Đặc biệt trong phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi đã xuất hiện ngày càng nhiều điển hình CCB vượt khó vươn lên, vừa sản xuất, kinh doanh giỏi, vừa tích cực giúp đỡ đồng chí, đồng đội và tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện.
Nhiều mô hình làm kinh tế giỏi
Trong những năm qua, với khẩu hiệu hành động "Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc dao là vũ khí, hội viên là chiến sĩ thi đua xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu hợp pháp, chính đáng", các cấp Hội đã vận động hội viên nêu cao ý chí tự lực, tự cường, gương mẫu đi đầu trên mặt trận kinh tế. Hàng năm, Ban Chấp hành Hội CCB thị xã đã chỉ đạo các cơ sở Hội khảo sát, nắm chắc các mô hình, điển hình làm kinh tế của hội viên để động viên, giúp đỡ kịp thời và nhân rộng các mô hình phát triển đúng hướng, hiệu quả.
Thông qua các phong trào thi đua của Hội đã xuất hiện ngày càng nhiều điển hình CCB vượt khó vươn lên làm giàu bằng chính bàn tay, khối óc của mình. Với bản lĩnh, ý chí của người lính Cụ Hồ, hội viên CCB thị xã đã phát huy lợi thế của thị xã miền núi để xây dựng các mô hình làm kinh tế. Trong đó, mô hình kinh tế trang trại đã thực sự phát huy hiệu quả với 86 hộ làm trang trại nông nghiệp, 37 hộ làm trang trại VAC và VACR; 43 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm; 12 hộ làm sinh vật cảnh cho thu nhập cao.
Đồng chí Phạm Ngọc Phiên, Phó Chủ tịch Hội CCB thị xã cho biết: "Các CCB làm kinh tế trang trại đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, áp dụng tiến bộ KHKT, công nghệ sinh học trong chăn nuôi và trồng trọt, do đó mô hình kinh tế trang trại, gia trại ngày càng được mở rộng và đạt hiệu quả cao".
Điển hình trong phát triển kinh tế trang trại là CCB Trịnh Xuân Tiến ở xã Đông Sơn đã nhận khoanh nuôi bảo vệ 24 ha rừng, 7 ha trang trại. Hiện nay, trang trại của anh nuôi 250 con nhím, 20 con hươu, có thời điểm nuôi thêm bò, dê, lợn cắp nách, gà, vịt, cá, doanh thu của gia đình mỗi năm đạt từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng. Ngoài ra, anh còn giúp giống, vốn cho hội viên CCB hàng trăm triệu đồng. Còn nhiều hội viên khác đã tìm tòi, học hỏi và mạnh dạn đưa các loại cây, con mới, đạt hiệu quả kinh tế cao vào nuôi trồng như mô hình nuôi cua đồng của gia đình hội viên Phạm Văn Phương, trang trại VAC tổng hợp của hội viên Phạm Xuân Quắc, Đoàn Ngọc Sương ở xã Yên Sơn; mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm của gia đình hội viên Phạm Huy Kỷ ở phường Trung Sơn, Nguyễn Văn Chuân ở phường Bắc Sơn...
Nhiều mô hình kinh tế trang trại của hội viên Hội CCB thị xã Tam Điệp thực sự phát huy có hiệu quả. Ảnh: Nguyễn Cường
Cùng với phát triển kinh tế trang trại, nhiều hội viên còn năng động nắm bắt thị trường, thành lập các doanh nghiệp, HTX do CCB làm chủ. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng với ý chí và nghị lực của người lính, các doanh nghiệp, HTX do CCB làm chủ đã đứng vững trên thương trường, doanh thu và lợi nhuận tăng, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho nhiều lao động của địa phương. Trong số đó, phải kể đến hội viên Tống Đức Thân, Giám đốc Công ty TNHH Vân Du, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ thị xã. Thành lập từ năm 2001 với ngành nghề chính là sản suất vật liệu xây dựng, khai thác, sản xuất chế biến phụ gia xi măng, trải qua 10 năm hoạt động, năng lực sản xuất, kinh doanh của Công ty không ngừng tăng lên, doanh thu năm 2010 đạt gần 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho 30 lao động thường xuyên (chủ yếu là con em thương binh, CCB) với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra còn tạo việc làm cho gần 100 lao động thời vụ. Mỗi năm doanh nghiệp đóng góp hàng chục triệu đồng để ủng hộ các hoạt động từ thiện, nhân đạo. Vừa qua, anh Tống Đức Thân vinh dự được đi dự hội nghị toàn quốc CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi và được T.Ư Hội tặng Bằng khen.
