Khó khăn trong xử lý những tồn tại Theo thống kê của Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện còn 103 điểm vi phạm an toàn lưới điện. Trong đó trên địa bàn thành phố Ninh Bình hiện nay còn 6 điểm vi phạm, thành phố Tam Điệp còn 5 điểm, Hoa Lư 4 điểm, Gia Viễn 9 điểm, Nho Quan 7 điểm, Kim Sơn 12 điểm, Yên Mô 9 điểm và nhiều điểm vi phạm nhất là Yên Khánh với 51 điểm vi phạm.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Lân, Trưởng phòng An toàn điện, Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình cho biết: Các điểm vi phạm chủ yếu là do sự phát triển xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng như cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các tuyến đường giao thông, hệ thống đê điều, xây dựng các khu dân cư mới, cơi nới nhà cửa… Nguyên nhân vi phạm chủ yếu là do trong quá trình lập dự án đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng như đường giao thông, đê điều, xây dựng khu dân cư mới; lập hồ sơ cấp đất hay cho thuê đất các cơ quan chức năng đã không tính đến kinh phí để di chuyển các công trình điện hiện có trên đất, hoặc không để đất hành lang an toàn cho công trình điện ra ngoài diện tích đất thuê hay được cấp. Một số cá nhân cố tình sử dụng đất sai mục đích; sự triển khai thiếu đồng bộ công tác di chuyển, cải tạo, nâng cấp đường điện khi triển khai các dự án xây dựng công trình... đã gây mất an toàn cho người và thiết bị lưới điện.
Bên cạnh đó, sự quan tâm chỉ đạo, điều hành tại một số Tiểu ban chỉ đạo có lúc còn chưa được quyết liệt, kịp thời và triệt để. Các cấp chính quyền tại một số nơi chưa kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc các cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực hiện kết luận giải tỏa điểm vi phạm hành lang an toàn lưới điện, còn để tình trạng vi phạm nguy hiểm tồn tại kéo dài. Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Điện lực và các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn công trình lưới điện, cao áp có nơi còn chưa được thường xuyên.
Để giải quyết dứt điểm nhiều điểm vi phạm đối với lưới điện trung và cao thế, cần phải có nguồn kinh phí lớn để thực hiện các phương án như: di chuyển đường dây, trạm biến áp, nâng cao độ võng dây dẫn. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này đối với các địa phương và Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình và Truyền tải điện Ninh Bình là rất khó khăn.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Ông Ngô Nam Phòng, Giám đốc Công ty TNHH MTV điện lực Ninh Bình cho biết: Hành lang an toàn lưới điện cao áp bao gồm đường dây trên không, đường dây cáp ngầm và hành lang bảo vệ an toàn trạm điện. Khi hành lang an toàn lưới điện cao áp bị xâm hại, khả năng xảy ra sự cố mất điện, ảnh hưởng đến quy trình cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và các sinh hoạt thường ngày của khách hàng sử dụng điện là rất cao. Vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, cung ứng nguồn điện liên tục cho khách hàng sử dụng điện được Công ty đặt lên hàng đầu với nhiều giải pháp thiết thực.
Cụ thể, đối với các điểm vi phạm hành lang lưới 10kV, 22kV, 35kV trên địa bàn thành phố Ninh Bình, các huyện Yên Khánh, Kim Sơn, Yên Mô, Gia Viễn Công ty đã đưa vào kế hoạch cải tạo lưới điện nâng cấp lưới điện 10kV lên 22kV bằng nguồn vốn DPL3 của Công ty (dự kiến thực hiện từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2016) đối với các điểm vi phạm hành lang lưới 10kV, 22kV, 35kV trên địa bàn huyện Nho Quan, Hoa Lư, thành phố Tam Điệp, Công ty đưa vào kế hoạch sửa chữa thường xuyên (dự kiến thực hiện từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2016). Đối với các điểm vi phạm hành lang lưới 110kV, Công ty Điện lực Ninh Bình đề nghị Ban chỉ đạo Bảo vệ an toàn lưới điện cao áp tỉnh chỉ đạo các Tiểu ban chỉ đạo huyện, thành phố, các Ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Để khắc phục triệt để tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp phổ biến như đã nêu, Công ty Điện lực Ninh Bình đề nghị Ban chỉ đạo bảo vệ an toàn lưới điện cao áp tỉnh có ý kiến chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố; Ban quản lý các dự án giao thông, thủy lợi… khi lập hồ sơ cấp đất, cho thuê đất, lập dự án xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, công trình xây dựng dân sinh... cần lập kinh phí để di chuyển các công trình điện hoặc không giao diện tích đất của hành lang an toàn lưới điện cao áp.
Đối với các điểm vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp thuộc các dự án giao thông, thủy lợi, đề nghị chủ đầu tư khẩn trương làm việc với Công ty Điện lực Ninh Bình để thống nhất phương án nâng cao độ cao của lưới điện hoặc di chuyển đường dây, nhằm đảm bảo an toàn cho công tác quản lý, vận hành, đảo bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại.
Cùng với các giải pháp của ngành điện lực, Sở Công thương cũng đã có văn bản triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Điện lực các huyện, thành phố tăng cường phối hợp chặt chẽ với các Tiểu ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ tại địa bàn quản lý để tập trung giải quyết dứt điểm các điểm vi phạm nguy hiểm trên địa bàn. Kiên quyết không để phát sinh các điểm vi phạm mới, tập trung giải quyết dứt điểm các điểm vi phạm hành lang cao áp đặc biệt nguy hiểm đang tồn tại ở địa bàn, đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân và sự vận hành ổn định liên tục của hệ thống lưới điện.
Đối với công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn công trình lưới điện cao áp và an toàn điện trong nhân dân, đề nghị các Tiểu ban chỉ đạo huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với Báo, Đài Phát thanh, Truyền hình và UBND các xã, phường, thị trấn để tăng cường công tác tuyên truyền.
Bà Phạm Thị Hồng, Giám đốc Sở Công thương cho rằng, để giải quyết dứt điểm tình trạng này, thời gian tới, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị liên quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân; khi lập quy hoạch, giao đất, cấp đất, cấp phép xây dựng, cải tạo nhà cửa, cần phối hợp đơn vị quản lý lưới điện để tránh chồng chéo, vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Các đơn vị quản lý lưới điện tăng cường theo dõi, kiểm tra trên các tuyến đường dây; phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động, ngăn ngừa vi phạm; phối hợp xây dựng lộ trình phát hiện, xử lý dứt điểm các điểm vi phạm; đẩy mạnh đầu tư hệ thống điện của các xã sau tiếp nhận lưới điện nông thôn để hạn chế các vi phạm ở cấp hạ áp. Các sở, ngành liên quan khi xây dựng quy hoạch, khảo sát, thiết kế hoặc thẩm định hồ sơ thiết kế, phê duyệt dự án đầu tư, cần phối hợp với đơn vị quản lý lưới điện để hạn chế tối đa vi phạm, đảm bảo an toàn hành lang lưới điện.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm