Chất Bình là một xã thuần nông. Diện tích gieo cấy lúa hàng năm gần 700ha. Vụ đông xuân 2016, hơn 30 ha lúa tại xã Chất Bình bị thiệt hại do cơn bão số 1. Đến vụ mùa, nhiều diện tích lúa bị nhiễm bệnh bạc lá hoặc đốm sọc vi khuẩn do tập quán canh tác của người nông dân thường bón thừa đạm, gây mất cân đối. Những yếu tố trên đã làm giảm năng suất lúa. Năm 2016, sản lượng lúa 2 vụ tại Chất Bình đạt trên 4.200 tấn.
Là đơn vị kết nghĩa với xã Chất Bình theo Quyết định 140-QĐ/TU, ông Trương Hải Lưu, chủ doanh nghiệp tư nhân Tuyết Lưu đã bày tỏ với cấp ủy, chính quyền xã những trăn trở về việc tìm các giống lúa mới có khả năng chống chịu sâu bệnh, dịch hại tốt hơn, nhằm thay thế các giống lúa cũ để đảm bảo năng suất lúa các vụ.
Từ đó sẽ góp phần nâng cao thu nhập từ cấy lúa cho bà con nông dân. Ông Lưu cho biết: Thực hiện Quyết định 140 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Doanh nghiệp tư nhân Tuyết Lưu xác định việc giúp đỡ xã Chất Bình hiệu quả và bền vững chính là nâng cao thu nhập cho người dân trong xã.
Với đặc điểm Chất Bình là xã thuần nông, hơn thế, doanh nghiệp hiện cũng đang sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nên phía doanh nghiệp và xã đã đi đến thống nhất trong việc phát triển nông nghiệp hàng hóa, nâng cao năng suất và chất lượng lúa.
Được sự quan tâm, tạo điều kiện của Sở Nông nghiệp và PTNT, Phòng Nông nghiệp huyện Kim Sơn, trong vụ mùa vừa qua, Doanh nghiệp phối hợp với xã Chất Bình tổ chức sản xuất khảo nghiệm theo vùng quy hoạch của xã với diện tích gần 4 ha. Trên diện tích này gieo cấy các giống lúa như: BQ, T49-1, Nếp NP3, Hương Việt và Bắc Thơm số 7 kháng bạc lá. Doanh nghiệp đã hỗ trợ 100% giống lúa và một phần phân bón. Trước khi bắt đầu sản xuất, Doanh nghiệp cũng tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho bà con nông dân địa phương.
Thông qua quá trình sản xuất khảo nghiệm, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã sẽ tìm ra được những giống lúa thích hợp, cho năng suất cao, chất lượng tốt để sản xuất đại trà. Từ đó tăng sản lượng lúa, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Qua kết quả đánh giá mô hình khảo nghiệm cho thấy, các giống lúa thuần kể trên đều thích ứng với đồng đất tại xã Chất Bình, năng suất khá, chất lượng gạo thơm. Đặc biệt là giống lúa Bắc Thơm số 7 kháng bạc lá và giống T49-1 thể hiện rõ ưu thế với đặc tính kháng bạc lá, rất thích hợp cho việc gieo cấy vụ mùa.
Ông Lưu hồ hởi chia sẻ với chúng tôi: Giống lúa chất lượng cao T49-1 được lai tạo từ tổ hợp Bắc thơm số 7 và dòng IRBB4/7, là giống lúa chịu thâm canh, kháng bệnh bạc lá tốt. Năng suất đạt từ 6 - 6,5 tấn/ha/vụ, thâm canh tốt có thể đạt 7 tấn. Với nhiều năm nghiên cứu các giống lúa, tôi có thể khẳng định giống lúa T49-1 sẽ là giống lúa thay thế Bắc Thơm 7 và LT2 trong tương lai.
Với kết quả khảo nghiệm được đánh giá khá tốt, xã Chất Bình đã chỉ đạo 2 HTX nông nghiệp là Cộng Thành và Hợp Thành lựa chọn 2-3 loại giống lúa tiềm năng, chất lượng cao để làm hàng hóa xuất khẩu, tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân. Cùng với đó, nghiên cứu gieo cấy giống lúa Bắc thơm 7 kháng bạc lá tại 2 vùng tập trung theo quy hoạch 185ha, đồng thời hình thành cánh đồng mẫu lớn rộng 30ha để gieo cấy giống lúa BQ.
Ông Trần Văn Tiên, Chủ tịch UBND xã Chất Bình cho biết: Nâng cao thu nhập cho người nông dân là điều mà chính quyền xã và doanh nghiệp cùng mong muốn hướng tới. Nhân dân sung túc, no đủ đồng nghĩa với việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương càng thêm phần thuận lợi, cũng như chủ trương, quan điểm của Đảng là "Lấy sức dân để chăm lo cho cuộc sống của nhân dân". Hiện nay, xã Chất Bình đã hoàn thành 11 tiêu chí; trong năm 2017, xã phấn đấu hoàn thành thêm 2 tiêu chí nữa.
Qua câu chuyện về sự gắn kết, giúp đỡ giữa doanh nghiệp và địa phương trong việc phát triển nông nghiệp tại Chất Bình, càng làm rõ hơn nữa sự đúng đắn của Quyết định 140-QĐ/TU. Từ đó góp phần giúp các địa phương phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững, nâng cao đời sống nhân dân, tạo động lực hoàn thành tiêu chí nông thôn mới. Đó chính là điều mà cấp ủy, chính quyền và đơn vị kết nghĩa với Chất Bình đang thực hiện.
Thái Học