CCB Phạm Ngọc Năng cũng là một điển hình năng động, sáng tạo trong làm kinh tế. HTX CCB phường Nam Sơn do anh làm Chủ nhiệm từ một tổ hợp chuyên sản xuất, kinh doanh đồ mộc, đến nay đã phát triển thành HTX đa ngành với 3 tổ hợp sản xuất, đã tổ chức dạy nghề cho 186 lượt con em CCB, thu hút tạo việc làm cho hơn 100 lao động với thu nhập bình quân trên 2 triệu đồng/người/tháng. Anh cũng là điển hình trong phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi được T.Ư Hội CCB Việt Nam tặng Bằng khen.
Hội CCB thị xã Tam Điệp có 3.465 hội viên hiện đang sinh hoạt ở 148 chi hội, 16 tổ chức hội cơ sở. Hiện nay, toàn Hội có 290 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi quy mô vừa và nhỏ, trong đó có 113 hộ làm kinh tế trang trại, 43 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, 55 hộ kinh doanh đa ngành, 41 hộ buôn bán dịch vụ hàng hóa, 12 hộ làm sinh vật cảnh, 12 hộ sản xuất, kinh doanh, cung ứng vật liệu xây dựng; có 6 doanh nghiệp tư nhân do CCB làm chủ.
Ấm áp nghĩa tình đồng đội
Song hành với tổ chức, vận động hội viên đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, trong những năm qua, các cấp Hội CCB thị xã Tam Điệp đã tích cực vận động hội viên tham gia các hoạt động tình nghĩa, tương thân, tương ái. Phong trào giúp đỡ CCB nghèo ngày càng lan tỏa và đem lại hiệu quả thiết thực. Hàng năm, Thị hội chỉ đạo các đơn vị Hội cơ sở khảo sát nắm chắc số hộ CCB nghèo, phân tích nguyên nhân nghèo của từng hộ để có biện pháp giúp đỡ cụ thể. Các đơn vị Hội cơ sở, các chi hội đã phân công, động viên các hộ CCB có mức sống khá, giàu, các gia đình CCB làm kinh tế giỏi, các doanh nghiệp do CCB làm chủ giúp đỡ hội viên nghèo về giống, vốn, kinh nghiệm làm ăn. Đồng thời tổ chức hội nghị đầu bờ tại các cơ sở hội có nhiều hộ CCB nghèo, mời những hội viên làm kinh tế giỏi và hội viên nghèo dự hội nghị để giao lưu trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi.
Các cấp Hội cũng phối hợp tổ chức chuyển giao KHKT cho hội viên, trong 5 năm (2007-2011) đã tổ chức được 128 buổi với 7.686 lượt cán bộ, hội viên tham dự. Hội cũng phối hợp với Ban kinh tế (Hội CCB tỉnh) tổ chức 2 lớp dạy nghề trồng nấm rơm cho 80 lượt hộ CCB nghèo; phối hợp với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tuyên truyền, tư vấn xuất khẩu lao động cho các hộ CCB nghèo và con em CCB, đã vận động 21 con em CCB đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.
Hoạt động hỗ trợ vay vốn được đẩy mạnh, toàn Hội đã thành lập 40 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 1.635 hội viên được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Phát huy sức mạnh nội lực và nghĩa tình đồng đội, các cơ sở Hội đã vận động hội viên góp vốn cho nhau vay không lấy lãi, với 74 tổ vay vốn, tổng số vốn vay luân phiên là 420 triệu đồng, ngoài ra còn đóng góp xây dựng Quỹ hội được 833 triệu đồng giúp hội viên CCB nghèo và hội viên khó khăn vay với lãi suất thấp để đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Năm 2007, Thị hội phát động cuộc vận động "Nghĩa tình đồng đội", mỗi năm đã huy động được hàng chục triệu đồng để hỗ trợ, giúp đỡ CCB nghèo về giống, vốn, phương tiện sản xuất, xây, sửa nhà dột nát. Thực hiện đề án 02, 06 của HĐND tỉnh, các cấp Hội đã đóng góp 134,8 triệu đồng và hơn 2 nghìn ngày công lao động, góp phần tham gia xóa nhà dột nát cho hộ nghèo.
Kết quả phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi 5 năm qua của cán bộ, hội viên CCB thị xã Tam Điệp đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Giai đoạn 2007-2011, toàn Hội có 124 tập thể và 238 cá nhân sản xuất, kinh doanh giỏi được các cấp, các ngành khen thưởng.
Trong 5 năm, các cấp Hội đã giúp đỡ 45 gia đình hội viên nghèo vươn lên thoát nghèo, đến nay Hội CCB thị xã đã cơ bản xóa nghèo, hộ hội viên nghèo theo tiêu chí cũ chỉ còn 0,24%. Thông qua thực hiện phong trào cũng góp phần xây dựng tổ chức Hội, từ năm 2007 đến năm 2010, Hội CCB thị xã Tam Điệp liên tục đạt trong sạch, vững mạnh xuất sắc.
Minh Châu