyến đi được tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu và tìm hiểu về giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc và cầu mong 1 năm hạnh phúc, bình an tới toàn thể đại gia đình quý khách hàng của Công ty, một số địa phương đã nhanh chóng tạo điều kiện để hoạt động này được diễn ra với sự "vào cuộc" của các hội, đoàn thể (chủ yếu là Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh). Theo đó, Công ty hỗ trợ hoàn toàn xe đưa đón, tiền ăn, nghỉ, phí tham quan, giao lưu văn nghệ cùng cán bộ của Công ty và được tặng quà lưu niệm. Trên tờ Thư mời mà chúng tôi có trong tay, Công ty cũng đã khéo léo in đậm dòng chữ "Quý khách chỉ mang theo kinh phí để mua quà lưu niệm, đặc sản các vùng miền".
Chị Loan, hội viên phụ nữ của phường Đông Thành trở về sau 1 ngày du lịch cùng Công ty TNHH tổ chức sự kiện - truyền thông HTL bức xúc nói: Tôi mang đi hơn 2 triệu đồng, về đến nhà thì nhẵn túi không còn một xu nào. Những chị em, cô bác đi cùng đa phần cũng rơi vào tình cảnh như vậy, thậm chí có người còn phải đi vay thêm tiền…
Cầm chiếc máy làm sữa đậu nành và vài thứ đồ gia dụng từ trong nhà đi ra, chị Loan buồn bã kể lại: Tất cả là vì những thứ này đây. Khi lên đến Hà Nội, Công ty cho chúng tôi vào một căn phòng và bắt đầu quảng cáo các sản phẩm gia dụng. Liên tiếp những lời nói ngon ngọt, những chiêu khuyến mại, tặng quà lên tới 100% giá trị sản phẩm, rồi những hình ảnh, những hành động quảng cáo hấp dẫn (chiếc bếp điện ngâm dưới ao cả năm trời vẫn dùng tốt, hay những chiếc chảo đập mạnh xuống đất không vỡ…) làm cho chúng tôi dường như không còn tỉnh táo và vội vã móc ví ra mua hàng. Không phải nghĩ nhiều vì thông tin họ đưa ra còn kèm theo tên tuổi (mạo danh) các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ngoài ra, hoạt động mua bán này lại nằm trong chương trình chuyến du lịch theo "kênh" của Hội Phụ nữ nên chúng tôi hoàn toàn tin tưởng. Cho đến khi một vài người mua phải những chiếc nồi, chiếc chảo bị hoen gỉ muốn được trả lại hàng thì Công ty không đồng ý và kết thúc việc bán hàng một cách chóng vánh, lúc ấy không ít người đã lờ mờ nhận ra những điều bất thường…
Nỗi hoài nghi ấy đã rõ khi chúng tôi về tới nhà và tìm kiếm trên mạng các sản phẩm cùng chủng loại. Nhưng việc tìm kiếm thật khó khăn vì đây không phải là những thương hiệu phổ biến và nổi tiếng. Như chiếc máy làm sữa đậu nành tôi vừa mua với giá gần 2 triệu đồng (không có hướng dẫn sử dụng, không có giấy tờ bảo hành), khi đem so sánh sản phẩm cùng loại của một số thương hiệu lớn thì giá cao hơn tới cả triệu đồng. Nhưng không dừng lại ở đó, cùng đoàn đi với tôi có một số người mang sản phẩm ra dùng ngay lập tức phát hiện hỏng hóc, liên hệ với Công ty (theo số điện thoại trên thư mời) thì nhận được phản hồi chậm chạp, thờ ơ. Và cho đến giờ (sau cả tháng trời) vẫn chưa được giải quyết…
Theo ghi nhận của chúng tôi, ngoài những ý kiến bức xúc, cũng có trường hợp cảm thấy mình đã bị lừa song do tâm lý "xấu hổ" nên không dám nói ra.
Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn thành phố Ninh Bình đã có khoảng hơn 1 nghìn người tham gia các chuyến đi này, trong đó phường Ninh Khánh có hơn 200 hội viên Hội Phụ nữ đi tham quan làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) theo lời mời của Công ty TNHH thương mại quốc tế Minh Trí; phường Đông Thành có hơn 500 người, phường Bích Đào có hơn 100 người là hội viên Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ… đi tham quan tại Khu di tích lịch sử K9 (tại Hà Nội) theo lời mời của Công ty TNHH tổ chức sự kiện - truyền thông HTL.
Kỳ 2: Lời cảnh tỉnh cho người dân và chính quyền cơ sở
Trên địa bàn thành phố Ninh Bình những tháng gần đây đã có tới hơn 1 nghìn người "sập bẫy" khuyến mại với thiệt hại lên tới hàng trăm triệu đồng nhưng để các cơ quan chức năng có thể vào cuộc xử lý các hoạt động này thì không hề đơn giản bởi các Công ty đều đã có những chiêu trò mới hết sức tinh vi. Trong khi đó, vẫn còn không ít chính quyền địa phương và người dân đang "nhẹ dạ cả tin" chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt…
Hơn 40 người dân ở xã Ninh Nhất (thành phố Ninh Bình) vừa được Công ty TNHH sản xuất thương mại và phát triển khoa học công nghệ Thiên An hoàn lại số tiền hơn 90 triệu đồng sau khi có sự can thiệp của Công an thành phố Ninh Bình. Thiếu tá Ngô Quang Tĩnh, Phó Trưởng Công an thành phố cho biết: Sau khi nhận được ý kiến phản ánh của nhân dân về vụ việc xảy ra tại xã Ninh Nhất liên quan đến Công ty Thiên An, qua công tác phối hợp chúng tôi được biết Công ty này đã tiếp tục thực hiện các hoạt động bán hàng khuyến mại tại huyện Kim Sơn và bị người dân địa phương phản ứng khá mạnh mẽ. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, xác minh được các hóa đơn nhập hàng của Công ty, hóa đơn có giá trị cao nhất cũng chỉ 400 nghìn đồng/sản phẩm… Hơn nữa công ty đã không đăng ký địa điểm bán hàng tại địa phương. Qua trao đổi, gặp gỡ, phía Công ty đã nhận lại hàng, trả lại tiền cho người dân. Hiện cơ quan cảnh sát điều tra (Công an thành phố Ninh Bình) đang tiếp tục điều tra làm rõ các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các đối tượng.
