Chăm sóc các thương, bệnh binh bằng lòng biết ơn sâu sắc nhất
Chủ Nhật, 24/07/2022, 03:12
Zalo
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022), phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với ông Đào Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan để hiểu hơn về công tác chăm sóc các thương, bệnh binh nặng- những người đã hi sinh một phần máu thịt cho nền độc lập tự do của Tổ quốc.
Chăm sóc các thương, bệnh binh bằng lòng biết ơn sâu sắc nhất
Phóng viên (PV): Là nơi chăm sóc, điều trị cho các thương, bệnh binh đặc biệt nặng trong suốt 57 năm qua, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan đã trở thành nơi "về nguồn" rất ý nghĩa của nhiều thế hệ. Ông có thể chia sẻ để bạn đọc, nhất là những người trẻ hiểu nhiều hơn về "địa chỉ đỏ" đặc biệt này?
Ông Đào Thanh Hải: Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan (Gọi tắt là Trung tâm) được thành lập từ năm 1965 với tên gọi ban đầu là Trại Điều dưỡng thương binh C. Trải qua các thời kỳ lịch sử với các tên gọi khác nhau, từ năm 2002 đến nay được đổi tên là Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan. Với chức năng, nhiệm vụ là tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng và thực hiện các chế độ, chính sách cho thương, bệnh binh có tỷ lệ mất sức lao động từ 81% trở lên.
Những ngày đầu mới thành lập, Trung tâm có 47 thương binh tâm thần nặng và 7 cán bộ, nhân viên phục vụ được chuyển từ Trại thương binh Nghệ An ra. Cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thốn, phải ở nhờ một dãy nhà cũ của Trại hàng binh Âu phi. Đơn vị vừa củng cố nơi ăn ở, đồng thời tiếp nhận số thương binh được chuyển từ trong chiến trường ra; vừa tổ chức quản lý, điều trị vừa tích cực tăng gia sản xuất lấy lương thực, thực phẩm để nuôi dưỡng thương binh. Chiến tranh càng ác liệt thì số lượng thương binh bị vết thương sọ não, tâm thần được chuyển về ngày càng nhiều. Số lượng được thu dung điều trị thời điểm đông nhất là trên 500 thương, bệnh binh tâm thần. Lực lượng nhân viên phục vụ thì quá thiếu, đa số là những phụ nữ trẻ tình nguyện xung phong vào trại để phục vụ việc chăm sóc thương binh…
Đó là những dữ liệu vô cùng quý giá, là động lực cho những cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên ở các thế hệ sau này noi gương, luôn phấn đấu vượt qua mọi khó khăn để làm tròn bổn phận, thể hiện được trọn vẹn tình cảm thiêng liêng đối với thế hệ cha anh đã hy sinh một phần xương máu vì nền độc lập của dân tộc.
Cùng với sự quan tâm đầu tư cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất của Nhà nước, của tỉnh và các nguồn lực xã hội hóa thì đội ngũ cán bộ, viên chức, lao động cũng ngày càng được chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, có ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết trên dưới một lòng; phát huy trình độ chuyên môn vững vàng và bề dầy kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều trị, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, giải quyết chế độ, chính sách cho thương, bệnh binh và bệnh nhân tâm thần…
Từ ngày thành lập đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận trên 2.000 thương, bệnh binh. Từ năm 2010 Trung tâm tiếp tục được UBND tỉnh Ninh Bình giao thêm nhiệm vụ: tiếp nhận, quản lý, điều trị, nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần diện bảo trợ xã hội là con người có công có hoàn cảnh đặc biệt. Năm 2014, Trung tâm được giao thêm nhiệm vụ tiếp nhận đối tượng là con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có hoàn cảnh đặc biệt vào nuôi dưỡng, chăm sóc.
