Kỳ I: Bất cập trong hoạt động vận tải khách
Vận tải khách cố định núp bóng xe hợp đồng
Khoảng 2 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh ta loại hình xe hợp đồng dưới 10 chỗ (thường gọi là xe limousine) hoạt động khá phổ biến và đang có xu hướng ngày càng phát triển do thủ tục đơn giản. Có thể kể đến các hãng xe như Bình Minh của HTX vận tải 27/7 Hà Nội, Trường Sơn của Công ty cổ phần Du lịch vận tải Trường Sơn (Nam Định), X.E của Công ty TNHH X.E Việt Nam (Hà Nội)... Các công ty kinh doanh loại hình xe hợp đồng này đa số đều lấy khu trụ sở, văn phòng làm bãi "lậu" để dừng, đỗ xe như tại hồ Máy Xay, khu vực Trường Lương Văn Tụy, cầu Non Nước.
Gần đây, các công ty kinh doanh vận tải loại hình này còn treo băng zôn quảng cáo diễu hành khắp thành phố, phát tờ rơi đến từng hộ gia đình để quảng cáo giới thiệu "dịch vụ xe chất lượng cao Limousine Ninh Bình - Hà Nội", với các tuyến trả khách theo các địa điểm đã định như: Thành phố Ninh Bình - Trần Duy Hưng - Cầu Giấy - Nội Bài... Mặc dù giá đắt hơn xe khách truyền thống gấp gần 2 lần nhưng hiện ngày càng nhiều người dân lựa chọn dịch vụ vận tải này bởi sự tiện nghi, di chuyển nhanh mọi lúc mọi nơi, chỉ cần gọi điện thoại đặt chỗ là nhà xe sẽ đón tận nơi, đây đang trở thành thách thức đối với xe khách tuyến cố định. Việc phát triển thêm một loại hình vận tải khách sẽ giúp cho người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn.
Tuy nhiên, điều đáng nói là các phương tiện này thực chất là xe 16 chỗ hoán cải để lách luật và ngang nhiên len lỏi vào mọi ngõ ngách trong thành phố đưa, đón khách liên tỉnh như tuyến cố định dưới dạng phù hiệu xe hợp đồng một cách thường xuyên và lặp lại mỗi ngày. Việc hoán cải xe 16 chỗ thành xe dưới 10 chỗ nhằm để giúp đơn vị kinh doanh vận tải né tránh sự kiểm soát, quản lý của lực lượng chức năng, theo Nghị định 86 của Chính phủ, đơn vị kinh doanh vận tải hợp đồng không cần phải thông báo trước tới Sở Giao thông-Vận tải các thông tin cơ bản của chuyến đi, bao gồm: hành trình, số lượng khách, các điểm đón, trả khách, thời gian thực hiện hợp đồng. "Lách luật" kiểu này, xe Limousine dưới 10 chỗ không bị áp các quy định chặt chẽ về kinh doanh vận tải, đồng nghĩa với việc loại xe này được đặt ngoài vòng kiểm soát khi thực hiện những hợp đồng vận tải khách.
Thực tế, loại xe này thường hoạt động theo quy trình: đón khách, xếp chỗ, sau đó mới lấy tên, địa chỉ rồi điền vào danh sách hành khách vận chuyển theo hợp đồng lập sẵn, rồi thu tiền của khách hàng, thậm chí các công ty còn thực hiện mỗi khách hàng một hợp đồng. Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn, xe Limousine hoán cải này chính là biến tướng của hoạt động vận tải hành khách cố định núp bóng xe chạy hợp đồng để hoạt động chở khách một cách thường xuyên và trả khách tại các điểm cố định mà không đăng ký vào bến. Hình thức này không khác gì kiểu xe "dù", bến "cóc", gây nhiều hệ lụy cho hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh, nhưng lực lượng chức năng chưa quyết liệt xử lý.
Doanh nghiệp vận tải khách cố định lao đao
Việc loại hình xe hợp đồng Limousine trên phát triển mạnh đã làm cho lượng khách tuyến cố định giảm đi rất lớn, theo đó doanh thu của các đơn vị kinh doanh tuyến cố định giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp đứng ngồi không yên, nhiều xe xuất bến chỉ lèo tèo vài ba khách. Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải ô tô Ninh Bình cho biết: Từ năm 2017 đến nay, loại hình xe hợp đồng như Limousine bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh, làm ảnh hưởng rất lớn đến lượng hành khách cũng như doanh thu của đơn vị.
Công ty kinh doanh loại hình vận tải khách cố định là chủ yếu, ngoài phải gánh rất nhiều loại chi phí như bến bãi, phí BOT, phí bảo trì cao... còn phải chịu sự kiểm soát rất chặt chẽ của lực lượng chức năng. Đúng giờ, đúng "nốt" là phải đi, kể cả không có khách vẫn phải xuất bến. Trong khi những xe hợp đồng, xe "dù" không phải mất phí bến bãi vì không vào bến; bên cạnh đó, những xe hợp đồng có lợi thế là có khách mới đi, còn không có khách hoặc ít khách, không đủ lợi nhuận họ sẽ không đi; nếu đông khách còn có thể tăng chuyến quay vòng mà không gặp bất cứ sự kiểm soát nào. Chưa kể là xe "dù" nên họ cũng tránh được nhiều khoản thuế và không phải chịu sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng. Đã xuất hiện sự cạnh tranh không lành mạnh, điều đó khiến việc kinh doanh của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, chúng tôi đang rất lo lắng, người lao động cũng hoang mang. Vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp vận tải ô tô Ninh Bình cũng mới kiến nghị lên UBND tỉnh và một số ngành liên quan đề nghị xử lý vi phạm hoạt động vận tải hành khách hợp đồng.
Theo ông Lê Minh Thế, Giám đốc Hiệp hội Doanh nghiệp vận tải ô tô Ninh Bình: Việc xe hợp đồng trá hình hoạt động ngang nhiên trên địa bàn có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải cố định làm ăn nghiêm túc, đồng thời gây thất thu thuế cho nhà nước. Hiện nay một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang có ý định tiếp tục mua xe, đăng ký xe hợp đồng để "trá hình" vận tải khách cố định. Hiệp hội Doanh nghiệp vận tải ô tô Ninh Bình đề nghị các cơ quan quản lý xem xét, chỉ đạo quyết liệt, dẹp nạn xe "dù", bến "cóc"; kiểm tra thu hồi phù hiệu các xe "dù" trên và dừng việc cấp phù hiệu cho những xe núp dưới danh nghĩa xe hợp đồng và mang tên doanh nghiệp vận tải khách tuyến cố định nhằm lập lại môi trường kinh doanh vận tải hành khách lành mạnh, đúng pháp luật để người lao động trong doanh nghiệp kinh doanh vận tải yên tâm làm việc, ổn định cuộc sống. Theo bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải ô tô Ninh Bình: Nếu Nhà nước chấp nhận xe hợp đồng phát triển thì phải có một hành lang pháp lý để quản lý nghiêm, còn không thì phải kiên quyết xử lý dứt điểm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải cố định cũng như các Bến xe hoạt động và phát triển.
Bài, ảnh: Kiều Ân
Kỳ II: Siết chặt quản lý loại hình xe hợp đồng Limousine