Theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ cháy rừng, tổng diện tích thiệt hại 4.270m2, xảy ra chủ yếu ở rừng phòng hộ khoanh nuôi núi đá. Để hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng có thể xảy ra, Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
Ông Lê Sỹ Dương, Phó phòng quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình cho biết: Xác định công tác PCCC là nhiệm vụ trọng tâm, Chi cục đã đã khoanh vùng trọng điểm thường xảy ra cháy rừng và chia thành 3 mức độ nhỏ, vừa và lớn.
Cháy rừng thường xảy ra vào mùa nắng và hanh khô. Với phương châm "phòng là chính, chữa cháy rừng kịp thời, khẩn trương, hiệu quả", ngay từ đầu năm, Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình đã tổ chức quán triệt và triển khai nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách PCCC rừng tới các Hạt kiểm lâm và chính quyền địa phương; tham mưu cho UBND các cấp thành lập và kiện toàn Ban chỉ huy PCCC rừng từ tỉnh đến cơ sở; chuẩn bị các phương án, kế hoạch PCCC rừng đồng bộ nhằm kiểm soát chặt chẽ các nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra. Đồng thời, tiến hành kiểm tra, rà soát các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao.
Để công tác PCCC rừng trở thành ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình đã tổ chức tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật, các biện pháp kỹ thuật PCCC rừng dưới nhiều hình thức như qua các phương tiện thông tin truyền thông, tuyên truyền lưu động, qua các cuộc hội họp.
Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm còn phối hợp với lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng tổ chức tập huấn, diễn tập chữa cháy rừng qua các tình huống giả định cụ thể; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các chủ rừng xây dựng các đường băng cản lửa và công trình PCCC rừng; tổ chức cắm biển báo ở những vùng trọng điểm có nguy cơ dễ cháy rừng; xử lý thực bì để trồng rừng đúng quy định, bảo đảm an toàn trong PCCC rừng.
Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm còn tăng cường canh gác tại các rừng, các trạm, duy trì thông tin liên lạc đảm bảo thông suốt; chuẩn bị các phương tiện và dụng cụ phục vụ PCCCR đảm bảo huy động kịp thời khi xảy ra cháy rừng.
Đặc biệt, trong các tháng cao điểm cấp dự báo cháy rừng, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với Ban chỉ huy PCCC các xã, thị trấn bố trí lực lượng thực hiện chế độ thường trực trong ngày; xác định, phân loại các vùng rừng có nguy cơ dễ xảy ra cháy và thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng cho từng đối tượng rừng; quản lý chặt chẽ các nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt ở trong rừng và ven rừng; đôn đốc các chủ rừng thực hiện các biện pháp an toàn cháy rừng, duy trì thường trực lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng, đảm bảo chữa cháy kịp thời.
Tuy nhiên, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, trong thời gian tới thời tiết sẽ có nhiều diễn biến phức tạp khó lường.
Để ứng phó kịp thời với nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh, Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh nâng cao chất lượng và đổi mới nội dung, cách thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về các quy định PCCC rừng đến mọi tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức; thực hiện theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, phối hợp tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng tại gốc; tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh; tăng cường các biện pháp PCCC rừng tại các vùng trọng điểm; tập trung chỉ đạo quản lý tốt nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng ở cộng đồng dân cư; quản lý chặt chẽ số hộ gia đình, cá nhân dùng lửa đốt thực bì, yêu cầu khi đốt phải được chính quyền cơ sở và Kiểm lâm địa bàn kiểm tra đảm bảo an toàn mới cho thực hiện; đồng thời đầu tư xây dựng các công trình PCCC rừng; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, dụng cụ, hậu cần, sẵn sàng chữa cháy rừng khi có tình huống xấu xảy ra, góp phần bảo vệ và PCCC rừng.
Kiều Ân