Đến nay đã có 22 đối tượng là con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc tại trung tâm, góp phần chia sẻ gánh nặng đối với các gia đình người có công và thực hiện có hiệu quả các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng…
Hoạt động văn hóa, văn nghệ của thương, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan. Ảnh: Minh Quang
PV: Đến thăm Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan, thật xúc động khi chứng kiến đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên nỗ lực hết mình để "chiến đấu" với thương, bệnh tật, giành lại sức khỏe, sự sống cho các thương, bệnh binh. Ông có thể điểm lại một số kết quả nổi bật trong công tác chăm sóc, điều trị cho các thương, bệnh binh trong thời gian qua?
Ông Đào Thanh Hải: Hiện nay, ở Trung tâm đang chăm sóc cho 71 thương, bệnh binh có tỉ lệ mất sức tới 81%. Đặc điểm của thương, bệnh binh là vừa có thương, vừa có bệnh. Đối với thương binh, đa số là do vết thương sọ não, phần đông vẫn còn mảnh kim khí ở phần sâu của não và cơ thể; một số bị chấn thương, vết thương khuyết sọ và nhiễm chất độc hóa học. Những bệnh binh ở thể tâm thần phân liệt mãn tính do ám ảnh ảo giác của chiến tranh nên thường xuyên bị kích thích gây nên cơn loạn thần kích động… Có những người vẫn sống trong những hoài niệm của quá khứ. Với họ, xung quanh là đồng đội, đôi lúc còn là sự hoảng loạn bởi sự khốc liệt của chiến tranh.
Những năm qua, kế thừa và phát huy truyền thống của một đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên trong Trung tâm đã nỗ lực không ngừng trong việc tự học, tự nghiên cứu, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ để đảm bảo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đơn vị luôn xác định công tác điều trị cho thương, bệnh binh phải được đặt lên hàng đầu.
Theo đó, Trung tâm đã tổ chức điều trị theo chế độ bệnh viện, với mục đích điều trị ổn định cho bệnh nhân về mặt tâm thần, giảm số lần rối loạn kích động, hạn chế bệnh nhân kích động đập phá, giảm tỷ lệ sử dụng buồng kích động và thời gian cắt cơn rối loạn, hạn chế tối đa các hội chứng hoang tưởng...
Hiện nay, Trung tâm đưa vào sử dụng các thuốc an thần kinh thế hệ mới giúp thương bệnh binh ổn định hơn về bệnh tật, giảm các tác dụng phụ. Nhờ đó, tỷ lệ thương bệnh binh và đối tượng ổn định về sức khỏe tâm thần đạt trên 95%. Cùng với đó, công tác phục hồi chức năng được chú trọng.
Với mô hình "quản lý mở" đơn vị đã kết hợp có hiệu quả giữa quản lý và phục hồi chức năng đưa thương, bệnh binh phục hồi hoạt động sinh hoạt theo đúng giờ giấc quy định. Bác sĩ được cử đi học chuyên khoa phục hồi chức năng và đưa cán bộ đi tập huấn công tác phục hồi chức năng nhằm phục vụ thương, bệnh binh ngày càng tốt hơn. Các đối tượng thường xuyên được tập thể dục buổi sáng, tập luyện trên dụng cụ máy phục hồi đa chức năng. Các đối tượng tham gia lao động liệu pháp cùng cán bộ nhân viên như: làm công tác vệ sinh quang cảnh, quét dọn phòng ở, trồng rau, làm cỏ, tưới cây, chơi các môn thể thao phù hợp với sức khỏe… từ đó, giúp thương, bệnh binh nhanh chóng phục hồi lại các chức năng về hành động, tâm lý, ý thức…
Ngoài ra, Trung tâm cũng đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ của các thương, bệnh binh theo quy định của Nhà nước như: chế độ trợ cấp, phụ cấp; BHYT, chế độ truy tặng liệt sĩ; chế độ tử tuất; ưu đãi giáo dục cho con thương, bệnh binh…
Với những nỗ lực đó, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan đã vinh dự đón nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã Hội, UBND tỉnh Ninh Bình trao tặng, điển hình như: Huân chương Độc lập hạng Nhì; Danh hiệu đơn vị "Anh hùng lao động" thời kỳ đổi mới và nhiều Bằng khen của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh... Ý nghĩa hơn cả, phần thưởng lớn nhất cho chúng tôi đó là sự ổn định sức khỏe của 71 thương, bệnh binh nặng đang được chăm sóc tại Trung tâm.
