Hội thảo có sự tham gia của hơn 400 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp và nông dân trong và ngoài tỉnh tham dự.
Dự án cánh đồng liên kết lần đầu tiên được thực hiện ở ĐBSCL thuộc địa bàn 2 tỉnh An Giang (135ha) và Kiên Giang (143,8ha). Tại Kiên Giang, dự án được triển khai trên địa bàn 3 huyện trọng điểm về nông nghiệp là Tân Hiệp, Giồng Riềng và Hòn Đất với 72 hộ nông dân tham gia. Các hộ nông dân có ruộng nằm trong vùng dự án đều được các nhà khoa học và các Cty hỗ trợ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất lúa nhằm giảm tối đa chi phí, tăng sản lượng, chất lượng và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ông Vũ Văn Môn (ở xã Tân Hiệp A), có 2 ha nằm trong vùng dự án vui mừng cho biết: "Năm nay tôi làm giống OM2517, được các nhà khoa học hướng dẫn kỹ thuật, phân bón theo quy trình của Cty Yara, thuốc BVTV của Cty Bayer nên gia đình tôi thu được lợi nhuận khá cao. Tính ra mỗi kg lúa tôi giảm chi phí được 112 đồng, mỗi ha lợi nhuận cao hơn gần 1,3 triệu đồng so với sản xuất theo tập quán thông thường". Ông Nguyễn Cao Thiêu, có 5 ha tham gia trong vùng dự án phấn khơi cho biết thêm: "Chỉ tính riêng việc sạ hàng và thu hoạch bằng máy, nông dân chúng tôi đã lợi được cả gần 1 triệu đồng/ha".
Hầu hết các nông dân tham gia dự án đều rất phấn khởi không chỉ bởi năm nay lúa trúng mùa được giá mà còn do lợi nhuận họ thu được trên cùng một diện tích cũng tăng lên đáng kể. "Với năng suất từ 8 - 8,2 tấn/ha và giá lúa đang ở mức cao như hiện nay, nông dân chúng tôi (trong vùng dự án) lãi hơn 23 triệu đồng/ha là cái chắc", ông Nguyễn Văn Tài - Trưởng ban lãnh đạo ấp Kinh 4A khẳng định.
Nhận xét về dự án này, ThS. Trần Quang Củi - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, đây là mô hình khuyến nông kiểu mới, được áp dụng thực tế trên đồng ruộng với diện tích lớn, đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn trong thời kỳ hội nhập với sản phẩm đồng đều và có chất lượng cao. Qua mô hình này cho thấy hiệu quả của công tác xã hội hóa khuyến nông, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cùng nhà nước làm khuyến nông với mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống cho người nông dân và hợp tác đôi bên cùng có lợi.
(Theo NNVN)