Tuy vậy đây cũng chỉ là một trong những lần hiếm hoi mà người dân không phải gánh hậu quả nặng nề từ các chiêu trò bán hàng khuyến mại của các "công ty lạ". Thiếu tá Ngô Quang Tĩnh cho biết: Thực tế công tác điều tra, xử lý các hành vi này không hề dễ dàng bởi mặc dù có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhưng thủ đoạn lại rất tinh vi. Bản chất là việc đẩy giá bán lên quá cao bằng các chiêu trò khuyến mại, thêm nữa chất lượng sản phẩm cũng được quảng cáo chưa đúng với thực tế gây thiệt hại không nhỏ cho người dân, nhưng mặt khác Công ty đã có đầy đủ các giấy tờ đăng ký kinh doanh cũng như các hóa đơn mua bán theo quy định.
Đại diện Công an thành phố cho biết thêm: Để có thể bảo vệ người dân, hiện nay chúng tôi đã và đang tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn bán hàng lừa đảo, đồng thời tham mưu cho lãnh đạo UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo đối với các nội dung liên quan.
Về sự việc xảy ra tại địa phương mình, ông Nguyễn Như Bằng, Chủ tịch UBND xã Ninh Nhất cho biết: nhận được văn bản của phòng Kinh tế thành phố chúng tôi đã tạo điều kiện cho công ty Thiên An đến giới thiệu sản phẩm, lấy ý kiến khách hàng tại xã nhưng không ngờ công ty này lại tiến hành bán hàng. Chúng tôi đã nghiêm khắc rút kinh nghiệm trong việc tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động quảng cáo, giới thiệu sản phẩm trên địa bàn, sau đó lợi dụng để bán hàng không đúng quy định; đồng thời sẽ tăng cường việc giám sát khi các hoạt động này diễn ra tại địa phương…
Ngoài vụ việc xảy ra tại xã Ninh Nhất, đối với một số hoạt động bán hàng khuyến mại tương tự của Công ty D.S, hay bán hàng qua "tuor du lịch 0 đồng" vừa qua, đại diện Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết: các hoạt động mua bán đó đều diễn ra tự nguyện với hình thức "thuận mua vừa bán", trong khi đó các mặt hàng này lại không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá nên chúng tôi cũng "gặp khó" trong công tác quản lý.
Khi mà các cơ quan chức năng đang "gặp khó" trong công tác quản lý thì một số chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể ở cơ sở lại đang tự "làm khó" chính mình, làm khó người dân khi dễ dàng để các Công ty, doanh nghiệp mượn danh nghĩa của mình để triển khai các hoạt động bán hàng có dấu hiệu lừa đảo (nhất là tour du lịch 0 đồng). Việc làm này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người dân mà còn ảnh hưởng không tốt tới uy tín của tổ chức hội. Bà Bùi Thị Tú Huê, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Đông Thành cho biết: Sau sự việc vừa xảy ra, chúng tôi sẽ cẩn trọng hơn trong việc tìm hiểu thông tin trước khi có sự phối hợp với doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động liên quan đến hội viên của mình.
Vẫn còn nhiều "ấm ức" sau "tour du lịch 0 đồng" nhưng chị Loan, hội viên phụ nữ phường Đông Thành cũng thẳng thắn nhìn nhận: Thực ra các đối tượng sẽ khó có thể làm gì nếu mỗi người chúng ta đề cao cảnh giác và không hám lợi trước mắt bởi vì người phương Tây vẫn thường có câu "chẳng có bữa trưa nào miễn phí cả".
Có thể thấy công tác quản lý đang "gặp khó", nhận thức của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế, nhưng điều đó không có nghĩa là để mặc bà con loay hoay vướng vào các chiêu trò bán hàng có dấu hiệu lừa đảo, vì vậy thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần tăng cường nắm tình hình, thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra các hoạt động có dấu hiệu lừa đảo. Đồng thời công tác tuyên truyền cần được triển khai không chỉ đối với người dân mà thậm chí còn cần được thực hiện đối với chính quyền cơ sở, các hội, đoàn thể để họ không vô tình "tiếp tay" cho các hành vi có dấu hiệu lừa đảo như đã từng xảy ra ở phường Đông Thành, phường Ninh Sơn… (theo tour du lịch 0 đồng) hay như việc bán hàng tại nhà văn hóa thôn ở xã Ninh Nhất thời gian vừa qua… Cùng với đó, phòng kinh tế thành phố cũng cần nâng cao trách nhiệm trong việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị tổ chức hoạt động tiếp thị, bán hàng, giới thiệu sản phẩm trên địa bàn thành phố...
Đào Duy