PV: Bên cạnh công tác chuyên môn, được biết, những năm qua, Trung tâm cũng đã thực hiện được rất nhiều phần việc ý nghĩa khác dành cho các thương, bệnh binh. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về các hoạt động này?
Ông Đào Thanh Hải: Hầu hết, các thương, bệnh binh đang điều dưỡng tại Trung tâm đều bị tâm thần nặng, hồ sơ lại bị mất. Bởi vậy, mà ký ức về bản thân, gia đình, quê quán đã không còn hoặc nếu còn thì cũng không trọn vẹn. Tiếp xúc nhiều với bệnh nhân, chúng tôi hiểu nỗi niềm đau đáu của bệnh nhân đó là tìm về nguồn cội.
Vì vậy, những năm qua, chúng tôi vẫn luôn nỗ lực giúp các bệnh nhân tìm kiếm thông tin về thân nhân qua các kênh hiệu quả như: tích cực lấy thông tin từ bệnh nhân; gửi danh sách các thương, bệnh binh đến Cục chính sách và các tỉnh, thành phố; đồng thời, chúng tôi cũng nhắn tìm thân nhân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua mỗi tổ chức, cá nhân đến thăm Trung tâm… Sau nhiều năm tìm kiếm, đến nay, hầu hết những thương, bệnh binh còn sống đã tìm được quê quán, gia đình, người thân. Tuy nhiên, việc tìm kiếm thân nhân cho các thương, bệnh binh đã mất thì khó khăn hơn rất nhiều.
Hiện nay, vẫn còn 50 ngôi mộ của thương, bệnh binh đã mất chưa xác định được thân nhân. Đối với những ngôi mộ này, Trung tâm đã thay gia đình chăm sóc, thờ cúng chu đáo để ấm lòng người dưới mộ. Ngoài ra, Trung tâm cũng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa khác như: đưa các thương, bệnh binh đi thăm lại chiến trường xưa; thăm các khu di tích lịch sử, viếng Lăng Bác Hồ; phối hợp tổ chức để các bác trò chuyện với các cháu học sinh trong những chuyến đi về nguồn của một số trường học trong và ngoài tỉnh...
Được tham gia vào những hoạt động này, các thương, bệnh binh rất vui và xúc động. Đáng nhớ nhất là chuyến đưa các bác thương, bệnh binh đi viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn được tổ chức vào năm 2020. Để thực hiện được chuyến về nguồn ý nghĩa này, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch thật chi tiết để đảm bảo các bác có đủ sức khỏe để tham gia hành trình. Trong chuyến đi, chúng tôi chuẩn bị đầy đủ phương tiện, thiết bị y tế và đội ngũ y, bác sĩ để chăm sóc sức khỏe cho các bác trong hành trình dài...
Được thăm lại chiến trường, gặp lại đồng đội theo một cách đặc biệt, các bác thương binh rất xúc động. Các thương, bệnh binh đều bày tỏ sự bất ngờ khi chứng kiến "chảo lửa" bom đạn năm xưa nay đã phủ một màu xanh tươi tốt, những hố bom cũng đã bật mầm sự sống. Các bác xúc động khi được tự tay thắp nén nhang cho đồng đội, được thả những nhành hoa trắng xuống dòng sông Thạch Hãn...
Với độ tuổi trung bình của các thương, bệnh binh đã khá cao, lại mang trong mình cả thương và bệnh thì những chuyến đi ý nghĩa như thế không dễ gì thực hiện được nhiều lần. Đó là điều mang lại niềm xúc động mạnh cho tất cả chúng tôi.